Tự học để giáo dục trẻ khuyết tật tốt hơn

GD&TĐ - “Mỗi buổi sáng, đón các con đến lớp, điểm danh thấy học sinh khỏe mạnh, vẫn nhớ gọi được tên cô giáo chủ nhiệm lớp... là sự thành công của những nhà giáo đặc biệt như chúng tôi” - cô giáo Lương Thị Hồng Phượng, Tổ Trưởng Tổ chuyên biệt dạy học sinh khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh (Trường tiểu học Quang Trung, thành phố Kon Tum) đã mở đầu buổi trò chuyện như vậy.

Cô giáo Lương Thị Hồng Phượng đang tận tình chỉ dạy một học sinh khuyết tật
Cô giáo Lương Thị Hồng Phượng đang tận tình chỉ dạy một học sinh khuyết tật

Năm học 2014-2015, cô Phượng được lãnh đạo Trường Tiểu học Quang Trung điều động từ điểm trường chính về làm Tổ Trưởng Tổ chuyên biệt dạy học sinh khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh. Nơi đây có 10 cô giáo. Các cô đều có thâm niên trên 20 năm trong nghề giáo và trực tiếp đảm nhiệm giảng dạy chương trình tiểu học cho 68 học sinh khuyết tật, trong đó có nhiều em tuổi đời 14-18.

“Học sinh đặc biệt, nên các cô phải vừa dạy - vừa học, vui chơi theo các con. Nếu ai không có tình yêu thương trẻ thơ, sự kiên trì, nhẫn nại sẽ rất khó công tác ở môi trường này” - cô Phượng tâm sự.

Cô đưa chúng tôi đi thăm lần lượt 7 lớp học dành cho trẻ khuyết tật. Mỗi lớp học chưa đến 10 học sinh, nhưng mỗi em bị khuyết tật rất khác nhau: người bị khiếm thính, người khác bị khiếm thị, rồi bệnh xương thủy tinh, dị tật bẩm sinh chân tay, trí tuệ…

Giữa những học sinh bị khuyết tật như thế, các cô giáo rất vất vả, phải vừa dỗ, vừa dạy. Các cô luôn vận động cơ thể, ra hiệu ngôn ngữ bằng tay để gây sự chú ý, tập trung cho các cháu ngồi im, chú tâm vào sách vở trước mặt.

Cô Phượng cho hay, thời gian đầu mới về phụ trách công tác các lớp chuyên biệt cô gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân cô đã tốt nghiệp đại học sư phạm cấp tiểu học nhưng khi về quản lý và dạy trực tiếp học sinh khuyết tật, rào cản lớn vẫn là phương pháp tiếp cận, hòa nhập với các cháu.

Thế là sau mỗi ngày ở lớp, cô Phượng mang trăn trở của nghề đến thư viện, vào mạng internet, bật ti vi xem kênh VTV2 của Đài Truyền hình Việt Nam để tìm tòi học chữ nổi, học ký hiệu giao tiếp, tìm hiểu tâm sinh lý đặc trưng của người khiếm khuyết.

Kiên trì gần 3 tháng, những ngại ngùng trong giao tiếp đối với học trò đặc biệt đã tốt hơn, cô dần được các con mở lòng quan tâm, nói chuyện, nhờ vả như: “Cô ơi, cho con mượn cây lược chải tóc”, “Cô ơi, dẫn Hòa đi tè”, “Cô ơi, Nam không muốn học. Cô đưa Nam đi ra ngoài sân chơi nhé!”… 

Gắn bó với các con một thời gian, cô giáo hiểu trẻ khiếm khuyết rất hiếu động, hành động không theo suy nghĩ như người bình thường. Do đó, học sinh đưa ra yêu cầu, các cô phải nương theo cá tính chuyên biệt mà dỗ dành, cưng nựng và tìm cách “lái yêu cầu” của trẻ theo hướng khác, đưa sự chú tâm của các con vào bài học.

“Đôi khi, đang ngồi học, có cháu quấy khóc, nằm vật giữa lớp, nhất mực đòi phải ra ngoài sân chơi. Tôi đành phải cử giáo viên lớp khác sang đưa em này đi dạo vài vòng ở ngoài sân của trung tâm, nhằm tránh làm phiền các lớp học khác”, cô giáo kể chuyện khó dạy học sinh đặc biệt.

Học sinh mồ côi, khuyết tật nhận thưởng kết thúc năm học 2016- 2017 tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Kon Tum

Học sinh mồ côi, khuyết tật nhận thưởng kết thúc năm học 2016- 2017 tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Kon Tum

Đa phần học sinh khuyết tật bị ảnh hưởng trí tuệ phát triển chậm, không nhớ được lâu và thiếu kiên nhẫn. Mỗi bài học, giáo viên phải đọc, nhắc lại nhiều lần. Nhiều em, chương trình học văn hóa một lớp phải miệt mài đến vài năm mới hoàn thành.

Mấy năm học, ở 7 lớp học này, các cô nỗ lực hết sức cũng chỉ có 1 học sinh có tiến bộ vượt bậc trong học tập, hoàn thành cơ bản chương trình học và hòa nhập với các bạn khác ở điểm trường chính Trường Tiểu học Quang Trung.

Đang thăm lớp học, anh Đ.V.H đưa con trai Đ.V.V đến lớp. Thấy các cô trò chuyện với khách, anh H vẫn không ngại xen vào khen các giáo viên ở đây rất nhiệt tình, các cô dạy bảo học sinh từng li từng tí. Con trai của anh đã 18 tuổi, may mắn vào trường được 5 năm. Nay V đã biết đọc, biết viết chữ rõ ràng.

Hàng ngày, em tự giác thao tác vệ sinh cá nhân, không ỷ lại cha mẹ. Anh H tâm sự: “Chúng tôi luôn biết ơn sự dạy dỗ của các cô giáo dành cho con em mình để chúng được tự tin, có kỹ năng sống tốt hơn”.

Cô Phượng cho biết, hiện tại, tư liệu dạy trẻ chuyên biệt chưa có nên các cô tập trung dạy đọc, viết Tiếng Việt, làm các phép tính đơn giản đối với 68 học sinh, theo chương trình sách giáo khoa cấp tiểu học. Thời gian học còn lại trên lớp, giáo viên chủ yếu dạy kỹ năng sống cho các em, như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự phục vụ, hoạt động vận động…

Cô Phượng và các thầy cô nơi đây mong muốn được ngành GD&ĐT tạo điều kiện cho đi học hỏi các mô hình giáo dục trẻ khuyết tật ở các tỉnh khác, được hỗ trợ tư liệu, sách giáo khoa, chương trình giáo dục học sinh chuyên biệt. Từ đó, các cô có thêm nghiệp vụ, chuyên môn phục vụ giảng dạy, giáo dục trẻ đặc biệt bài bản, phát huy được những khả năng khác bên cạnh sự khiếm khuyết của đối tượng học sinh này.

Thầy Lê Mạnh Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung nhận xét: Cô Phượng và các giáo viên khác đang giảng dạy ở các lớp chuyên biệt rất trách nhiệm, tận tụy với nghề. Bản thân cô Phượng đã được UBND thành phố Kon Tum tặng giấy khen có nhiều thành tích đóng góp trong công tác giáo dục dạy trẻ chuyên biệt của trường trong năm học qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.