Tổ chức trò chơi trong dạy học truyện ngắn “Chí Phèo”

GD&TĐ - Phương pháp sử dụng trò chơi là dạy học thông qua việc tổ chức hoạt động cho học sinh với các trò chơi sinh động. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh được hoạt động bằng cách tự chơi trò chơi trong đó mục đích của trò chơi chuyển tải mục tiêu của bài học. Luật chơi (cách chơi) thể hiện nội dung và phương pháp học, đặc biệt là phương pháp học tập có sự hợp tác và sự tự đánh giá hay phản biện.

Tổ chức trò chơi trong dạy học truyện ngắn “Chí Phèo”

Ưu điểm phương pháp sử dụng trò chơi

Trong nhà trường phổ thông, bên cạnh các phương pháp truyền thống thì dạy học bằng trò chơi học tập đang ngày càng được coi trọng bởi tính phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi. Có thể vận dụng phương pháp tổ chức trò chơi trong dạy học để kích hoạt kiến thức nền; hình thành kiến thức, kỹ năng mới hoặc củng cố kiến thức, kỹ năng đã học.

Việc sử dụng trò chơi trong dạy học không những là một trong những cách thức hiệu quả nhất vừa đem lại không khí cho lớp học, kích thích hứng thú học tập cũng như sự tích cực, chủ động của học sinh; tăng cường kĩ năng hợp tác, làm việc nhóm, tư duy phản biện,… mà còn được sử dụng như một công cụ lồng ghép kiến thức vào đó để học sinh dễ nhớ, dễ hiểu và hứng thú học tập.

Một số trò chơi đơn giản trong dạy học truyện ngắn “Chí Phèo” (Nam Cao)

Khi dạy văn bản “Chí Phèo”, để khơi gợi hứng thú học tập và tính tích cực, chủ động của học sinh, tôi đã sử dụng một số hình thức tổ chức trò chơi sau đây:

1. Trò chơi “Ai nhanh hơn” (Hay còn gọi là "Trò chơi tiếp sức)

Trong dạy học văn bản “Chí Phèo”, tôi lựa chọn sử dụng hình thức trò chơi để kích hoạt kiến thức nền về tác giả Nam Cao: trò chơi “Ai nhanh hơn?”. Đây là nội dung bài học của tiết học trước, rất thiết thực tạo tâm thế cho học sinh tiếp nhận một truyện ngắn tiêu biểu nhất của ông – truyện “Chí Phèo”.

Luật chơi để kích hoạt kiến thức về tác giả Nam Cao trước khi dạy tác phẩm “Chí Phèo” như sau: giáo viên chia lớp thành các nhóm. Sau đó yêu cầu các nhóm lên bảng viết những hiểu biết hiểu biết của mình về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của tác giả Nam Cao theo phần bảng được chia sẵn. Các nhóm lên theo lần lượt các thành viên theo kiểu tiếp sức với nhau. Bạn lên sau bổ sung nội dung bạn trong nhóm lên trước còn thiếu. Cứ vậy đến hết thời gian. Nhóm có nhiều đáp án đúng nhất chiến thắng.

Ưu điểm của trò chơi này là dễ tổ chức, kết hợp giữa tư duy nhanh và vận động. Trò chơi này sẽ đánh thức sự hứng thú của học sinh và tạo không khí hào hứng trong tiết học.

2. Trò chơi “Đoán ý đồng đội”

Đây là một luật chơi vô cùng quen thuộc, có thể sử dụng hiệu quả trong phần khởi động của tiết học. Giáo viên chuẩn bị gói từ khóa, hình ảnh…, sau đó mời một học sinh quay lưng lại với bảng, chuẩn bị đoán từ khoá. GV chiếu từ khoá trên máy chiếu cho cả lớp nhìn thấy để các học sinh khác gợi ý để học sinh này trả lời. Lời gợi ý không được phép nhắc đến bất kì tiếng nào trong gói từ khóa giáo viên đưa ra. Việc quan sát từ khoá và tư duy để trả lời từ khoá sẽ giúp học sinh khơi dậy kiến thức nền cho học sinh.

Trong tiết học “Chí Phèo”, giáo viên chuẩn bị các từ khoá như: Truyện ngắn, Lão Hạc, nghèo, nông dân, cái đói, địa chủ,… để khơi gợi những hiểu biết của các em về đề tài người nông dân và những sáng tác về đề tài này của Nam Cao.

3. Trò chơi “Phép thử khả năng”

Trò chơi này dùng giấy màu để ghi lại thật nhanh các ý tưởng. Có thể ứng dụng trò chơi “phép thử” về các khả năng trong dạy bài “Chí Phèo”. Trang Blog chuyên văn gợi ý, khi tìm hiểu về cách kết thúc truyện “Chí Phèo”, thay vì thuyết giảng có phần áp đặt hay hỏi đáp thiếu hấp dẫn, giáo viên có thể tổ chức cho các em thử các khả năng có thể để từ đó học sinh nhận ra cái chết của Chí Phèo là tất yếu do quy định của phương pháp sáng tác và tư tưởng chủ đề tác phẩm.

Đầu tiên giáo viên yêu cầu học sinh nghĩ ra tất cả các khả năng có thể để giúp Chí Phèo không chết, sau đó ghi lên giấy màu dán lên bảng. Học sinh có thể đưa ra các khả năng sau:

- Chí Phèo đâm Bá Kiến rồi bỏ làng đi, làm giàu ở xứ khác

- Chí Phèo đâm Bá Kiến rồi bị bắt, xét xử, được minh oan, trở về hoàn lương sống với Thị Nở

- Chí Phèo lại đi tù, tiếp tục kiếp sống quỷ dữ

- Chí Phèo đi theo cách mạng, về giải phóng làng Vũ Đại.

- Chí Phèo lại đâm Thị Nở và bà cô Thị Nở…

- Chí Phèo dắt Thị Nở bỏ trốn khỏi làng Vũ Đại, sống hạnh phúc

- ………………

Sau đó, bởi vì tác phẩm thuộc trào lưu hiện thực phê phán, phải tôn trọng hiện thực, nên những khả năng nào không phù hợp với quy luật khách quan của hiện thực thì giáo viên đề nghị học sinh đề xuất để tháo xuống.

 

Tiếp đến, bởi vì khi nhân tính thức tỉnh Chí Phèo cần phải sống hạnh phúc, sống lương thiện, nếu không tất cả đều vô nghĩa, cho nên giáo viên yêu cầu học sinh những khả năng nào không thể giúp Chí Phèo tiếp tục sống lương thiện thì tháo xuống. Trong quá trình tháo, học sinh có quyền tranh luận về từng thẻ màu để làm rõ ràng các ý kiến.

Trong trường hợp còn lại một thẻ màu với nội dung “Chí Phèo đi theo cách mạng, giải phóng làng Vũ Đại”, giáo viên sẽ giải thích về những hạn chế của trào lưu hiện thực phê phán nói chung và của Nam Cao nói riêng trước 1945.

Cuối cùng, thường thì tất cả các thẻ màu đều bị tháo xuống, chỉ còn lại chính sự lựa chọn của nhà văn Nam Cao “Chí Phèo giết Bá Kiến rồi chết (tự vẫn)”. Từ đó học sinh có thể đi đến kết luận cái chết của Chí Phèo là lựa chọn duy nhất và tốt nhất của Nam Cao. Qua đó học sinh có thể phát biểu được thông điệp mà tác giả gửi gắm đằng sau cái chết của Chí Phèo.

Cái chết của Chí Phèo có sức tố cáo mạnh mẽ cái xã hội cũ đã không thể cho người dân lương thiện được sống yên ổn. Một Bá Kiến chết nhưng sẽ còn nhiều bá Kiến khác tiếp tục bóc lột. Chí Phèo chết mới chấm dứt cuộc đời nhục nhã để hi vọng cuộc đời mới may ra tốt lành hơn ở kiếp sau. Chí Phèo chết trong sự nhận thức rõ về mình. Chí không muốn tiếp tục cuộc sống của một con quỷ dữ. Chí muốn trở thành một con người nhưng Chí không thể trở thành người được. Chí chỉ còn cách hũy diệt chính mình. Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo ở chỗ đó. Đó cũng chính là điều tác giả muốn nói cùng độc giả.

Bản lĩnh của Chí Phèo là dám chết khi không còn có thể tiếp tục phạm tội nhưng lại không thể làm một thành viên của xã hội lương thiện. Hành động chết của Chí không phải là một hành động tự do theo cái nghĩa là Chí đã tự do quyết định số phận của mình. Cái chết ấy có thể xem như một nỗ lực cuối cùng để tìm cách hoà nhập cộng đồng. Sự hoán cải thực sự có thể biến Chí thành một người lương thiện nhưng chưa thể biến Chí thành một nhân cách tự chủ. Và, theo Nam Cao, không có một nhân cách tự chủ thì không thể sống mà làm người lương thiện được.

Kết thúc của các trò chơi, giáo viên cần có những nhận xét, phân tích ý nghĩa trò chơi, động viên, khích lệ các em học sinh và khen thưởng kịp thời. Điều đó sẽ làm tăng hiệu quả và hứng thú của học sinh với giờ học. Phương pháp trò chơi đang được xem là có nhiều ưu điểm trong việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, vì vậy, nó ngày càng được sử dụng rộng rãi trong dạy học.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.