Tính nghiêm túc thể hiện từ Dự thảo Quy chế thi

GD&TĐ - Đây là nhận định của các nhà quản lý giáo dục, các giáo viên trực tiếp đứng lớp về Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến góp ý.

Thí sinh trông đợi sự nghiêm túc, khoa học của Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp và tuyển sinh
Thí sinh trông đợi sự nghiêm túc, khoa học của Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp và tuyển sinh

PGS.TS Nguyễn Thám, Hiệu trưởng Trường ĐHSP - ĐH Huế: Tôi hoàn toàn tin tưởng ở độ chuẩn mực của kỳ thi

 
PGS.TS Nguyễn Thám

Cho tới thời điểm này, dư luận ở cơ sở đều tỏ ra đồng tình cao với Dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia. 

Trước hết, đó là việc Bộ giao cho các trường đại học chủ trì các cụm thi, ngoài ý nghĩa tiết kiệm, còn tạo cơ hội cho thí sinh có nguyện vọng vào ĐH, CĐ, vì đa phần, kể cả con em nông dân nghèo vẫn có tâm lý muốn được học lên ĐH, CĐ.

Về đề thi, tôi rất yên tâm về kế hoạch cụ thể của Bộ GD&ĐT và hoàn toàn tin tưởng ở độ chuẩn mực của kỳ thi. Bộ đã có sự chuẩn bị từ rất sớm, một số cán bộ của trường chúng tôi cũng đã được điều ra làm đề thi. 

Thời gian qua, việc đổi mới ra đề thi cũng như kiểm tra, đánh giá đã được kiểm chứng rõ rệt. Hướng ra đề của Bộ ở kỳ thi “hai trong một” này cũng sẽ hướng tới tính phân hóa rõ rệt và cũng quán triệt cho các trường đảm bảo sự nghiêm túc trong coi, chấm thi.

Về thang điểm 20 sẽ tạo điều kiện cho giáo viên chấm có thể chi tiết hóa để việc chấm đảm bảo độ chính xác hơn, cũng như người ta đưa ra tới thang điểm 100 để mà tuyển dụng giáo viên vậy. 

Các trường đại học, cao đẳng đều có thể căn cứ vào kết quả thi này để xét tuyển theo khối, thêm một số tổ hợp các môn thi, từ đó có cơ hội để xét được những học sinh có năng lực thật sự vào trường. Như trường ĐHSP chúng tôi chỉ xét học sinh có hạnh kiểm từ loại khá trở lên và môn năng khiếu (Mầm non) thì tổ chức thi riêng.

Chỉ còn một vài ý kiến băn khoăn về việc một học sinh có thể đăng ký tới 16 nguyện vọng (mỗi phiếu có 4 nguyện vọng), vì ngay trong một trường, các em đã có thể ghi vào 2, 3 ngành khác nhau, dễ dẫn tới tỉ lệ ảo. 

Nhưng theo tôi được biết thì Bộ cũng đã có hướng dùng phần mềm để hạn chế thực trạng này, như vậy thì cũng không có gì đáng lo ngại như một số ý kiến ngoài ngành.

Thầy Nguyễn Văn Chặng - Hiệu trưởng Trường THPT Trung Phú, (Củ Chi – TPHCM): Cách tính điểm theo thang 20 tạo công bằng cho các HS

Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ để lấy ý kiến rộng rãi dư luận, tôi đã lập tức in ra và đọc rất kỹ; đồng thời theo dõi sát sao những ý kiến đăng tải trên báo chí thời gian qua, nhất là những giải đáp trực tuyến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và trả lời của Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) trên các phương tiện truyền thông. 

Nhờ đó, tôi thấy cũng đã thông suốt nhiều vấn đề và hoàn toàn ủng hộ Dự thảo đưa ra, nhất là cách tính điểm theo thang 20.

Cách tính điểm theo thang này, tôi cho rằng sẽ công bằng với các em vì kiến thức của các em được đánh giá chi tiết và kỹ lưỡng hơn. Nếu thang điểm hẹp thì các em dễ đạt mức điểm giống nhau, còn thang điểm rộng sẽ đánh giá nhiều mức sát với năng lực các em hơn.

Tuy nhiên, bản thân tôi cũng có một số băn khoăn rằng: Theo chương trình học của các em là đến giữa tháng 5/2015. Nếu như trước đây, các em sẽ ôn tập rồi nghỉ vài ngày trước khi thi tốt nghiệp, còn thi CĐ, ĐH các em tự ôn; còn giờ chỉ có một kỳ thi chung, đến tháng 7 mới thi, vậy thì chúng tôi cần hướng dẫn cụ thể về việc thời gian từ giữa tháng 5 về sau thầy và trò sẽ ôn tập như thế để trường chủ động kế hoạch ôn tập cho các em.

Vì ôn tập 8 môn nên chắc chắn thầy và trò phải tập trung cao độ để chuẩn bị kĩ càng. Mong rằng, sau khi đã hoàn thiện các Quy chế thi trên tinh thần đóng góp ý kiến của xã hội, Bộ GD&ĐT cũng sẽ sớm có ngay các hướng dẫn cụ thể thực hiện Quy chế để thuận tiện trong việc triển khai cho các nhà trường và tạo sự chủ động cho các em HS.

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TPHCM): Thời gian tổ chức thi thuận lợi cho cả HS lẫn các cơ sở GD

Khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi mới vào đầu tháng 9/2014, chúng tôi đã rất chờ đợi việc ban hành Quy chế tổ chức thi để có kế hoạch phù hợp, định hướng tốt cho giáo viên trong giảng dạy và việc học tập của học sinh. Tất nhiên, một kỳ thi kết hợp “2 trong 1” đưa lại nhiều thuận lợi trước mắt nhưng ẩn chứa nhiều lo lắng, nhất là đối với cấp cơ sở như chúng tôi.

Tuy nhiên, cho đến hiện nay, các lộ trình đã khá cụ thể, cái quan trọng nữa là các Dự thảo Quy chế vừa công bố, tuy còn đợi lấy ý kiến trước khi hoàn thiện, nhưng cũng cho thấy Bộ GD&ĐT đã lắng nghe ý kiến rất kỹ từ không chỉ các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục mà cả những ý kiến từ những người giảng dạy trực tiếp như chúng tôi cũng được ghi nhận, phản ánh qua các quy định đề xuất trong Dự thảo Quy chế.

Phương án tuyển sinh như thế nào hay những thay đổi nhỏ trong Quy chế khi được ban hành chính thức tới đây, theo tôi không đáng lo ngại và không làm ảnh hưởng gì đến kế hoạch giảng dạy cũng như tâm lý thầy, trò trường chúng tôi vào thời điểm này.

Nhiều người băn khoăn về thang điểm 20, nhưng tôi nghĩ đối với trường THPT, quy định đó không ảnh hưởng nhiều đến cách tính điểm thông thường của giáo viên và nhà trường.

Riêng việc Bộ rời thời gian thi sau một tháng so với những năm trước để trùng với thời gian thi ĐH là rất thuận lợi cho các trường, tạo điều kiện để thầy, trò ôn tập tốt hơn, tâm lý bớt lo lắng và hồi hộp hơn. 

Vấn đề nhà trường quan tâm hiện nay là Bộ cần sớm công bố chi tiết chương trình thi, cấu trúc đề thi như thế nào, theo như đề tốt nghiệp hay ĐH để thầy cô yên tâm và chủ động hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.