(GD&TĐ)-Tìm giải pháp gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động ở Việt Nam là chủ đề tại hội thảo diễn ra tại ĐHKHXH&NV ngày 9/12 với sự tham gia của đại diện nhiều trường ĐH và doanh nghiệp.
Tọa đàm giải pháp gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động ở Việt Nam. Ảnh: gdtd.vn |
TS. Đào Thanh Trường, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phân tích chính sách (ĐHKHXH&NV-ĐHQGHN) công bố kết quả khảo sát về tình hình việc làm của cử nhân với nhu cầu thị trường trong năm 2009 – 2010 trên 2.948 sinh viên tại ĐHQGHN, ĐHQG HCM và ĐH Huế. Theo đó, khoảng 73,8% sinh viên tìm được việc làm, 26,2% thất nghiệp. Có tới 58,2% sinh viên tốt nghiệp không biết xin việc ở đâu, 42% không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, 27% không xin được việc vì lý do ngành học không phù hợp với thị trường, thậm chí, có 18% sinh viên không tìm được việc vì nhà tuyển dụng không biết đến ngành đào tạo.
Phân tích nguyên nhân nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm, giám đốc công ty cổ phần ứng dụng tâm lý Hoa mặt trời Vũ Thu Hà cho rằng có nguyên nhân từ chính nền kinh tế và thị trường lao động nước ta chưa thực sự phát triển, cùng với đó là chất lượng lao động qua đào tạo và nguyên nhân chủ quan từ chính những sinh viên, chưa thực sự chủ động và năng động trong vấn đề tìm việc làm.
Theo TS.Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học), mỗi năm nguồn nhân lực trí thức, tốt nghiệp từ ĐH, CĐ và trung cấp trở lên là 2,5 triệu người, bằng 2,15 dân số của cả nước, nhưng chất lượng giáo dục là bài toán nan giải, nguồn nhân lực đào tạo ra vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp sau khi tuyển dụng phải bỏ ra ít nhất 6 tháng đến 1 năm, thậm chí hơn để đào tạo lại. Khó khăn là vậy nhưng không ít sinh viên sau khi được đào tạo lại, cơ quan chuẩn bị sử dụng thì đã “nhảy việc”. Đây là bài toán nan giải làm đau đầu nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân từ chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy … TS.Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng còn có nguyên nhân từ phía doanh nghiệp. Doanh nghiệp còn bị động trong việc tuyển chọn nguồn nhân lực, khi có nhu cầu tuyển dụng mới đưa ra các yêu cầu về chuyên môn, kĩ năng làm việc….
Tìm giải pháp cho vấn đề gắn kết đào tạo với thị trường lao động, các đại biểu cho rằng, trước tiên các cơ sở đào tạo cần gặp gỡ, trao đổi và lắng nghe ý kiến mong đợi về các “sản phẩm giáo dục” từ phía các doanh nghiệp. Cùng với đó, mạnh dạn thay đổi nội dung đào tạo nặng về lý thuyết, chung chung thành những bài học cụ thể, sát thực, chú trọng thực hành; đặc biệt chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho người học.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên, ĐHQGHN Đào Văn Hải, cho rằng, các kỹ năng mềm giúp sinh viên tự tin hơn, kiểm soát được bản thân, hình thành được lối tư duy phản biện, nhìn vấn đề ở nhiều góc độ, dẫn đến việc không còn thụ động, hình thành được tư duy độc lập, sáng tạo trong học tập, từ đó, có thêm những cơ hội khi đi xin việc...
TS.Phạm Mạnh Hà thì chia sẻ ý tưởng thành lập mạng lưới sinh viên “Huynh đệ”, một mạng lưới làm nhiệm vụ kết nối các sinh viên đã ra trường và có việc làm với nhà trường và các sinh viên đang còn theo học tại trường.
Hiếu Nguyễn