“Tối Ba mươi” nỗi niềm của khách tha hương

GD&TĐ - Trong giờ khắc chờ đón Giao thừa của “Tối Ba mươi”, Huệ “nhắm mắt lại”, nước mắt “rơm rớm ở hàng mi”.

Ảnh chỉ có tính minh họa (Nguồn: IT)
Ảnh chỉ có tính minh họa (Nguồn: IT)

Cô nhớ lại cuộc đời của mình, nhớ “lúc trẻ thơ, lúc còn con gái ở nhà quê”, được mặc áo mới, đứng trên thềm “nhìn mấy bông hoa đào nở trước vườn vào một buổi sáng mồng Một Tết”… Kí ức đem lại cho cô gái cảm giác “một sự gì trong mát, tươi non”. Vệt sáng ấy lấp lánh trong miền kí ức sâu xa, trĩu nặng nỗi niềm nhớ tiếc và mang theo mong ước về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thạch Lam là đại biểu xuất sắc của văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945. Sáng tác của ông thường có cốt truyện đơn giản, chủ yếu khai thác thế giới nội tâm của nhân vật với những xúc cảm mong manh, mơ hồ trong cuộc sống thường ngày. Ngay trong tác phẩm đầu tay (“Gió đầu mùa”), người ta đã thấy Thạch Lam đứng vào một phái riêng… Ông có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ và rất đẹp… Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết được như vậy… (Vũ Ngọc Phan). “Tối Ba mươi” là truyện ngắn tiêu biểu cho lối viết của Thạch Lam. Đến với thiên truyện, người đọc được lắng sâu cùng nỗi niềm tha hương của hai cô gái làng “săm” trong thời khắc đặc biệt - đêm Ba mươi, khi mọi người, mọi nơi đang chuẩn bị đón Giao thừa.

Căn buồng số 12

Đó là một căn phòng nhà “săm” - nơi tá túc của hai cô gái tha hương, Huệ và Liên trong “Tối Ba mươi”. “Dưới ánh ngọn đèn mờ”, những vật dụng trong căn phòng hiện lên thật “bẩn thỉu”: “Cái giường Hồng Kông cũ, đồng han và gỉ xạm, cái bàn gỗ ẩm ướt ở góc tường, hai cái ghế long chân”. Huệ đứng trong căn phòng, qua cửa kính nhìn xuống đường, “mưa bụi vẫn bay tơi tả, hình như bóng tối khắp nơi dồn lại quãng phố hẹp này. Trên hè ướt át và nhớp nháp bùn, không một bóng người qua lại. Cái vắng lạnh như mênh mông ra tận đâu ở khắp các phố Hà Nội đêm này”. Không gian của truyện, ngay từ đầu đã bị bao phủ bởi bóng tối, bởi sự vắng lặng, tù đọng và nhơ nhớp. Không gian như chính cuộc đời của hai cô gái nhà “săm”. Không gian chất chứa nỗi niềm u uẩn của hai kẻ tha hương. Giọng văn chậm buồn như trĩu nặng nỗi xót xa của nhà văn Thạch Lam với thân phận đáng thương của hai cô gái trong thời khắc đặc biệt -“Tối Ba mươi”.

Trong “Tối Ba mươi” - trong ngày cuối cùng của năm cũ, dù bất cứ ở đâu, mọi người, mọi nhà cũng sẽ chuẩn bị để đón Giao thừa, đón Tết. Tết đến “thăm” hai cô gái ở “trong cái buồng nhà săm này cũng như đến những nơi thơm tho đầm ấm”. Chỉ có điều, trong căn phòng số 12 này, ngày thường vốn tấp nập, nhưng trong đêm Ba mươi lại vắng lặng, u buồn. Sự thay đổi đó làm con người ta“nghĩ đến sự trơ trọi của đời mình”. Trong Liên, “cái buồn ghê gớm chỉ chực kéo đến giày vò”.

Huệ thì “lặng im, thoáng nghĩ đến thân thế lưu lạc của hai chị em và lòng se lại”, tâm trí “tưởng đến những căn nhà ấm cúng và sáng đèn, then cửa cài chặt, mọi người trong nhà đang tấp nập sửa soạn đón năm mới trong sự thân mật của gia đình”. Cuộc đời xô đẩy hai cô gái  lưu lạc chốn tha hương. Huệ thì “còn đâu nhà nữa mà về”, “Mẹ chết rồi, cha đi lấy vợ khác không biết ở đâu”,“Bảy tám năm nay cô không về đến làng, chẳng biết những người quen còn ai không”. Hoàn cảnh đã xô đẩy cô gái đến cảnh phải “xa cửa xa nhà” trong cả lúc Tết đến. Nghĩ đến mình, Huệ lại “thương hại” cho Liên, vì cô ấy vẫn còn cha mẹ nhưng “không dám về”. “Hai người sống cái đời trụy lạc ở Hà Nội từ lúc bỏ nhà ra đi”.

Trong giờ khắc “Tối Ba mươi”, ở căn buồng nhà săm “trong một cảnh ăn Tết lạnh lẽo”, Huệ “nhắm mắt lại”, nước mắt “rơm rớm ở hàng mi”. Cô nhớ lại cuộc đời của mình, nhớ “lúc trẻ thơ, lúc còn con gái ở nhà quê”, được mặc áo mới, đứng trên thềm “nhìn mấy bông hoa đào nở trước vườn vào một buổi sáng mồng Một Tết”… Kí ức đem lại cho cô gái cảm giác“một sự gì trong mát, tươi non”. Vệt sáng ấy lấp lánh trong miền kí ức sâu xa, trĩu nặng nỗi niềm nhớ tiếc và mang theo mong ước về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chỉ có điều, vệt sáng nhỏ nhoi ấy không đủ sức chiếu rọi vào cuộc đời tối tăm của cô gái. Đối diện với thực tại, tâm hồn Huệ“u ám và nặng trĩu xuống”. Quá khứ như ánh hào quang rực rỡ và ấm áp le lói trong bóng tối dày đặc của đêm Ba mươi, le lói trong tâm hồn u uẩn của cô gái tha hương, làm dấy lên nỗi xót xa. Nhưng chính nỗi muộn phiền ấy đã giữ lại phần tâm hồn, nhân cách của những số phận bị xô đẩy vào chốn bùn nhơ. Văn Thạch Lam nhẹ nhàng nhưng thâm trầm, sâu sắc là ở những phát hiện tinh tế như thế.

Khoảnh khắc kí ức ùa về của Huệ trong “Tối Ba mươi” làm ta liên tưởng đến hồi ức của Liên về Hà Nội trong một sáng tác khác của nhà văn Thạch Lam - truyện ngắn “Hai đứa trẻ”. Trong sự vây phủ của bóng đêm phố huyện, tâm hồn Liên ánh lên một vầng sáng êm dịu, đó là hào quang của quá khứ phản chiếu - khi thầy Liên chưa mất việc, Liên còn ở Hà Nội, được thưởng thức quà ngon, lạ, “bấy giờ mẹ Liên nhiều tiền”, Liên “được đi chơi Bờ Hồ, uống những cốc nước lạnh xanh đỏ”. Vùng sáng rực và lấp lánh của kỉ niệm cùng ấn tượng “Hà Nội nhiều đèn quá!” là thứ ánh sáng dịu êm vừa đủ tiếc nhớ khi Liên đối diện với hiện tại tối tăm, vừa như muốn thắp lên ước mơ cho cuộc đời nghèo khổ. Quầng sáng ấy thật đẹp, thật đáng để nâng niu!

Văn Thạch Lam lặn sâu, neo đậu vào trí nhớ của người đọc bởi những dòng chữ dịu êm và lấp lánh như thế.

“Tối Ba mươi” là một phát hiện trên hành trình kiếm tìm cái đẹp của nhà văn lãng mạn.
“Tối Ba mươi” là một phát hiện trên hành trình kiếm tìm cái đẹp của nhà văn lãng mạn.

Đón Giao thừa

Trong căn phòng số 12, “Tết đến nơi rồi”. Trước khi về đến phòng, Liên đã “chạy vội khắp các phố” mang về “những thức ăn rẻ tiền mua hấp tấp ở các hiệu khách trước giờ đóng cửa đêm Ba mươi”. Thức ăn “được gói bọc trong giấy nhật trình buộc bằng dây cói”. Mở cửa, không thấy nét mặt vui vẻ của Huệ thò ra đón, thay vào đó, Liên chỉ thấy“vẻ lạnh lẽo của căn phòng”, và cảnh tượng Huệ “đương cuộn chăn nằm ngủ trên giường, tóc xõa ra trên gối trắng”. Gạt vội cảm giác cái vui trong lòng “mong manh sắp tắt”, Liên “để các gói xuống bàn, giũ bụi mưa trên áo rồi vội vàng tung chăn ra bên xốc Huệ lên”. Cô cũng “không muốn nghĩ vơ vẩn nữa”, cố đè nén “cái buồn ghê gớm chỉ chực kéo đến giày vò”,  để “vội cười lên”. Hai chị em cùng soạn sửa đón Giao thừa.

Các gói giấy được mở ra. Trong đó có lạp xường, bánh chưng, giò lụa, gan cá kho, mấy quả cam đỏ - những món ăn quen thuộc trong các gia đình ngày Tết.  Đang lúc “lặng im, tự dưng thoáng nghĩ đến thân thế lưu lạc của hai chị em”, Liên vội vỗ vai Huê “- Phải vui vẻ lên một tí chứ, sắp Giao thừa rồi đây này”. Huệ theo Liên vào để thắp hương cúng gia tiên.

Các đồ cúng nghèo nàn bỗng bày lộ ra trước mắt hai người: “Trên chiếc bàn rửa mặt đầy vết bẩn, Liên đã đặt đĩa cam quít, cái bánh chưng và thếp vàng. Mấy gói lạp xường và giò cũng để ngay bên”. Huệ không quên mua gạo để bỏ vào bát hương. Có gạo nhưng lại không biết “đổ vào cái gì”. Hai chị em nhìn quanh gian buồng, Liên phát hiện ra cái cốc “bỗng reo lên: - Đổ vào cái cốc này này. Phải đấy, rất là...”. Ngay lúc đó, Liên “im bặt dừng lại” khi nghĩ đến “cái cốc bẩn đến những khách làng chơi cũng không dùng đến” nên không thể dùng làm bát hương cúng tổ tiên. Ý nghĩ đó cũng vừa mới đến trong trí của Huệ. Hai chị em quyết định cắm hương lên tường.

Dù chỉ là trong căn buồng nhà “săm” tối tăm, bẩn thỉu thì ở thời khắc chuẩn bị Giao thừa, hai cô gái tha hương vẫn một lòng hướng về tổ tiên. Trong lòng họ không thôi khát khao tổ ấm, khát khao đoàn tụ gia đình. Khi không gia đình, khi bị xô đẩy vào cảnh sống tha hương, niềm khát khao ấy thật đáng thương nhưng cũng thật đáng trân trọng. Bởi đó là phần thiện căn, phần nhân cách con người mà hoàn cảnh xô bồ đến mấy cũng không thể hủy diệt được. Truyện ngắn của Thạch Lam luôn tìm kiếm, phát hiện và khẳng định những vẻ đẹp tâm hồn con người ở địa hạt sâu kín như thế.

Vừa lúc sửa soạn xong đồ cúng thì Huệ và Liên nghe tiếng gõ cửa. Hai chị em “luống cuống nhìn các đồ cúng trên bàn”, “muốn dọn hết”, nhưng không kịp. Huệ “nhanh trí” đứng dựa bên bàn che khuất chỗ vừa bày biện. Người bồi săm xuất hiện. Bác nhờ hai cô giữ hộ chìa khóa để về ăn Tết. Trước khi rời phòng, người bồi không quên “chúc mừng trước hai cô nhé! Chúc hai cô sang năm mới được... được”. Lời chúc ấp úng vì không biết nói gì thêm. Liên đỡ lời cảm ơn rồi đóng cửa buồng lại.

Khi “tiếng cánh cổng sắt dưới nhà rít lên trong yên lặng lạnh lùng”, hai con người tha hương cảm thấy “gian buồng bỗng trở nên rộng rãi quá chừng: Một cái lạnh thấm thía đến tâm hồn”. Khung cảnh của cuộc đời trụy lạc hiện diện khắp căn phòng: “Cái giường sắt lạnh, đệm và gối hoen bẩn, cái thau gỉ, cái bô và cái cái bàn rửa mặt gỗ đã mọt”.

Ngay trong tác phẩm đầu tay “Gió đầu mùa”, người ta đã thấy Thạch Lam đứng vào một phái riêng.
Ngay trong tác phẩm đầu tay “Gió đầu mùa”, người ta đã thấy Thạch Lam đứng vào một phái riêng.

Để phá tan sự im lặng đáng sợ trong căn phòng, Liên nhắc Huệ thắp hương. Khói hương lên thẳng rồi tỏa ra mùi thơm ngát “đem dẫn hồn người về kỉ niệm những ngày cúng giỗ ở nhà, khi hai chị em còn là những cô gái trong sạch và ngây thơ”…

Nhưng chút ấm áp của kỉ niệm vẫn không đủ sức xua đi thực tại “thất vọng, chán chường” trong đêm Ba mươi. Sau khi Huệ “đặt lại cái đĩa trên bàn, xếp vàng cho ngay ngắn”, Liên tiến đến trước bàn thờ, đứng yên vì không biết khấn sao đây. Rồi cô “bỗng nấc lên, rung động cả vai rồi gục xuống ghế, tay ấp mặt. Những giọt nước mắt nóng chảy tràn mí mắt”. Liên cảm thấy “một nỗi tủi cực mênh mang tràn ngập cả người, một nỗi tiếc thương vô hạn; tất cả thân thể nàng lướt hiện qua trước mắt với những ước mong tuổi trẻ, những thất vọng chán chường”. Huệ cũng “cảm động nghẹn ngào”, gục vào vai Liên, “nước mắt cũng ứ lên rồi lặng lẽ trào ra má”. Khi “tiếng pháo Giao thừa bỗng nổi vang gần đấy, rồi từ nhà nọ sang nhà kia lan rộng mãi vào đêm tối”, hai cô gái “nép vào nhau yên lặng”.

Tiếng pháo Giao thừa khép lại thiên truyện, để lại thật nhiều dư ba. Âm thanh “nổi vang” ấy xua đi cái u ám, tịch mịch của “Tối Ba mươi”, “những ước mong của tuổi trẻ” lại được thắp lên cùng mùa xuân. Tết sẽ gieo vào lòng người những niềm hi vọng, niềm tin về cuộc sống. Niềm tin ấy được khơi gợi, được nhen lên trong miền tâm thức của nhân vật khi nhớ về Tết của ngày xưa cũ. Sự vận động của không gian và thời gian nghệ thuật của truyện từ u tịch, tối tăm ẩm ướt của đêm Ba mươi đến cái dội vang của pháo Giao thừa đón năm mới, thắp lên trong lòng người hi vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thạch Lam từng quan niệm: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật bình thường. Công việc của nhà văn là phải hiểu cái đẹp ở chính chỗ mà người ta không ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức”.

“Tối Ba mươi” là một phát hiện trên hành trình kiếm tìm cái đẹp của nhà văn lãng mạn ấy. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, đậm chất trữ tình, man mác, giàu xúc cảm, trong thiên truyện ngắn “Tối Ba mươi”, Thạch Lam đã đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, bắt kịp những cảm xúc tinh tế, ghi lại được những thoáng chốc, những lát cắt tâm trạng trong sự tương tranh giữa không gian, ngoại cảnh và lòng người. Chính trong dòng chảy cảm xúc ấy, nhà văn phát hiện, khẳng định những vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, quý giá của cuộc sống con người. Nỗi niềm của Liên và Huệ trong thiên truyện trở thành những thanh âm cuộc đời để lại nhiều dư ba trong cảm xúc của người đọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.