(GD&TĐ)-Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, tình hình tội phạm ở nước ta trong 6 tháng đầu năm 2012 giảm 2.57% so với cùng kỳ năm 2011. So với một số nước trong khu vực và trên thế giới, tình hình tội phạm ở nước ta chỉ ở mức trung bình với tỉ lệ 5,6 vụ án/100.000 dân. Trong khi đó, tỉ lệ này là 11,5 ở Thái Lan, 20,3 ở Nhật Bản và 39,5% ở Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trong phiên trả lời chất vấn chiều nay (14/6) |
Trong phiên trả lời chất vấn chiều nay 14-6, các đại biểu Quốc hội rất bức xúc trước tình trạng các loại tội phạm gia tăng, trong đó có tội phạm vị thành niên, tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ trưởng Bộ Công an đã thừa nhận các vụ án do người chưa thành niên thực hiện ngày càng gia tăng và nguyên nhân chính là do đạo đức xã hội xuống cấp, trẻ thiếu sự quan tâm, giáo dục đúng mức từ gia đình, nhà trường và cả xã hội. Ngoài ra còn bị ảnh hưởng xấu bởi internet.
Về vấn đề quản lý hộ chiếu đối với thương nhân Trung Quốc, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) hỏi: đa số thương nhân nước ngoài họat động ở Việt Nam có hộ chiếu du lịch, tức là không chỉ về mặt thương mại như Bộ Công thương xử lý. Vậy trách nhiệm của Bộ trong quản lý người Trung Quốc có hộ chiếu du lịch để lũng đoạn thị trường?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng cho biết bộ công an có nắm, đã và đang chỉ đạo công an các địa phương (miền Tây Nam Bộ) tập trung rà soát các đối tượng và xử lý nghiêm.
Bộ trưởng cũng nói thêm, các đối tượng này hoạt động chủ yếu dựa vào sự cả tin của nông dân; chủ yếu trục lợi cá nhân chứ chưa có biểu hiện lũng đoạn thị trường, phá hoại kinh tế.
Liên quan đến vụ việc xảy ra tại Vinalines, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) chất vấn trách nhiệm của ngành công an trong việc để ông Dương Chí Dũng trốn thoát; sắp tới bắt giữ như thế nào?
Theo Bộ trưởng, ở vụ Vinalines qua điều tra đã phát hiện ông Dũng và một số cá nhân khác có dấu hiệu vi phạm tội cố ý làm trái, gây thiệt hại nghiêm trọng. Cơ quan điều tra đã làm việc với ông Dũng và một số cá nhân liên quan, ông Dũng đã thừa nhận bước đầu việc cố ý làm trái. Căn cứ vào các quy định của pháp luật và quản lý cán bộ, cơ quan điều tra đã báo cáo cấp thẩm quyền cho phép khởi tố, bắt tạm giam ông Dũng. Ngay trong buổi chiều hôm có quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Dũng, chỉ vài chục phút, cơ quan điều tra đã triển khai các tổ công tác đến bắt ông Dũng và một số cá nhân liên quan, nhưng chỉ bắt được 2 ông. Còn ông Dũng không có ở cơ quan và ở nhà. Cơ quan điều tra đã yêu cầu gia đình mời ông Dũng về để làm việc, nhưng sau đó xác định ông Dũng bỏ trốn. Cơ quan điều tra đã động viên gia đình kêu gọi ông Dũng ra đầu thú, phát lệnh truy nã đặc biệt toàn quốc, phối hợp với các nước để truy bắt ông Dũng nếu trốn ra nước ngoài. Các biện pháp truy bắt, truy nã là rất khẩn trương.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, về việc này Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan điều tra xác định làm rõ, nếu có dấu hiệu lộ lọt thông tin thì phải xử lý theo pháp luật; đồng thời phải kiểm điểm nghiêm túc làm rõ về nghiệp vụ. Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, theo quy định hiện hành, trước khi khởi tố thì chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với ông Dũng. Sau này khi nghiên cứu sửa đổi luật tố tụng hình sự và các luật liên quan, chúng tôi sẽ đề nghị cho phép cơ quan điều tra được áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết và có những biện pháp điều tra bí mật để ngăn chặn tội phạm tham nhũng bỏ trốn (hiện đã áp dụng với loại tội phạm ma túy).
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng Bộ trưởng trả lời về trách nhiệm để ông Dũng bỏ trốn là thẳng thắn, rõ, trách nhiệm. Nhưng nguyên nhân khiến ông Dũng bỏ trốn là do quy định của chúng ta chưa có biện pháp ngăn chặn đối với bị can. Đây là vấn đề cấp bách đối với tội phạm kinh tế trong tình hình hiện nay. Vậy bao giờ bổ sung quy định này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đây không phải là thẩm quyền của Bộ Công an, nên yêu cầu Bộ báo cáo Chính phủ sớm trình Quốc hội nội dung này.
Vấn đề lực lượng công an tham gia các vụ cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đã gây những tác động trong xã hội và gây bức xúc cho một bộ phận nhân dân được ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đặt ra trong phiên chất vấn.
Giải thích vấn đề này, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, lực lượng công an tham gia trong các buổi cưỡng chế với nhiệm vụ là bảo vệ an ninh trật tự ở đó chứ không phải là lực lượng cưỡng chế. Việc tham gia này nhằm mục đích phòng ngừa và ngăn chặn những cá nhân có hành vi gây rối hoặc chống người thi hành công vụ.
Bộ trưởng cũng thừa nhận những vụ cưỡng chế thu hồi đất vừa qua có sự tham gia của lực lượng công an gây dư luận chưa tốt trong xã hội. Tuy nhiên, sắp tới, Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an làm tốt hơn nhiệm vụ được giao và rút kinh nghiệm để tránh những sai sót không đáng có.
Về tình hình tội phạm môi trường, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình tội phạm môi trường và biện pháp cơ bản phòng chống tội phạm này của ngành công an ? Những giải pháp bảo vệ làng nghề của chúng ta?
Bộ trưởng Trần Đại Quang: Vấn đề bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước về môi trường tuy lực lượng công an không phải lực lượng được giao chủ trì, nhưng với trách nhiệm đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật về môi trường và đấu tranh chống tội phạm về môi trường, trong thời gian vừa qua chúng tôi cũng đã tích cực, phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác này và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Bộ Công an đã xây dựng quy chế, phối hợp với các Bộ có liên quan trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật về moi trường, bảo vệ môi trường. Hàng chục nghìn vụ vi phạm pháp luật về môi trường đã được điều tra khám phá. Riêng năm 2011 phát hiện 7.686 vụ, tăng 36% so với 2010. Cơ quan điều tra các cấp truy tố 113 vụ, 145 đối tượng. 6 tháng đầu năm 2012, phát hiện 4.780, tăng 60% so với cùng kỳ, khởi tố 94 vụ, 163 bị can. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.
Những khó khăn vướng mắc và nguyên nhân của tình trạng này là hệ thống pháp luật về môi trường của chúng ta còn bất cập, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, trong đó những quy luật của Bộ Luật hình sự về tội phạm môi trường quy định tại Điều 244, Chương 17 chưa rõ. Công tác quản lý nhà nước về môi trường còn nhiều bất cập, nhất là giữa yêu cầu bảo vệ môi trường với quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Tình trạng nhập rác thải, hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng cũng diễn ra phức tạp. Công tác quản lý thực phẩm cũng có vấn đề như về sử dụng chất cấm, hạn sử dụng chưa có quy chuẩn rõ ràng.
Từ sơ hở trên, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó có ô nhiễm làng nghề vẫn còn phức tạp.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng để ban hành thông tư liên tịch, hướng dẫn triển khai thực hiện, xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý những vi phạm về môi trường. Trong đó cơ quan cơ quan công an tăng cường công tác phát hiện, điều tra, xác minh và đưa ra xét xử nếu có đủ chứng cứ.
Lực lượng cảnh sát môi trường được thành lập 5 năm qua nhưng chưa được phép phạt vi phạm hành chính đối với những vi phạm hành chính về vấn đề môi trường. Đây cũng là khó khăn và làm hạn chế hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống xử lý vi phạm pháp luật về môi trường. Đề nghị Quốc hội xem xét vấn đề này khi sửa đổi pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Minh Duy