Tín dụng đen “bủa vây” dịp cuối năm

GD&TĐ - Tờ rơi, quảng cáo được dán khắp các cột điện, bờ tường với những dòng chữ: Cho vay lãi thấp, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhanh gọn, hay vay chỉ cần chứng minh, hộ khẩu photo… Hoạt động cho vay nặng lãi thường gọi là “tín dụng đen” đang diễn biến hết sức phức tạp và kéo theo nhiều hệ lụy về trật tự xã hội.

Những tờ rơi quảng cáo kiểu này ở đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp
Những tờ rơi quảng cáo kiểu này ở đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp

Đặc biệt, cuối năm là thời điểm nhu cầu vốn kinh doanh, mua sắm của nhiều hộ kinh doanh, cá nhân tăng cao, khiến “tín dụng đen” càng nhộn nhịp hơn.

Lãi suất “cắt cổ”

Thời gian gần đây, tín dụng đen có dấu hiệu bùng phát trở lại không chỉ ở những đô thị lớn. Hoạt động “tín dụng đen” lan rộng từ Bắc vào Nam, từ nông thôn đến vùng núi… khiến nhiều người rơi vào cảnh khốn cùng. Không ít địa phương đã xảy ra những vụ đòi nợ với hình thức uy hiếp tinh thần, siết nợ, bắt giữ người trái pháp luật, thậm chí đâm chém nhau dẫn đến tử vong…

Đặc biệt, cuối năm vốn là thời điểm mua bán tấp nập, lưu lượng tiền, hàng hóa không phải tăng gấp đôi, mà gấp 5, thậm chí chục lần bình thường khiến hoạt động “tín dụng đen” càng trở nên nhộn nhịp hơn. Tuy không ít ngân hàng dù đã triển khai nhiều loại hình cho tiểu thương và người dân vay tiền, nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu, khiến nhiều người vẫn phải tìm đến “tín dụng đen”.

Anh Nguyễn Xuân Hưng ở Đội Cấn (Hà Nội) người từng vay “tín dụng đen” chia sẻ: Cùng thời điểm này năm 2017, gia đình anh cần gấp một khoản tiền để lo công việc. Vay mượn bạn bè vẫn không đủ, bí quá ra đầu ngõ xem tờ quảng cáo được dán trên tường với dòng chữ: “vay không cần thế chấp”, “chỉ cần chứng minh nhân dân”…

Anh hỏi vay 50 triệu đồng, trả lãi suất mỗi ngày 375.000 đồng (tương đương 7.500 đồng/1 triệu/ngày), trong vòng 40 ngày. Khoảng 20 phút sau đã họ mang tiền đến tận nhà yêu cầu giữ chứng minh thư, viết giấy nợ, cho vay. “Sau 40 ngày, chẳng những không trả hết nợ mà còn phải trả thêm cả tiền lãi cho số tiền còn nợ và phải tiếp tục đóng tiền trả nợ hàng ngày…” – anh Hưng nói.

Tương tự, anh Nguyễn Mạnh Hùng ở Phan Bội Châu (Hà Nội) cho biết, mấy tháng trước gia đình cần tiền gấp để chạy việc cho con gái nên đã gọi điện đến dịch vụ cho vay, cầm đồ hỏi vay 100 triệu đồng. Một tiếng sau, hai thanh niên mang tiền đến tận nhà, sau khi viết giấy vay nợ và yêu cầu đưa chứng minh nhân dân, hộ khẩu (bản photo). Khi giao tiền, hai thanh niên chỉ đưa 85 triệu đồng và giữ 15 triệu đồng nói là tiền trả lãi cho 20 ngày đầu tiên và trong 40 ngày tiếp theo vẫn phải trả cả gốc lẫn lãi của số tiền 100 triệu đồng.

Khó xử lý hình sự

Ai cũng biết, cho vay nặng lãi là vi phạm pháp luật và điều này đã được quy định rõ ràng trong Bộ luật Hình sự cùng một số quy định khác của pháp luật. Tuy nhiên, “có cầu ắt có cung” cùng lấy lý do là “tự nguyện”, nên hình thức cho vay nặng lãi phát triển mạnh mẽ, để lại rất nhiều hệ lụy, nhưng để xử lý hình sự lại rất khó vì chưa đủ căn cứ theo quy định hiện hành.

Đưa ra giải pháp nhằm hạn chế “tín dụng đen”, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng: Dịch vụ cho vay “nóng” sẽ vẫn còn phát triển, bởi vậy các cơ quan, ban ngành cần phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, nhất là các quy định về giao dịch, vay mượn…, cũng như phương thức, thủ đoạn tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Đồng thời nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Quốc hội ban hành bổ sung, sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp lý trong lĩnh vực này. 

Bởi Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018, quy định: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng… bị phạt từ 50 đến 200 triệu đồng, hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.

Như vậy, vay 50 triệu đồng với lãi suất 20%/tháng trả 2 tháng cả gốc và lãi 70 triệu đồng vẫn chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, trong khi chưa có quy định xử lý hành chính về hành vi này. Thực tế, ngay trên địa bàn Hà Nội, tại tất cả các tuyến phố cũng như ngõ, ngách lớn, nhỏ những thông tin quảng cáo về “tín dụng đen” được dán ở khắp nơi với “mác” tư vấn, hỗ trợ tài chính, vay nhanh, cầm đồ… Mặc dù đã được tuyên truyền về những rủi ro khi tiếp cận hình thức cho vay này, song không ít người vẫn “lao” vào vì khó khăn đột xuất. Mức lãi suất áp dụng đối với hình thức cho vay kiểu “tín dụng đen” này rất cao đều trên 200%/năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.