Tạo môi trường giáo dục bình đẳng, thân thiện cho người khuyết tật

GD&TĐ -Sáng 19/1, Bộ GD&ĐT phối hợp với UNICEF tổ chức chương trình “Hội thảo góp ý Dự thảo Kế hoạch giáo dục người khuyết tật giai đoạn 2018 – 2020 của ngành Giáo dục và Đào tạo”.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa – trưởng ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh:

“Giáo dục người khuyết tật có chất lượng, thân thiện và bình đẳng luôn được Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm. Giáo dục người khuyết tật là nhiệm vụ do Chính phủ giao và đảm bảo cam kết quốc tế, để tạo ra môi trường giáo dục thuận lợi, bình đẳng, thân thiện cho mọi người khuyết tật tiếp cận, tạo mọi cơ hội giúp người khuyết tật được hòa nhập cộng đồng trong thời gian tới, với chức năng quản lý nhà nước về giáo dục người khuyết tật giai đoạn 2018 – 2020”.

Báo cáo về Dự thảo kế hoạch, đại diện Tổ soạn thảo cho biết, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2018 – 2020 có ít nhất 70% người khuyết tật được tiếp cận một nền giáo dục hòa nhập chất lượng, bình đẳng, thân thiện; có ít nhất 70% cán bộ quản lý, nhân viên hỗ trợ, giáo viên tham gia giáo dục người khuyết tật được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về giáo dục người khuyết tật; các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thực hiện chức năng hỗ trợ giáo dục cho người khuyết tật và cơ sở giáo dục...

Các nhiệm vụ và hoạt động chủ yếu giai đoạn 2018 -2020 là đánh giá nhu cầu giáo dục người khuyết tật; tăng cường các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục người khuyết tật; tăng cường hệ thống dịch vụ hỗ trợ giáo dục hòa nhập người khuyết tật; bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục người khuyết tật; nâng cao công tác truyền thông...

Tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đơn vị rất thiết thực và mang tính khả thi cao. Ban Soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp để bổ sung hoàn thiện các văn bản trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ