Tình yêu trò giúp chiến thắng bệnh tật

GD&TĐ - 28 năm bền bỉ với phấn trắng bảng đen, dù sức khỏe không còn được như trước nhưng cô Phạm Thị Nga vẫn làm tròn trách nhiệm của một Chủ tịch công đoàn cơ sở, Trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Lê Thánh Tôn (TPHCM).

Cô Phạm Thị Nga (bìa trái) cùng với HS và đồng nghiệp
Cô Phạm Thị Nga (bìa trái) cùng với HS và đồng nghiệp

Năm 1985, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đúng 10 năm, từ một nữ sinh Trường Cấp 3 Tân An, tỉnh Long An, Phạm Thị Nga trở thành sinh viên Trường Đại học sư phạm (ĐHSP) TPHCM qua lời khuyên của một thầy giáo trong trường.

Năm 1989, sau khi ra trường, cô Nga được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Lê Thánh Tôn. Mang tiếng là đất Sài Gòn nhưng 30 năm trước vùng đất dưới quận 7 vẫn còn hoang vu và thưa thớt dân.

Thời bao cấp giáo viên nghèo khó và học sinh cũng chung hoàn cảnh vì đa số là dân lao động. Sau này khi quận 7 phát triển trở thành khu đô thị thì học sinh nghèo vẫn ở lại học Trường THPT Lê Thánh Tôn, còn những em gia đình khá giả đều chọn trường Nam Sài Gòn và Đinh Thiện Lý theo học.

Trường Lê Thánh Tôn tuy là trường nghèo nhưng tình cảm nơi đây không hề nghèo chút nào mà lúc nào cũng thắm đượm tình người, tình thầy trò, dù các em đang theo học hay đã ra trường.

Chỉ cần một GV hay HS gặp hoàn cảnh khó khăn là được nhà trường, đặc biệt là tổ chức công đoàn cơ sở quan tâm và thăm hỏi ân cần về tinh thần lẫn vật chất.

Đó là câu chuyện thật xúc động của thầy Đặng Văn Hiến vốn là một thầy giám thị trong trường nhưng đã chuyển sang nơi khác. Bị mắc bệnh vảy nến, thầy Hiến phải vào BV Da liễu TPHCM điều trị và gặp một HS cũ của trường nay là bác sĩ của bệnh viện.

Biết hoàn cảnh khó khăn của thầy, em đã kêu gọi mọi người giúp đỡ thông qua mạng xã hội facebook. Sau đó không chỉ cá nhân mà tập thể Trường THPT Lê Thánh Tôn đã chung tay quyên góp được gần 10 triệu đồng để phần nào an ủi thầy dù chỉ là giáo viên cũ của trường.

Trước đó một cô giáo có chồng ung thư cũng được công đoàn hỏi thăm và động viên kịp thời khiến gia đình chồng cô vô cùng cảm động. Ngoài sự quan tâm của ban giám hiệu phải kể đến Ban chấp hành công đoàn trường mà người sốt sắng nhất là Chủ tịch công đoàn Phạm Thị Nga.

Một lần nhìn thấy mấy tấm hình các em học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn đứng trước sân trường xếp thành hình trái tim và dòng chữ thân thương, chúng tôi tìm hiểu thì được biết đó là cách biểu hiện tình cảm của học sinh lớp 12 B2 trong trường khi biết cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Nga bị bệnh nan y.

Dù không nói bằng lời nhưng dòng chữ người trên sân trường: “B2 yêu cô Nga” cũng phần nào nói hộ tình cảm thương yêu và chia sẻ của các em học sinh đối với thầy cô yêu kính của mình, nhất là khi các cô thầy gặp khó khăn trong biến cố cuộc đời.

Cùng với những lời thăm hỏi, chính những hành động đẹp xuất phát từ trái tim yêu thương này đã trở thành động lực để cô Nga quyết vượt qua bệnh tật bước tiếp trong cuộc sống. Tình cảm đó đã bắt cô không được ngã quỵ trước số phận dù một mình phải chống chọi với căn bệnh ung thư.

Nhiều năm giữ vai trò Trưởng bộ môn, cô Nga đã trở thành người thuyền trưởng rất vững tay lái về chuyên môn để tổ Ngữ văn trở thành tập thể dạy tốt và đoàn kết, thân ái.

Nhiều năm làm Chủ tịch công đoàn cơ sở, cô có nhiều đóng góp cho phong trào thi đua của cơ sở, xây dựng tổ ấm công đoàn với bao vui buồn chia sẻ có nhau.

Với bề dày thành tích đó, 7 năm liền cô là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đạt các danh hiệu Công đoàn viên xuất sắc, Cán bộ công đoàn xuất sắc, danh hiệu Phụ nữ giỏi việc trường đảm việc nhà, Gia đình no ấm bình đẳng tiến bộ hạnh phúc. Cô được nhận bằng khen của UBND thành phố và bằng khen của Liên đoàn lao động thành phố năm 2016.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bất kể mối quan hệ của bạn với người mà bạn yêu thương diễn ra như thế nào thì khi chia tay, bạn luôn cần có một khoảng thời gian để vượt qua. (Ảnh: ITN).

Cách vượt qua nỗi đau khi tình yêu tan vỡ

GD&TĐ - Không có gì tuyệt vời hơn khi bạn đang đắm chìm trong tình yêu với một ai đó, nhưng khi mối quan hệ đó kết thúc, bạn sẽ cảm thấy vô cùng đau đớn...