Bên cạnh trang bị tài liệu giảng dạy chính thức, dụng cụ thực hành là yếu tố cần thiết để GV triển khai dạy phòng chống thiên tai gắn với thực tiễn và bảo đảm hiệu quả giáo dục.
Mới đây, Đài Khí tượng thủy văn ( KTTV) Đồng bằng Bắc Bộ (Tổng cục KTTV, Bộ TN&MT) lắp đặt thêm 1 điểm Trạm quan trắc thời tiết tự động tại Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Nhà trường đang hoàn tất cảnh quan của khu vườn Địa - Sinh quanh Trạm quan trắc để có không gian tổ chức dạy kiến thức về thời tiết, thiên tai, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, bắt nhịp với kế hoạch của Bộ GD&ĐT.
Trước đó, tại Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội), Đài KTTV Đồng bằng Bắc Bộ thí điểm lắp đặt Trạm quan trắc thời tiết tự động cho trường.
Việc lắp đặt Trạm đo khí tượng tự động trong không gian vườn Sinh - Địa của nhà trường phục vụ khai thác theo thời gian thực các số liệu thời tiết cơ bản, bao gồm: Gió, mưa, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất. Dữ liệu được truyền và lưu vào hệ thống máy chủ của đài, đồng thời, hiển thị tại chỗ trên các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng, laptop… của nhà trường.
Sau thời gian cho HS sử dụng trạm đo vào thực hành môn Địa lý, cô Đào Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn cho biết: Trạm đo thời tiết tự động là giáo cụ trực quan nhằm giới thiệu cho HS cách đo đạc thu thập số liệu về khí tượng, khí hậu... Đây là bước tiến rõ nét của nhà trường trong việc đẩy mạnh công tác phổ biến kiến thức về KTTV, phòng chống thiên tai.
Từ lợi ích của việc hợp tác với đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, thầy cô giáo của tổ Tự nhiên 2 chủ động tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho HS trong học tập bộ môn Địa lý và rèn luyện kỹ năng sống cho các em. HS khối 6 có cơ hội được quan sát dụng cụ đo nhiệt độ, độ ẩm, khí áp và thực hành tính nhiệt độ trung bình/ngày, dựa vào các số liệu quan sát được để phân tích về khí hậu Việt Nam. Qua đó, các em được trang bị kiến thức cần thiết để thích ứng, có kĩ năng quan sát, ứng phó, phòng tránh khi gặp thiên tai và đặc biệt, biết sống xanh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng…
Em Nguyễn Hoàng Lan - HS Trường THCS Bế Văn Đàn tâm sự: Môn Địa lý không còn khô khan mà có thêm nhiều màu sắc, qua sự hướng dẫn của thầy cô, lại được tiếp cận với giáo dục trực quan sinh động, chúng em dễ dàng nhận thức được các hiểm họa do thiên tai, cách ứng phó và giảm nhẹ rủi ro tại chỗ, tự bảo vệ bản thân khi xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Theo cô Nguyễn Minh Huyền - GV Địa lý Trường THPT Chương Mỹ B (Hà Nội), đưa kiến thức phòng, chống thiên tai trở thành một nội dung học tập trong nhà trường là cần thiết. Để nội dung này thực sự hiệu quả, ngành GD cần tập huấn chuyên sâu, cụ thể cho GV về chuyên đề này, đồng thời ban hành tài liệu, tư liệu tranh, ảnh, video phù hợp để nội dung học vừa sinh động, vừa gần gũi, có tác dụng trang bị kiến thức và kỹ năng ứng phó với thiên tai, bảo vệ môi trường với HS… Bên cạnh đó, cần đầu tư cho các trường giáo cụ trực quan liên quan đến KTTV để GV hướng dẫn HS tiếp thu kiến thức phòng chống thiên tai phù hợp với thực tiễn, tránh chỉ thiên về lý thuyết không có tác dụng bồi dưỡng kỹ năng ứng phó với tình hình biến đổi thời tiết cực đoan hiện nay…