Đủ lý do thích handmade
Từ đan móc, thêu thùa, may vá, làm trang sức, hoa vải và đất sét, mỹ phẩm, búp bê, đồ gốm, đồ da, tranh từ nhiều vật liệu, đến làm bánh, nấu ăn... không còn là lĩnh vực riêng của giới được gọi là “nghệ sĩ” hay “nghệ nhân” mà nhân rộng ra thành một nét văn hóa đại chúng trong cộng đồng, nhất là các bạn gái trẻ.
Có rất nhiều lý do để “dấn thân” vào lĩnh vực này, như với cô giáo mầm non Vân Dung thì việc học may là để “tẩu tán” đám vải vóc đang chất đống trong nhà. Cô bảo: “Nhìn thấy bố con nó mặc đồ mình may, không đẹp nhưng vui”.
Còn đối với Dương Hương Giang, biên tập viên một tạp chí ở TP.HCM, thì sở thích làm búp bê và cửa hàng Poupées en tissu của cô bắt nguồn từ những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ.
“Búp bê có thể bằng sáp, sứ hay nhựa, nhưng tôi yêu búp bê vải nhất. Nó không chỉ dễ thương mà còn rất bền. Hơn nữa, không chỉ là món đồ chơi, nó còn là người bạn thân thiết của mọi bé gái” - Giang tâm sự.
Bản thân nhiều bạn trẻ, ngay cả nam giới, cũng thú nhận rằng sở thích làm đồ handmade (đồ làm bằng tay, thủ công) đôi khi làm họ tưởng tượng mình đang trở về thời kỳ của những người bà người mẹ khéo tay.
Nhưng có một điểm khác biệt rất lớn, những người trẻ không coi nó như một phẩm chất “công dung ngôn hạnh” ngày xưa mà gắn nó với những nhu cầu, sở thích cá nhân như để lấp đầy thời gian rảnh rỗi, vui khi nhận ra mình cũng khéo tay và nhất là... kiếm thêm thu nhập.
Theo Diễm Thư, chủ shop online Mèo Ú Leather, ban đầu cô cũng không nghĩ mình có thể “đụng” đến lĩnh vực cần nhiều sự khéo léo và tỉ mỉ này.
“Nhờ có Internet mà mình có thể tự tin hơn trong việc hoàn thiện kỹ thuật. Ngoài giờ làm, mình theo học lớp làm đồ da của anh Dũng Art (một ca sĩ và nghệ nhân đồ da handmade có tiếng - PV), học hỏi thêm những mẹo nhỏ trên mạng, trên báo” - Thư khẳng định.
Sự tự tin và đam mê của Thư cũng được chứng minh khi dù mới bắt tay vào làm đồ da chỉ vài tháng, nhưng cô cùng nhóm bạn 7 người khác đã dám cùng nhau mở triển lãm “Nghệ thuật từ đôi tay” hôm 10/10/2014.
Phải có phong cách riêng
Không chỉ đam mê, mà cộng đồng handmade ở Việt Nam (phát triển mạnh nhất ở TPHCM và Hà Nội với vô số hội nhóm, lớp học) còn mang đến sự đóng góp nhất định cho xã hội bằng các hoạt động từ thiện từ chính các sản phẩm mình làm ra.
Nếu có dịp ghé qua những trang mạng như Pinterest hay Etsy, bạn sẽ không tin rằng những sản phẩm rất xuất sắc lại được làm ra bởi những người đồng trang lứa với mình.
Vượt trên chuẩn mực của sự khéo tay, những tác phẩm này được đánh giá cao bởi tính sáng tạo đột phá và kỹ thuật vượt trội của người thực hiện.
Trần Thu Hằng là một trong số ít người trẻ được công nhận là “nghệ sĩ” từ thú vui làm búp bê gỗ tại VN. Những tác phẩm búp bê của Hằng không tính bằng số lần triển lãm hay giá trị vật chất cao mà tính bằng sự xuýt xoa lẫn cảm xúc tạo ra nơi người thưởng thức.
“Tôi nghĩ mỗi tác phẩm tôi làm trước hết là cho chính tôi. Điều đó tạo nên cảm hứng cho bản thân lẫn những người xung quanh” - Hằng chia sẻ.
Nếu có dịp dạo vòng quanh nhà sách, bạn sẽ chợt nhận ra rằng những cuốn sách dạy làm đồ handmade “sơ khai” như xếp giấy origami, bắt bông kem, cắm hoa... đã trở thành quá vãng mà thay vào đó là những cuốn sách ảnh tập hợp những tác phẩm, vừa đẹp vừa đầy cảm hứng.
“Điều đó cũng chứng minh cho việc sáng tạo nghệ thuật không cần bất cứ một quy tắc nào. Quan trọng nhất là phải tạo được phong cách riêng và giữ đúng phong cách đó để khi người ta nhìn vào thì biết ngay đó là sản phẩm của mình” - Anh Dũng Art nói.