Tìm giải pháp phù hợp dạy Lịch sử theo Chương trình mới

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023, năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở THPT, trong đó Lịch sử là một trong những môn học bắt buộc.

Học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) tìm hiểu lịch sử thông qua các buổi ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: INT
Học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) tìm hiểu lịch sử thông qua các buổi ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: INT

Sau một năm học, thầy cô nhận diện được hạn chế, khó khăn để có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy môn học này.

Thuận lợi, khó khăn đan xen

Đảm nhiệm dạy học môn Lịch sử lớp 10, cô Phạm Thị Hằng, Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ có khó khăn, bỡ ngỡ, lo lắng khi bắt tay nghiên cứu để thực hiện nội dung chương trình. Tuy nhiên, Lịch sử trở thành môn học bắt buộc là niềm vui lớn đối với những thầy, cô giáo trực tiếp giảng dạy nên ai nấy đều nỗ lực khắc phục hạn chế.

“Chúng tôi nhận thấy đó là trách nhiệm lớn để làm sao có được bài học sinh động, bổ ích, thiết thực trong mỗi giờ lên lớp, giúp học sinh thực sự yêu thích bộ môn và phụ huynh học sinh yên tâm, tin tưởng”, cô Hằng chia sẻ và cho biết: Đến thời điểm này, Trường THPT Quan Sơn cơ bản hoàn thành Chương trình Lịch sử lớp 10 theo bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Sách giáo khoa được thiết kế khoa học, sinh động, dễ hiểu; nội dung kiến thức vừa đủ với sự tiếp cận của học sinh; phần nền văn minh, văn hóa trên thế giới có nhiều hình ảnh phong phú. Nội dung chương trình có nhiều thời lượng dành cho học sinh thực hành, tìm hiểu khám phá...

Bên cạnh thuận lợi, cô Phạm Thị Hằng cho biết, lần đầu triển khai dạy học Lịch sử theo chương trình mới không tránh khỏi khó khăn. Nội dung chương trình có nhiều kiến thức mới đòi hỏi giáo viên, học sinh phải nỗ lực học tập, khám khá mới có thể hiểu được. Các tiết thực hành lịch sử khó thực hiện có hiệu quả vì liên quan đến đi thực địa, tìm hiểu hiện vật và di tích lịch sử… trong khi không có nguồn kinh phí nên chủ yếu thầy trò chỉ có thể thực hiện trên lớp thông qua phương tiện máy móc hoặc học “chay”.

Nhà trường hiện chưa có nhà hiệu bộ, nhà thi đấu đa năng, thư viện và đặc biệt là phòng bộ môn, nên việc giúp học sinh có thêm phương tiện để tiếp cận tri thức mới còn nhiều khó khăn. Thiết kế nội dung bài dạy chưa có mẫu chuẩn, giáo viên chỉ dựa vào kinh nghiệm để thực hiện. Thêm nữa, đa số học sinh là con em vùng miền núi, khó khăn nên việc được gia đình trang bị đồ dùng phục vụ cho việc học như máy tính, điện thoại thông minh còn hạn chế. Chất lượng “đầu vào” lớp 10 của trường hằng năm gần như thấp nhất trong tỉnh, nên việc tự tìm hiểu, tiếp thu kiến thức mới ít có sự chủ động.

Từ thực tiễn giảng dạy môn Lịch sử theo chương trình mới, cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) cũng nhận thấy có cả thuận lợi, thách thức đan xen. Thuận lợi là: Chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giúp giáo viên có nhiều tư liệu để phục vụ dạy học; có nguồn học liệu tham khảo phong phú, cách thức tổ chức dạy học đa dạng. Nhà trường, giáo viên chủ động trong xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học, kế hoạch bài dạy phù hợp với mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình.

Về khó khăn, Chương trình GDPT 2018 yêu cầu học sinh phát huy tính tự chủ, tự học. Tuy nhiên, trình độ học sinh đầu cấp (lớp 10) không đồng đều, một số em chưa quen với phương pháp học mới, còn thụ động. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Chương trình môn Lịch sử chuyển từ tự chọn sang bắt buộc, từ 70 tiết xuống còn 52 tiết, ảnh hưởng phần nào đến sự liền mạch, gắn kết nội dung từng bài học trong sách giáo khoa. Do đó, học sinh khó tiếp thu mạch kiến thức hơn. Mặc dù đã dạy gần hết 1 năm học nhưng nội dung kiểm tra đánh giá chưa được tập huấn…

Cô Phạm Thị Hằng và học trò trong giờ Lịch sử. Ảnh nhân vật cung cấp

Cô Phạm Thị Hằng và học trò trong giờ Lịch sử. Ảnh nhân vật cung cấp

Đổi mới tư duy, nhận thức phát triển chuyên môn

Chia sẻ về Chương trình môn Lịch sử, PGS.TS Phạm Văn Lực, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, cho biết: Môn Lịch sử ở THPT có cả phần bắt buộc và tự chọn. Với lớp 10, môn Lịch sử phần bắt buộc có 52 tiết. Bên cạnh kiến thức, chương trình mới dành 10% cho thực hành lịch sử. Theo đó, giáo viên tiến hành các hoạt động giáo dục lịch sử gắn với thực địa, tham quan di sản lịch sử, văn hóa…; tham quan bảo tàng, xem phim tài liệu lịch sử; tổ chức các câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, “Nhà sử học trẻ tuổi”…; tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử, các trò chơi lịch sử…

Do thay đổi chương trình nên phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng thay đổi, gắn với thực hành, thực tiễn. Giáo viên sẽ thông qua việc tổ chức các hoạt động dạy học đa dạng, giúp học sinh phát huy năng lực sáng tạo trong học tập lịch sử, trở thành “người đóng vai lịch sử” hay “người làm lịch sử” để khám phá, vận dụng sáng tạo kiến thức vào học tập và thực tiễn cuộc sống.

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn cho giáo viên Lịch sử trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, PGS.TS Phạm Văn Lực cho rằng, trước hết giáo viên phải tự đổi mới, tự học, tự rèn luyện và phát triển chuyên môn thường xuyên. Tự đổi mới cả trong tư duy và trong nhận thức phát triển chuyên môn.

Để làm được điều này, nhà giáo cần tích cực tham gia khóa tập huấn theo chương trình, kế hoạch của đơn vị quản lý giáo dục; hoặc chủ động tham gia seminar chuyên môn của các đơn vị đào tạo giáo viên; tham gia cộng đồng giáo viên đổi mới, sáng tạo trên các trang mạng xã hội để được chia sẻ, giao lưu, học hỏi kiến thức từ đồng nghiệp.

“Bản chất của phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực là lấy học sinh làm trung tâm. Học sinh phải tích cực, chủ động tìm tòi khám phá để tự mình chiếm lĩnh kiến thức trọng tâm của bài học; sau đó vận dụng kiến thức đó vào giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Còn giáo viên chỉ là người tổ chức, định hướng, gợi mở cho học sinh; trong đó có cả định hướng, gợi mở cho các em dựa vào trang thiết bị, đồ dùng dạy học (có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, Internet) để tìm tòi khám phá kiến thức mới của bài học. Vì thế, đồng thời với việc triển khai Chương trình GDPT 2018, tất yếu phải trang bị thêm thiết bị, đồ dùng dạy học để đáp ứng yêu cầu của quá trình dạy học lịch sử”, PGS.TS Phạm Văn Lực nhấn mạnh.

Để tăng cường chất lượng dạy học lịch sử theo chương trình mới, PGS.TS Phạm Văn Lực đồng thời lưu ý đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên để tăng tính thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, ngoài nguồn học liệu, cùng điều kiện khác, tất yếu phải có thiết bị, đồ dùng dạy học, giúp giáo viên thuận lợi khi dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ