Tìm thấy bằng chứng về dấu vết sóng thần trên sao Hỏa

GD&TĐ - Các nhà khoa học đến từ Hoa Kỳ cho rằng, họ đã tìm bằng chứng của hai trận sóng thần khổng lồ đã quét qua bề mặt sao Hỏa. Từ dữ liệu vệ tinh cho thấy dấu vết trầm tích trên một vùng rộng lớn ở rìa của vùng đất thấp phía Bắc hành tinh Đỏ.

Tìm thấy bằng chứng về dấu vết sóng thần trên sao Hỏa

Nhóm nhà khoa học Mỹ lập luận rằng lực hấp dẫn của một hành tinh nào đó hoặc một vụ va chạm của sao Chổi vào đại dương của sao Hỏa đã kích hoạt những con sóng khổng lồ. Hiện tượng này có thể xảy ra vào khoảng 3 tỷ năm trước, khi hành tinh này ẩm ướt và có nhiệt độ ấm áp.

Ngày nay, sao Hỏa là khô và rất lạnh và bất kỳ một tác động nào sẽ tạo ra những hố sâu bụi bặm. Nhưng từ lâu các nhà nghiên cứu suy đoán rằng, địa hình thấp và bằng phẳng thấp ở bán cầu Bắc của sao Hỏa trong quá khứ là một đại dương khi điều kiện thời tiết và khí hậu vừa phải.

Nếu sóng thần làm ngập mặt đất, sẽ làm cho trầm tích lắng xuống và tạo ra dòng chảy mới, theo thời gian nó sẽ tạo nên một bờ biển. “Rõ ràng, việc tìm kiếm bằng chứng về sóng thần rất có ý nghĩa: Để có sóng thần, thì hẳn phải có một đại dương” – TS Alexis Palmero Rodriguez từ Viện Khoa học Hành tinh tại bang Arizona, Mỹ cho biết – “Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng nghiên cứu mới này sẽ loại bỏ nhiều sự không chắc chắn quanh giả thuyết đại dương xuất hiện trên sao Hỏa. Điều này thường gây tranh cãi trong các nghiên cứu trước đây”.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Rodriguez và nhóm của ông được công bố vào ngày 19/5, trên tạp chí Scientific Reports. Họ nghiên cứu dữ liệu trên hai khu vực của sao Hỏa, gọi là Chryse Planitia và Arabia Terra.

Nhóm nghiên cứu cho rằng các trầm tích quan sát được từ vệ tinh phản ánh dấu tích hoạt động của 2 đợt siêu sóng thần. Những đợt sóng thần này có chiều cao khoảng 50m, một số địa điểm có thể lên đến 120m. Khu vực bị ảnh hưởng bởi sóng thần có diện tích khoảng 800.000 km2 trong đợt sóng thần đầu tiên và 1.000.000 km2 trong đợt sóng thần diễn ra lần thứ hai.

“Trên Trái đất, diện tích tác động do sự kiện tuyệt chủng K–T (đã làm tiệt chủng loài khủng long) được tạo nên từ một trận sóng thần khổng lồ đã nhấn chìm lục địa châu Mỹ, có diện tích tương đương với khu vực chúng tôi nghiên cứu trên sao Hỏa”, TS Rodriguez cho biết thêm.

Nhà khoa học Peter Grindrod đến từ Đại học College London (Ạnh quốc), người không tham gia vào nghiên cứu, nhận xét: “Ý tưởng có một đại dương nằm ở phía Bắc sao Hỏa đã nổi lên trong nhiều thập kỷ, nhưng các bằng chứng cho đến nay vẫn chưa đầy đủ và không tìm được sự đồng thuận chung. Tuy nhiên, bằng chứng về các đợt sóng thần rất thú vị, cùng với các nghiên cứu gần đây, có lẽ có thể đánh dấu sự khởi đầu để công nhận giả thuyết tồn tại đại dương trên sao Hỏa”.

Nhóm các nhà nghiên cứu tin rằng, trong tương lai có thể sẽ gửi robot để khám phá các trầm tích tại khu vực xảy ra sóng thần. Khu vực này khá ổn định và sẽ lưu giữ nhiều thông tin quan trọng về bản chất của đại dương trên sao Hỏa, thậm chí có thể tìm thấy dấu hiệu sinh học của sự sống tại đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ