Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, mức hỗ trợ cho công tác quản lý Chương trình là 1 triệu đồng/tháng/phòng đối với huyện, thành phố, thị xã có dưới 30 trường mầm non và tiểu học tham gia chương trình; 1,5 triệu đồng/tháng/phòng đối với huyện, thành phố, thị xã có số lượng từ 30 - 49 trường mầm non và tiểu học tham gia chương trình; 1,7 triệu đồng/tháng/phòng đối với huyện, thành phố, thị xã có số lượng từ 50 - 69 trường mầm non và tiểu học tham gia chương trình và 2 triệu đồng/tháng/phòng đối với huyện, thành phố, thị xã có số lượng từ 70 trường mầm non và tiểu học trở lên tham gia chương trình.
Mức hỗ trợ trên được tính theo số tháng thực hiện và tối đa không quá 9 tháng của mỗi năm học.
Nguồn kinh phí để thực hiện bao gồm ngân sách tỉnh, phụ huynh học sinh đóng góp và nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp cung ứng sữa và các nhà tài trợ khác.
Trong đó, về đóng góp của phụ huynh học sinh, quy định chỉ rõ miễn phí 100% chi phí sản phẩm sữa đối với học sinh mầm non và tiểu học thuộc diện hộ nghèo; con thương binh, con liệt sỹ, học sinh là trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi.
Còn những phụ huynh học sinh thuộc hộ cận nghèo đóng góp 50% chi phí sản phẩm sữa; phụ huynh thuộc các diện còn lại tham gia chương trình đóng góp 70% chi phí sản phẩm sữa.
Cũng theo quy định mới, học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An tham gia chương trình Sữa học đường được uống sữa 5 lần/tuần, tức là mỗi ngày đến trường/lần, mỗi lần một hộp sữa 180ml/học sinh và trong 9 tháng đến trường của mỗi năm học.
Các nội dung này được quy định cụ thể tại Nghị quyết của HĐND tỉnh khóa XVII về cơ chế thực hiện Chương trình Sữa học đường cho học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020 và có hiệu lực từ ngày 30/12/2017.
Chương trình Sữa học đường được thí điểm nhân rộng tại các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An bắt đầu từ năm học 2016 – 2017 và đang được tiếp tục triển khai trong 3 năm tới. Với sự cơ chế hỗ trợ của tập đoàn TH và UBND tỉnh Nghệ An: Học sinh diện hộ nghèo được hỗ trợ 100%; học sinh thuộc diện hộ cận nghèo được hỗ trợ 50%; các học sinh còn lại được hỗ trợ 30% đã giúp nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh được uống sữa đều đặn.
Đề án triển khai có hiệu quả là còn nhờ sự nỗ lực của ngành giáo dục, đặc biệt là tại địa bàn vùng sâu vùng xa. Trong thời gian qua, mặc dù không có bất cứ kinh phí hỗ trợ nào, nhưng vì học sinh, các phòng Giáo dục, các nhà trường và đặc biệt các thầy cô giáo đã luôn cố gắng để nhận, bảo quản, vận chuyển sữa học đường.
Tại Trường tiểu học 3 Môn Sơn, huyện Con Cuông, có 2 điểm trường tại bản Khe Búng và Cò Phạt. Theo thầy Nguyễn Văn Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mỗi lần vận chuyển sữa vào đây, nhà trường phải thuê thuyền vượt sông Giăng, chi phí mỗi tháng từ 1,5 – 2 triệu. Tính ra mỗi năm học, nhà trường phải chi gần 20 triệu tiền vận chuyển sữa vào cho học sinh điểm lẻ.
Bởi vậy, quy định hỗ trợ chi phí vận hành chương trình sữa học đường của HĐND tỉnh Nghệ An là thiết thực. Tạo điều kiện kịp thời giúp các địa phương, nhà trường, thầy cô giáo đưa sữa đến tay học trò.