Trải qua 7 năm thực hiện khung chương trình Chuyên biệt và 5 năm thí điểm và triển khai thực hiện giảng dạy đã đạt được một số thành công nhất định. Sắp tới chương trình sẽ được nhân rộng tới nhiều địa phương để giúp trẻ KTTT có cơ hội hoà nhập.
Quá trình áp dụng triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh
TS. Nguyễn Thị Kim Hoa – Viện Khoa học giáo dục cho biết: Năm 2016, được sự đồng ý của sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu Chương trình đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục hòa nhập HS Khuyết tật TP Hồ Chí Minh triển khai thử nghiệm chương trình và sách giáo khoa trình độ 1 tại 22 trường chuyên biệt trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hoạt động thử nghiệm bắt đầu từ tháng 8/2016 và kết thúc vào tháng 5/2017.
Từ tháng 8 - 9/2016 có 22 cán bộ quản lý và 60 lượt giáo viên được tham gia 15 ngày tập huấn lý thuyết và 5 ngày hỗ trợ trực tiếp về thực hiện chương trình khung, tiến hành tiết dạy có hiệu quả các môn học và hoạt động giáo dục cho HS KTTT. Các nội dung này được cán bộ chủ chốt của địa phương triển khai lại cho toàn bộ cán bộ quản lý và giáo viên trong nhà trường trước khi tiến hành thử nghiệm chương trình và sách giáo khoa trình độ 1 cho HS KTTT.
Kết quả, trong năm 2016 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 1 trường duy nhất tham gia thử nghiệm chương trình chuyên biệt dành cho HS KTTT, đó là trường Chuyên biệt Thảo Điền, chiếm 4,17%.
Có 45.83% trường không tham gia giảng dạy chương trình khung, 20,83% các trường phân vân chưa biết cách sử dụng chương trình chuyên biệt một cách hợp lý nên chưa triển khai toàn bộ chương trình khung trong quá trình giảng dạy, ngoài ra còn có 29,17% các trường phản đối sử dụng chương trình khung vì nhiều lí do khác nhau, trong đó có một số lí do chính như: Chương trình khó vận dụng, điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được, trình độ giáo viên hạn chế, chưa có sách giáo khoa chuyên biệt dành cho HS KTTT, nội dung sách giáo khoa khó thực hiện giảng dạy cho HS KTTT.
Việc vận dụng chương trình khung giáo dục chuyên biệt dành cho HS KTTT cấp tiểu học tại TP Hồ Chí Minh đã có một số chuyển biến tích cực: Nhiều trường đã khắc phục khó khăn thực hiện dạy HS KTTT 2 ca/ngày để đáp ứng đủ điều kiện thực hiện chương trình này; giáo viên tích cực chủ động trong việc thiết kế chương trình chi tiết các môn học cho phù hợp với đặc điểm của nhà trường; quyết tâm cao của cán bộ quản lý và giáo viên trong việc triển khai thực hiện chương trình quán triệt tới từng cán bộ giáo viên.
Sau 2 năm thực hiện chương trình chuyên biệt dành cho HS KTTT cấp tiểu học, các trường chuyên biệt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng chuẩn chương trình đánh giá khả năng học tập của 1227 HS KTTT thu được kết quả như sau:
Môn Toán và Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội được phân chia thành 5 trình độ: Trình độ 1 tương đương với chuẩn đầu ra chương trình lớp 1A, 1B và 1C; trình độ 2 tương đương chuẩn đầu ra của lớp 2; trình độ 3 tương đương chuẩn đầu ra của lớp 3; trình độ 4 tương đương chuẩn đầu ra lớp 4; trình độ 5 tương đương chuẩn đầu ra của lớp 5.
Với môn Toán có 978 HS trình độ 2; có 51 HS đạt trình độ 3; có 32 HS đạt trình độ 4 và có 9 HS đạt trình độ 5; Với môn Tiếng Việt có 1012 HS trình độ 1; 132 HS đạt trình độ 2; 62 HS đạt trình độ 3; 13 HS đạt trình độ 4 và 8 HS đạt trình độ 5; với môn Tự nhiên và Xã hội có 866 HS trình độ 1; 215 HS đạt trình độ 2; 78 HS đạt trình độ 3; 45 HS đạt trình độ 4 và 23 HS đạt trình độ 5.
Dạy hòa nhập cho trẻ KTTT ở thành phố Ninh Bình
Trẻ KTTT tham gia học tập ở trường tiểu học trên địa bàn thành phố Ninh Bình chủ yếu được nhận dạng phát hiện từ mầm non và chuyển từ nhận dạng ở mầm non lên đển tiếp tục chăm sóc, giáo dục, một số ít được phát hiện thêm. Theo điều tra thống kê, năm học 2016-2017, thành phố Ninh Bình có 14 trường tiểu học dạy hòa nhập với 45 cháu tự kỷ đang theo học, trong đó có 31 cháu là nam; có 2 cháu ở dạng vận động khó còn lại là KTTT.
Cô Vũ Thị Phượng - Giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất - Tâm lí, Trường ĐH Hoa Lư - Ninh Bình cho biết: Trong số 45 HS này cho thấy 84,44% em được đánh giá theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT về sự hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực ở mức đạt: Đáp ứng được yêu cầu giáo dục. Như vậy những em này trong quá trình học tập, rèn luyện đã hình thành phẩm chất chăm học, chăm làm, tự tin, trách nhiệm, trung thực, kỷ luật, đoàn kết, yêu thương; có năng lực tự phục vụ, tự quản, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề nhưng chưa ổn định, thường xuyên.
Có 15,56% em được xếp ở mức cần cố gắng: Chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu giáo dục, biểu hiện chưa rõ. Thực tế những em này yếu cả về phẩm chất và nhất là năng lực chưa đạt, chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục, những em này đang được tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ để đủ điều kiện hoàn thành chương trình trên lớp học.
Kết quả 84,44% em xếp ở mức đạt cho thấy, nhà trường đã rất nỗ lực trong việc hướng dẫn, giúp đỡ trẻ trong học tập, các hoạt động giáo dục khác, nghiêm túc chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục hòa nhập tiểu học, huy động được sự tích cực, nhiệt tình của đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc lập kế hoạch giáo dục cá nhân đối với từng HS, tổ chức hoạt động học tập hòa nhập và tuyên truyền liên lạc, trao đổi với gia đình về tình hình, sự phát triển của học sinh tự kỷ thông qua họp phụ huynh định kỳ 3 lần/năm, qua sổ liên lạc, điện thoại… Mặt khác phần lớn phụ huynh cũng ý thức được bệnh tình của con mình để chủ động phối hợp với GV trong giáo dục trẻ hòa nhập.
Công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật nói chung KTTT nói riêng ở các trường tiểu học tại thành phố Ninh Bình đã được thực hiện tương đối tốt, nhà trường đã chú trọng tới vai trò của GV, có hình thức thích hợp tác động tới trẻ; công tác phối kết hợp với gia đình và HS đã được chú ý. Tuy nhiên, nếu huy động hết những vai trò của gia đình, các lực lượng giáo dục khác và can thiệp cụ thể đến từng HS tự kỉ thì sẽ phát huy tốt hiệu quả giáo dục hòa nhập.
Khuyết tật trí tuệ (KTTT) là một trong sáu nhóm khuyết tật được công nhận trong Luật Người khuyết tật (2010). HS KTTT gặp nhiều khó khăn trong phát triển nhận thức và kỹ năng sống, do đó rất khó hòa nhập nếu không nhận được sự hỗ trợ giáo dục phù hợp.
Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục trong đó trẻ khuyết tật cùng học với trẻ em bình thường, trong trường ngay tại nơi trẻ sinh sống.