Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên

GD&TĐ - Sáng nay (12/8), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và triển khai nhiệm vụ năm học 2015 - 2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Sỹ Điền
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Sỹ Điền

Hội nghị diễn ra tại 6 điểm cầu: Hà Nội - Thái Nguyên - Nghệ An - Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ.

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Đồng chí Vũ Đức Đam – Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lê Quang Vĩnh- Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Trịnh Ngọc Thạch – Phó Chủ nhiệm Ủy ban thanh niên thiếu niên và nhi đồng Quốc hội; Huỳnh Văn Tí – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;  Hoàng Thị Hạnh - Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, cùng đại diện các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các khoa sư phạm, trường ĐH sư phạm, CĐ sư phạm và lãnh đạo 63 Sở GD&ĐT trên cả nước...

Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chủ trì hội nghị; Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì điểm cầu Thái Nguyên; Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì điểm cầu Đà Nẵng; Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng chủ trì điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh; Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì điểm cầu Cần Thơ; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức chủ trì điểm cầu Nghệ An.

Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 1Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 2Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 3Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 4Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 5Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 6

Báo cáo đề dẫn hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã phân tích chi tiết những kết quả đã đạt được cũng như khó khăn hạn chế trong việc triển khai nhiệm vụ năm học 2014 – 2015.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Việt Hoa
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Việt Hoa

Theo Thứ trưởng: Trong năm học, các cấp quản lý giáo dục đã phối hợp với các cơ quan hữu quan và các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quán triệt Nghị quyết 29 về các chủ trương, nhiệm vụ lớn của ngành, như:

Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt trong các hoạt động đổi mới. Đồng thời, tăng cường công tác phản biện xã hội để kịp thời điều chỉnh chính sách, điều chỉnh công tác quản lý, chỉ đạo của Bộ và các cấp quản lý giáo dục.

Về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng XHHT, đến nay cả nước có 32 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; kết quả và chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi được giữ vững và nâng cao; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS, đảm bảo tính bền vững và chất lượng công tác phổ cập giáo dục.

Ngành Giáo dục cũng đã triển khai đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30, bước đầu tạo chuyển biến nhận thức về đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển năng lực HS. Cùng với đó, triển khai thành công bước đầu những thực nghiệm tốt cho quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới...

Bên cạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, công tác xã hội hóa và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục được chú trọng. Tính đến năm học 2014 - 2015, cả nước đã thành lập được 2.410 trường mầm non, phổ thông ngoài công lập. Việc huy động xã hội hóa được các địa phương triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, hiệu quả...

Riêng triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020: Đến năm học 2014 - 2015, chương trình các môn Ngoại ngữ trong giáo dục phổ thông được thực nghiệm ở 63 tỉnh, thành cho học sinh từ lớp 3 đến 12, đạt kết quả tốt. Việc dạy và học Ngoại ngữ đã bước đầu chuyển từ dạy và học ngôn ngữ sang dạy và học toàn diện kỹ năng giao tiếp.

Với công tác phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi và giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong năm học, Bộ GD&ĐT  đã kiểm tra công nhận 14 tỉnh, TP đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi PCGDMNTNT, nâng số đơn vị cấp tỉnh được công nhận đạt chuẩn lên 32/63 tỉ lệ 50,8%.

Đặc biệt, kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã được chuẩn bị chu đáo từ Trung ương đến các địa phương và được tổ chức theo đúng tinh thần đảm bảo thi gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân. Kết quả thi phản ánh trình độ người học, làm căn cứ để xét tốt nghiệp THPT đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp xét tuyển sinh, nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội, tạo ra những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Kết thúc kỳ thi, tỉ lệ tốt nghiệp giáo dục THPT là 93,42%, GDTX: 70,08%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia chung là : 91,58%

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015 – 2016, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới công tác quản lý GD&ĐT. Tập trung các giải pháp tích cực để củng cố vững chắc và nâng cao kết quả PCGD tiểu học, THCS ở một số địa phương.

Đổi mới đồng bộ hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Trong đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học và triển khai các mô hình, phương pháp dạy học mới phục vụ cho quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Để tăng cường hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh nội dung đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân; chú ý khai thác các tình huống trong đời sống để tổ chức dạy học, rèn luyện và đánh giá học sinh. Giờ học tổ chức theo hướng "mở" gắn với thực tế, với những tấm gương sáng về đạo đức nhằm bồi dưỡng hình thành nhân cách, nhận thức cho học sinh...

Nhiệm vụ trong năm học mới cũng tập trung vào công tác xã hội hóa và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; tiếp tục triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020 và công tác phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi và giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Riêng với kỳ thi THPT quốc gia, sẽ tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc từ Bộ đến các địa phương, các trường đại học về công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, công bố và sử dụng kết quả thi... để hoàn thiện các khâu của quá trình tổ chức thi; đồng thời, xem xét điều chỉnh thời gian tổ chức thi phù hợp từ năm 2016 và những năm tiếp theo…

Xem toàn văn báo cáo tổng kết năm học 2014-2015, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015-2016 TẠI ĐÂY

Sau báo cáo của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận điều hành phần thảo luận. 

Tham luận do ông Võ Minh Lợi - Phó GĐ Sở GD&ĐT TP Cần Thơ trình bày tập trung vào một số giải pháp thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

 Ông Võ Minh Lợi - Phó GĐ Sở GD&ĐT TP Cần Thơ báo cáo tham luận. Ảnh: Quốc Ngữ

Dù đã đầu tư rất lớn nhưng Cần Thơ còn nhiều thách thức: Như mặc dù đã đạt chuẩn phổ cập mầm non 5 tuổi nhưng tỷ lệ huy đông trẻ dưới 5 tuổi cong thấp; cơ sở vật chất nói chung chưa được kiến cố hóa toàn diện, số lượng trường học tăng so với nhu cầu, số trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp...

Do đặc thù là vùng sông nước, mỗi năm phải đối mặt với mùa mưa lũ, ông Võ Minh Lợi cho rằng, nhu cầu đầu tư cho giáo dục của Đồng bằng Sông Cửu Long và Cần Thơ rất lớn. Để giải quyết được những khó khăn nói trên, ông Lợi đề nghị Cần Thơ cần có cơ chế đặc thù để phát huy mọi nguồn lực, phục vụ nhu cầu phát triển GD&ĐT.

Khẳng định phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt để phát triển giáo dục, ông Phạm Văn Đại – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Thời gian qua Hà Nội luôn quan tâm đến công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.

Đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của Hà Nội đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Kinh nghiệm của Hà Nội là: Làm tốt công tác tham mưu; quản lý, sử dụng có hiệu quả biên chế; đổi mới công tác tuyển dụng; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng;

Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý và giáo viên; thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý và giáo viên;

Xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch, sử dụng, điều động luân chuyển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; chủ động hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ cho đội ngũ.

Để Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố trong cả nước có thể nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ, Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành Thông tư quy định về xếp hạng giáo viên; ban hành Quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên để các địa phương có căn cứ trong công tác tuyển dụng, đánh giá xếp loại viên chức, cử đi đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ chính sách và bổ nhiệm cán bộ quản lý...

Nguồn kinh phí đào tạo bồi dưỡng do các địa phương đảm nhiệm nên cần có sự chỉ đạo thống nhất của Bộ GD&ĐT về số tiết đào tạo cũng như số kinh phí.

Khẳng định Thông tư 30 được xem là bước đột phá trong đánh giá học sinh tiểu học, nhưng đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An, bà Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - cũng nhận định: 

Thông tư 30 được xem là bước đột phá trong đánh giá học sinh tiểu học. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen đã tồn tại từ rất lâu trong giáo dục là học để ứng thí, xem điểm số là thước đo giá trị của sự học nên một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên không khỏi bỡ ngỡ, lúng túng trong quá trình thực hiện.

  Bà Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Hồ Lài

Chia sẻ kinh nghiệm của Nghệ An, bà Nguyễn Thị Kim Chi đề cập đến việc chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lí và giáo viên; Tăng cường công tác quản lí, chỉ đạo của các cấp quản lí; chủ động công tác thông tin.

“Xác định đây là vấn đề mới, tác động đến hầu hết các thành phần trong xã hội nên ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An đã quan tâm đặc biệt đến công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho báo chí. Vì vậy, đã tạo được sự đồng thuận cao và sự ủng hộ của dư luận trong quá trình thực hiện” – Bà Nguyễn Thị Kim Chi chia sẻ.

Tiếp tục triển khai tốt quy định mới này, bà Nguyễn Thị Kim Chi đề nghị các cấp quản lí giáo dục cần kiên trì bám sát cơ sở, bám sát các hoạt động dạy học, giáo dục, đánh giá học sinh để phát hiện, tư vấn và hỗ trợ giáo viên, phát hiện nhân rộng nhân tố điển hình. Chủ động về công tác thông tin truyền thông.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Chi, cần phải xác định lộ trình ít nhất phải 2 năm học để giáo viên thành thạo với cách đánh giá học sinh theo Thông tư 30, nhất là kĩ thuật đánh giá và sử dụng hồ sơ đánh giá.

Bên cạnh đó, tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm trường để giáo viên trao đổi, đề xuất hướng khắc phục những khó khăn (nếu có). Đội ngũ chuyên gia cốt cán được tập huấn ở Bộ phải đi sát cơ sở để lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, hỗ trợ giáo viên.

Sở tổ chức hội nghị đánh giá chính thức, công khai những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại sau 1 năm triển khai thực hiện để điều chỉnh về nhận thức, thái độ từ cán bộ quản lí trước việc đổi mới đánh giá học sinh.

Nghiên cứu, điều chỉnh mẫu hồ sơ theo dõi chất lượng theo hướng như một số địa phương đã làm (chỉ cần mỗi lớp một cuốn sổ theo dõi chất lượng giáo dục cho tất cả các môn học và hoạt động giáo dục. Ngoài ra, khuyến khích giáo viên ghi nhật kí theo dõi học sinh có thể lồng ghép vào sổ chuyên môn của giáo viên).

Bên cạnh đó, cũng cần hướng dẫn cụ thể thêm về công tác khen thưởng theo cách đánh giá của Thông tư 30 để thực hiện thống nhất về nguyên tắc...

Bà Vũ Liên Oanh – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh - tại hội nghị đã chia sẻ một số giải pháp về công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn.

Bà Vũ Liên Oanh cho biết: Đến thời điểm tháng 12/2014, tỉnh Quảng Ninh có 180/86 (96,8%) đơn vị cấp xã, 14/14 (100%) đơn vị cấp huyện đạt các tiêu chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi theo quy định của Bộ GD&ĐT. 

Quảng Ninh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non và mở rộng đối tượng hỗ trợ cho trẻ mầm non theo chính sách chung.

 Bà Vũ Liên Oanh – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Việt Hoa

Kinh nghiệm được Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh chia sẻ là: Bên cạnh quan tâm đầu tư nguồn lực xây dựng trường, lớp mầm non và trang bị thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các cơ sở giáo dục mầm non là sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở GD&ĐT với các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. 

Hàng năm, các bên đều tổ chức đoàn liên ngành đi kiểm tra, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn cho từng trường, từng điểm trường.

Bên cạnh đó, có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, kịp thời của các cấp, các ngành. Đặc biệt, chú trọng làm tốt công tác truyền thông...; thực hiện có lộ trình cụ thể. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục trong việc đầu tư xây dựng trường mầm non...

Bà Vũ Liên Oanh đề nghị Bộ GD&ĐT có chương trình làm việc với tỉnh, nắm bắt tình hình thực hiện để có chỉ đạo kịp thời; đề nghị các ngành tham mưu, cần làm tốt công tác tham mưu, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên.

Ông Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ giáo dục Đào tạo và Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã khẳng định những kết quả ngành Giáo dục đạt được trong triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, giúp Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. 

Theo ông Hưng, những mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân về giáo dục đã dần được minh chứng qua kết quả năm học 2014 - 2015, trong đó có việc tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia 2015..

Ông Nguyễn Đắc Hưng đồng thời nhắc đến việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và cho rằng đây là vấn đề vô cùng lớn, kéo theo sự đổi mới của các trường sư phạm. “Tôi thấy các bước đi của ngành Giáo dục rất thận trọng và đã có kết quả” – Ông Hưng nhận định.

Ông Nguyễn Đắc Hưng cho biết: Thành công của ngành Giáo dục cũng là thành công của ngành Tuyên giáo trong tham mưu với Trung ương về giáo dục. Trong năm học tới, Ban Tuyên giáo các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, sát cánh cùng ngành Giáo dục để truyên truyền, vận động người dân hiểu sâu sắc hơn nội dung đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; đồng thời phối hợp cùng tháo gỡ khó khăn, tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt các chương trình hành động đã đề ra.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Dù có khó cho giáo viên chúng ta cũng phải cố, khó cho Bộ, cho chính quyền chúng ta cũng phải cố, miễn là tốt cho học sinh. Tóm lại, vì học sinh thì khó khăn đến đâu chúng ta cũng vẫn phải quyết tâm làm. Ảnh: Sỹ Điền
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Dù có khó cho giáo viên chúng ta cũng phải cố, khó cho Bộ, cho chính quyền chúng ta cũng phải cố, miễn là tốt cho học sinh. Tóm lại, vì học sinh thì khó khăn đến đâu chúng ta cũng vẫn phải quyết tâm làm. Ảnh: Sỹ Điền

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định những thành công bước đầu của ngành Giáo dục trong giai đoạn đầu triển khai Nghị quyết 29. 

Phó Thủ tướng đồng tình và biểu dương những kết quả đạt được như Báo cáo tổng kết của Bộ GD&ĐT đã nêu và đi sâu vào phân tích các vấn đề: 

Khó khăn về cơ sở vật chất, thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học;  Hạn chế về giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh; Còn hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan, thu chi không đúng quy định, sổ sách của giáo viên quá nhiều; Việc giáo dục ý thức tự quản, lao động vệ sinh, tự phục vụ trong nhà trường chưa được khắc phục triệt để...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tiếp tục triển khai các công việc trên tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào hạn chế bất cập để điều chỉnh với phương châm tất cả vì học sinh thân yêu.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định thời gian qua, cả Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả hệ thống giáo dục đã vận hành với tinh thần vì học sinh.

Bộ trưởng khẳng định tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục có những chỉ đạo linh hoạt, kịp thời, phù hợp với thực tiễn để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Tiếp tục chương trình Hội nghị, ông Hứa Ngọc Thuận – Phó Chủ tịch UBND TPHCM – phát biểu nhấn mạnh đến các vấn đề nổi bật, rút ra từ kết quả thực hiện năm học 2014 – 2015 của TPHCM.

Đó là: Đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục, vai trò lãnh đạo, tổ chức thực hiện của Nhà nước với quá trình đổi mới GD&ĐT;

Sở GD&ĐT cần tăng cường giáo dục toàn diện với học sinh, sinh viên, trong đó có giáo dục đạo đức, lối sống;

Chú trọng đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá để nâng cao chất lượng giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục cũng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố. 

Cuối cùng là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy học và đổi mới công tác quản lý, phát triển đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.

NGƯT.PGS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) – đề cập đến công tác đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

 NGƯT.PGS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐHSP- ĐH Thái Nguyên tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Việt Hoa

PGS Phạm Hồng Quang cho rằng, đổi mới chương trình đào tạo giáo viên chính là bước chuẩn bị quan trọng để đổi mới giáo dục phổ thông.  

Nhận thức về chương trình giáo dục cần phải có sự thay đổi quyết liệt về nguyên tắc, cách làm, xác định rõ những trở ngại chủ quan từ những người làm chương trình và nhận thức đúng về giá trị của đổi mới chương trình.

Cách làm chương trình trước đây chủ yếu quan tâm đến việc phân chia kiến thức sẵn có và không trả lời được một cách thuyết phục câu hỏi: Dạy môn học đó để làm gì? Cách tiếp cận năng lực và khi trách nhiệm người giáo viên thay đổi với tư cách là người hướng dẫn, theo PGS Phạm Hồng Quang, chuyên gia giáo dục đòi hỏi cần triển khai việc xây dựng chương trình đào tạo giáo viên gồm 3 bước chính:

Bước 1: Nghiên cứu giáo dục phổ thông. Bước 2: Nghiên cứu mô tả cấu trúc năng lực người giáo viên (xác định rõ hơn mục đích đào tạo). Bước 3: Nghiên cứu chương trình sư phạm hiện hành và đổi mới.

Theo PGS Phạm Hồng Quang, quá trình triển khai xây dựng mới chương trình đào tạo giáo viên là một công việc rất khó, gặp nhiều cản trở từ nội lực: Thói quen, ý thức đổi mới và xác định hiệu quả. Mức độ hiểu biết về khoa học phát triển chương trình của giảng viên sư phạm rất khác nhau. Chuyển đổi từ cách tiếp cận nội dung sang cách tiếp cận năng lực là một cuộc cách mạng thực sự.

"Chúng tôi mong muốn có một định mức cụ thể của Ngành trong đào tạo giáo viên” - PGS Phạm Hồng Quang đề nghị. 

Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang – khẳng định giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vô cùng quan trọng. Ông Bình cho biết: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các ban ngành, đoàn thể hết sức quan tâm đến thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 

 Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc Ngữ

Tuy nhiên, khó khăn mà tỉnh hiện đang gặp phải là tình trạng thiếu phòng học; trình độ giáo viên mầm non không đồng đều, nhất là giáo viên các trường ngoài công lập.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhân thức, đặc biệt với các phụ huynh người dân tộc; bổ sung kinh phí để xây mới và chỉnh trang cơ sở vật chất xuống cấp.

Ông đề nghị nên có những đầu tư giúp thêm nguồn lực cho các tỉnh khó khăn có kinh phí bổ sung cơ sở vật chất, giúp hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi đúng lộ trình. Với Bộ GD&ĐT, cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hằng năm cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là với các cơ sở ngoài công lập.

Ông Nguyễn Thanh Bình đề cập đến việc thực hiện Nghị quyết 29 và quyết tâm của địa phương trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. 

Đồng thời đề nghị Bộ GD&ĐT có chương trình đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý để phù hợp với những đổi mới; xây dựng chương trình bồi dưỡng cán bộ, giáo viên ở từng cấp học, từng môn học.

Về kỳ thi THPT quốc gia, ông Bình đánh giá cao sự chuẩn bị rất chu đáo, chỉ đạo rất cụ thể, sâu sát của Bộ GD&ĐT và cho rằng kỳ thi đã diễn ra thành công, đặc biệt thành công trong việc nhận được sự góp sức, đồng lòng, đồng thuận, huy động toàn lực xã hội tham gia kỳ thi.

Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức tổng kết kỳ thi này, mời lãnh đạo các cụm thi, các địa phương để cùng phân tích, nghe ý kiến chia sẻ, rút kinh nghiệm để tổ chức kỳ thi sau tốt hơn…

Ông Trịnh Ngọc Thạch – Phó Chủ tịch ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội – chia sẻ 4 điều ông ấn tượng về kết quả ngành Giáo dục đạt được trong thời gian qua.

 Ông Trịnh Ngọc Thạch – Phó Chủ tịch ủy ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội phát biểu. Ảnh: Sỹ Điền

Vấn đề thứ nhất là những chỉ đạo kiên quyết của Bộ GD&ĐT về đổi mới thi, kiểm tra đánh giá theo hướng tập trung vào đánh giá năng lực học sinh. Hai việc là minh chứng cụ thể cho việc này là triển khai Thông tư 30 và Kỳ thi THPT quốc gia.

Ông Thạch cho rằng, Thông tư 30 dù triển khai còn một số khó khăn, nhưng tình thần của thông tư này rất hay, rất đúng và Bộ GD&ĐT cũng đã, đang vào cuộc quyết liệt.

Về kỳ thi THPT quốc gia, ông Thạch nhận định kỳ thi đã diễn ra thành công. “Đầu tiên, dư luận và ngay cả Quốc hội cũng có băn khoăn, lo lắng, nhưng Bộ GD&ĐT đã rất cầu thị, lắng nghe ý kiến xã hội. 

Đến nay, qua nửa chặng đường, kỳ thi này đã làm được 3 điều lớn. Đó là: Tỷ lệ tốt nghiệp hợp lý, tạo thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh và giúp phân luồng tốt hơn”.


Ông Thạch cũng đánh giá cao việc giảm tải, trong đó có quyết định không thi tuyển vào lớp 6 và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích.

Tích cực thứ hai, theo ông Trịnh Ngọc Thạch là việc chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đặt biệt, đội ngũ giáo viên mầm non.

Tiếp theo là tinh thần tích cực triển khai Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình và SGK với những bước đi đúng, thận trọng. Và cuối cùng là Bộ GD&ĐT đã thực hiện tốt phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi.

Ngành Giáo dục sử dụng nguồn vốn ODA rất hiệu quả nhưng còn quá ít vốn so với các ngành khác.

Ông Trịnh Ngọc Thạch 

Ông Trịnh Ngọc Thạch cũng đề nghị 3 nội dung: Cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao; tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm về kỳ thi THPT quốc gia; và tăng thêm nguồn vốn ODA cho giáo dục.

Để tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia 2015 trên địa bàn Bình Định, kinh nghiệm được ông Trần Đức Minh - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định - đưa ra là thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT: 

Ông Trần Đức Minh - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định. 

Đã đổi mới giáo dục thì không chạy đua thành tích, không nên tạo ra áp lực về tỷ lệ học sinh đỗ hay trượt. Tất cả các khâu cần làm nghiêm túc, đúng quy chế để đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Từ đó mới biết cần điều chỉnh ở khâu này trong quá trình giáo dục, đào tạo và rút kinh nghiệm để tổ chức thi kỳ thi THPT quốc gia những năm sau tốt hơn.

Theo ông Trần Đức Minh, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cần được xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện chủ trương đổi mới tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đang được Chính phủ, Bộ GD&ĐT tập trung chỉ đạo.

Công tác chuẩn bị, tạo các điều kiện tốt nhất để tổ chức kỳ thi là trách nhiệm chung của cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể và toàn thể xã hội; yêu cầu có sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, an toàn, đúng Quy chế thi, giảm chi phí của xã hội và người học, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ, nguyện vọng chính đáng của học sinh; Cần có sự chỉ đạo chặt chẽ của UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, UBND các cấp trong các khâu thực hiện.

Một nội dung cũng rất quan trọng là cần có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt: Con người, cơ sở vật chất để thực hiện tốt tất cả các khâu của kỳ thi, trong đó có công tác truyền thông về kỳ thi bằng nhiều kênh: Báo chí, cổng thông tin điện tử, họp phụ huynh học sinh, trả lời phỏng vấn, giải đáp thắc mắc của học sinh và phụ huynh qua hộp thư điện tử công vụ.

“Với Sở GD&ĐT Bình Định,chúng tôi luôn chủ động, nắm bắt tình hình ở cơ sở, lường trước mọi tinh huống xấu nhất có thể xảy ra để có biện pháp giải quyết kịp thời” –  Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định cho hay.

Tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhắc nhở cán bộ quản lý, giáo viên tự hào, tự tin với những kết quả đạt được nhưng không nên “ngủ quên” mà cần tiếp tục tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm để phát huy thành tích, hạn chế thiếu sót. 

Trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học mới Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc cần có cách nhìn mới, tư duy mới trước các hiện thực mới đang thay đổi một cách căn bản.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ - Ban - Ngành, địa phương đã sát cánh cùng Bộ Giáo dục trong thời gian qua để triển khai và thực hiện thành công Nghị quyết 29, phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ GD&ĐT tại các điểm cầu đã tặng hoa chia tay các Giám đốc Sở GD&ĐT nghỉ hưu và chúc mừng các Giám đốc Sở GD&ĐT được bổ nhiệm mới.

Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 16Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 17Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 18Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 19Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 20Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 21Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 22Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 23

Tại hội nghị, 25 Sở GD&ĐT đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ năm học 2014 - 2015 đã vinh dự được nhận tặng Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT.

Các Sở GD&ĐT được tặng Cờ thi đua của Bộ gồm: Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, thành phố Hải Phòng.

Hội nghị cũng tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 38 Sở GD&ĐT đã có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ năm học 2014 – 2015.

Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 24Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 25Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 26Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 27Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 28Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 29Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 30Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 31Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 32
Tự tin vào kết quả, vững bước đi lên ảnh 33

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.