Những “lớp học” tại khu di tích lịch sử

GD&TĐ - GD truyền thống quê hương, GD và định hướng lý tưởng cho HS ở những khu di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sỹ, để từ đó, mỗi HS tự hào và am hiểu về lịch sử địa phương, có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử của quê hương mình; với hiệu quả GD lớn hơn rất nhiều so với việc chỉ truyền thụ lý thuyết trong khuôn khổ lớp học. 

Những “lớp học” tại khu di tích lịch sử

Đó cũng là những hoạt động trải nghiệm được các nhà trường trên địa bàn huyện Bảo Yên (Lào Cai) tiến hành trong nhiều năm học qua.

Bục giảng đâu chỉ là phấn trắng bảng đen

Bảo Yên là một trong những địa phương của tỉnh Lào Cai có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng. Trong những năm gần đây, việc gìn giữ, chăm sóc các di tích lịch sử trên địa bàn huyện đã và đang được đẩy mạnh. Đi đầu trong hoạt động này phải kể đến các trường học đóng trên địa bàn có di tích với nhiều hoạt động tích cực.

Các di tích, nghĩa trang liệt sỹ nằm ở khắp các xã trên địa bàn huyện Bảo Yên. Cụ thể như đền Bảo Hà ở xã Bảo Hà, đồn Phố Ràng và phế tích thành cổ Nghị Lang thuộc thị trấn Phố Ràng, đồn Tây Nghĩa Đô thuộc địa phận xã Nghĩa Đô, nghĩa trang liệt sỹ vô danh thời chống Pháp tại xã Nghĩa Đô. Như thế, việc chăm sóc các khu di tích, nghĩa trang liệt sỹ trong những năm gần đây được các nhà trường từ cấp tiểu học đến THPT nhận đảm nhiệm.

Hoạt động nhận và chăm sóc các di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn nhà trường là một trong 5 tiêu chí của phong trào xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực do Bộ GD&ĐT phát động. Để làm được công việc này, các nhà trường từ đầu mỗi năm học đã chủ động đăng ký với UBND xã để nhận chăm sóc di tích, nghĩa trang.

Đồng thời, để mỗi HS hiểu được ý nghĩa của việc làm này, vào các giờ chào cờ hằng tuần, các hoạt động ngoại khóa, các nhà trường đã tuyên truyền cho HS thấy rõ về vị trí cũng như giá trị của những di tích, nghĩa trang liệt sỹ cũng như những con người đã có công lao với quê hương. Từ đó, các em tích cực và có ý thức tốt về việc bảo tồn di tích ngay tại địa phương mình.

Tại Bảo Hà, nhiều năm nay, Trường THCS số 1 xã Bảo Hà đã nhận chăm sóc di tích lịch sử đền Bảo Hà, nơi thờ thần vệ quốc Nguyễn Hoàng Bảy. Nhà trường đã tích cực tuyên truyền cho các em HS hiểu về lịch sử đền Bảo Hà, về những chiến công hiển hách đánh đuổi giặc ngoại xâm và chiêu dụ nhân dân khẩn điền, xây dựng quê hương đồng thời thấy được sự cần thiết và ý nghĩa của việc chăm sóc di tích lịch sử.

Hàng tuần trong tháng, nhà trường tổ chức cho các em HS tham gia hoạt động lao động vệ sinh khu di tích. Có kết hợp tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể lớp lao động tích cực. Ngoài ra còn tổ chức giờ ngoại khóa cho HS tham quan di tích. Thông qua hoạt động này, HS viết thu hoạch nhận xét về những mặt tích cực, phản ánh những hạn chế còn tồn tại ở khu di tích, tạo điều kiện cho việc chăm sóc di tích được tốt hơn.

Hiệu quả từ những bài học ngoài trường học

Tại thị trấn Phố Ràng có hai di tích được Nhà nước xếp hạng là phế tích thành cổ Nghị Lang và đồn Phố Ràng. Trường THCS Phố Ràng 1 đã nhận chăm sóc phế tích thành cổ Nghị Lang trong nhiều năm qua. Ngoài hoạt động dạy và học, việc GD cho HS truyền thống lịch sử hào hùng dân tộc và của nhân dân địa phương được nhà trường chú trọng để nhằm GD cho HS về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Hàng tháng, Trường THCS Phố Ràng 1 đều tổ chức cho HS các lớp làm vệ sinh, trồng hoa và chăm sóc khu di tích. Vào các tiết học lịch sử địa phương, nhà trường tổ chức cho HS tham quan các di tích lịch sử văn hóa của địa phương và cách mạng kháng chiến để từ đây khơi dậy trong các em niềm tự hào và ý thức tự tôn dân tộc.

Trường THCS số 2 Phố Ràng nhiều năm qua nhận chăm sóc khu di tích đồn Phố Ràng. Đó là vị trí có Đài ghi công Phố Ràng trên đồi ở trung tâm thị trấn được xây dựng và hoàn thành năm 1999 nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng và giải phóng, để ghi công các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu tiêu diệt đồn giặc ngày 24 - 26/6/1949.

Nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” bằng những hành động thiết thực và việc làm cụ thể, HS đã có thêm điều kiện để hiểu hơn về lịch sử nước nhà, chung tay góp sức tôn tạo bảo vệ di tích, di sản.

Không chỉ có vậy, các nhà trường còn cho các em tìm hiểu về di tích thông qua các buổi học dã ngoại để các em hiểu rõ về một thời oanh liệt biết trân trọng thế hệ cha anh. Thông qua hoạt động này, các em sẽ hiểu sâu hơn, gần gũi hơn và nhận thức trách nhiệm hơn với quê hương đất nước.

Tại Nghĩa Đô, nơi có đồn Tây và nghĩa trang liệt sỹ xã Nghĩa Đô, Trường THPT số 3 Bảo Yên đã đăng ký với UBND xã Nghĩa Đô và phòng LĐ-TB&XH huyện tiến hành chăm sóc thường xuyên. BCH Đoàn Trường THPT số 3 Bảo Yên đã chủ động phân công các chi đoàn mỗi tháng hai lần thắp hương và làm vệ sinh nghĩa trang liệt sỹ xã Nghĩa Đô, nơi yên nghỉ của hơn 40 liệt sỹ vô danh thời chống Pháp. Đồng thời vào những ngày lễ lớn hay tháng Thanh niên, Đoàn trường tổ chức dâng hương, hoa tại nghĩa trang, tiến hành gắn hơn 40 bát hương vào các phần mộ và phát quang khu di tích đồn Tây tại đỉnh đồi Khau A.

Bằng những hoạt động thiết thực và có ý nghĩa, trong những năm qua, hoạt động chăm sóc các di tích lịch sử và nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn huyện đã trở thành một phong trào mang tính GD đối với thế hệ trẻ. Thông qua hoạt động này, mỗi HS, những chủ nhân tương lai của đất nước mang trong mình niềm tự hào trước cha anh, có ý chí vươn lên để học tập và xây dựng quê hương Bảo Yên giàu đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.