Tình yêu đơm hoa giữa biển đảo quê hương

GD&TĐ - Nghe kể về mối tình đơm hoa giữa đảo Trường Sa của nữ đồng nghiệp - nhà báo Nguyễn Cẩm Lai - Phóng viên đài VTC và chàng Việt kiều Angola Lê Hồng Quân từ trước đó nhưng mãi đến hôm dự Triển lãm ảnh "Trường Sa trong ta", tôi mới được gặp và trò chuyện cùng các bạn.

Vợ chồng nhà báo Nguyễn Cẩm Lai và Lê Hồng Quân xem triển lãm "Trường Sa trong ta"
Vợ chồng nhà báo Nguyễn Cẩm Lai và Lê Hồng Quân xem triển lãm "Trường Sa trong ta"

Nhà báo Cẩm Lai xinh tươi trong bộ áo dài sánh vai cùng chồng ngắm từng bức ảnh về Trường Sa, mảnh đất giúp họ nên duyên vợ chồng.

Chuyến tàu kết nối yêu thương

Kể cho PV nghe về "chuyến tàu định mệnh", nhà báo Nguyễn Cẩm Lai và chàng Việt kiều Lê Hồng Quân nhìn nhau bẽn lẽn rồi Cẩm Lai thỏ thẻ: Thật sự, đó là cơ duyên nên chúng tôi giờ mới được ở bên nhau. Nhớ lại cuộc hành trình ra đảo, tôi cứ ngỡ mọi thứ như mới ngày hôm qua…

Ngày 25/4/2017, con tàu kiểm ngư KN491 đưa đoàn Kiều bào đi thăm quân dân quần đảo Trường Sa. Đoàn Kiều bào do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức. Tôi và một số đồng nghiệp may mắn được cử đi làm nhiệm vụ, quay phim, ghi hình đưa tin cho chuyến đi. Anh Quân khi đó là đại biểu kiều bào trở về từ Angola.

Anh tham gia vào chuyến công tác Trường Sa với nhiệm vụ kết nối, chia sẻ thông tin cho cộng đồng người Việt (tại Angola, anh Quân là người tích cực tham gia vào công tác cộng đồng người Việt). Vì vậy, chuyến đi thăm Trường Sa anh đi với tư cách là đại biểu được Ủy ban Nhà nước về Người Việt ở nước ngoài cử đi. Được trở về quê hương, được đi thăm Trường Sa đó thật là một vinh dự, tự hào với anh.

Ngày 25/4, chúng tôi cùng nhau xuống tàu ra đảo. Trong suốt cuộc hành trình trên biển, chúng tôi đã cùng nhau trò chuyện và được biết nhiều điều về nhau. Cùng nhau ca hát trên bong tàu vào các buổi tối. Tất cả các anh chị em trong đoàn ai cũng vui vẻ. Nhớ lại… những cảm xúc đó cho đến giờ tôi vẫn thấy bồi hồi, xúc động, thật khó tả.

 

Nguyễn Cẩm Lai sinh năm 1987, là phóng viên của Đài Truyền hình VTC, còn Lê Hồng Quân sinh năm 1978, là kiều bào từ Angola ở châu Phi xa xôi. Sau chuyến đi Trường Sa, chàng Việt kiều Lê Hồng Quân có ý định ở lại Việt Nam sau 14 năm ở Angola sinh sống, học tập, làm việc. Quyết định đó càng khẳng định khi cả hai đã kết hôn vào đúng ngày 25/4, sau 1 năm học gặp nhau trên chuyến tàu định mệnh KN491.

Ngày hôm đó là ngày 27/4, chúng tôi đặt những bước chân đầu tiên lên đảo Song Tử Tây. Tại đây, tôi đã đề nghị anh Quân trả lời phỏng vấn, mời anh phối hợp một số cảnh quay trong chùa Trường Sa. Anh đã đồng ý và phối hợp với tôi thật ăn ý và ấn tượng. Sau lần đó, chúng tôi đã quý mến nhau hơn.

Trong suốt hành trình 10 ngày đêm, chúng tôi đã đi đến nhiều nơi, thăm nhiều địa danh trên quần đảo Trường Sa, được gặp gỡ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo, được thăm Nhà giàn, đến Gạc Ma, thăm con tàu không số... Mỗi một nơi đều in đậm dấu chân chúng tôi. Giờ nhắc đến những địa danh này, trong chúng tôi luôn đầy ắp những kỷ niệm mỗi khi nhắc đến Trường Sa.

Trường Sa ghi dấu nơi tình yêu bắt đầu

Sau đúng một năm, kể từ ngày bước chân xuống tàu ra thăm Trường Sa, nhà báo Nguyễn Cẩm Lai và chàng Việt kiều Angola quyết định chọn ngày cưới là ngày 25/4/2018 để kỷ niệm cho chuyến đi Trường Sa.

Cùng với quyết định chọn ngày cưới đúng vào ngày 1 năm trước ra Trường Sa họ còn chọn con tàu KN491 “định mệnh” là nơi chụp ảnh cưới của mình. Cặp đôi này đã rất may mắn được lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, tàu KN491 tạo điều kiện cho trở lại thăm tàu, chụp ảnh cưới và ôn lại những kỷ niệm nơi tình yêu bắt đầu.

Hiện tại, đôi vợ chồng trẻ đang cùng nhau vun đắp cho tổ ấm riêng của hai người. Chàng Việt kiều quyết định ở lại cùng gia đình tại Việt Nam. Hai vợ chồng giờ đang lên kế hoạch làm việc và sinh em bé trong năm tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.