Tìm giải pháp để học sinh “rẽ hướng” học nghề

Tìm giải pháp để học sinh “rẽ hướng” học nghề

Hệ giáo dục nghề nghiệp đang đẩy mạnh giới thiệu ở các trường THCS - THPT và số học sinh “rẽ hướng” chọn học nghề ngày càng cao, nhất là các vùng tập trung nhiều khu công nghiệp.

Tỷ lệ chọn trường nghề tăng

TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương là 3 địa phương có số lượng khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) hàng đầu của cả nước. Trong vài năm trở lại đây, số lượng HS chọn học nghề ở các địa phương này tăng nhanh.

Đơn cử ở Đồng Nai, năm học 2018 - 2019, báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, có 70% học sinh THCS tiếp tục học THPT; khoảng 25% học sinh chọn học nghề tại các trường TCCN, CĐ; hơn 4% học chương trình GDTX. Nếu như năm 2017, ghi dấu sự tăng vọt trong tuyển sinh trung cấp với gần 11.800 chỉ tiêu, năm 2019, con số này là 12.500 người.

TPHCM, nơi có 544 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (52 trường CĐ, 64 trường trung cấp và 82 trung tâm giáo dục nghề nghiệp) đặt mục tiêu năm 2020 có khoảng 30% học sinh sau THCS đi học nghề. Năm học 2019 - 2020, các cơ sở đào tạo này tuyển được trên 461.000 HS-SV, trong đó, trình độ CĐ hơn 45.000 người, trình độ trung cấp trên 34.000 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 380.000 người; đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 11.333 người.

Ghi nhận thực tế từ một số trường THCS trên địa bàn TPHCM cũng thấy rõ xu hướng tăng tỷ lệ HS chọn học nghề. Đơn cử, năm học 2018 - 2019, tại Trường THCS Phước Bình (Quận 9), số học sinh khối 9 tự nguyện rẽ sang trường nghề chiếm khoảng 20% trên tổng số học sinh toàn khối (38/195 em).

Thầy Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sương Nguyệt Anh (Quận 8) cho biết: Bình quân mỗi năm số học sinh cuối cấp hướng sang học nghề dao động trên dưới 40 em, chiếm khoảng 20% học sinh toàn khối 9.

Còn theo cô Nguyễn Thị Hoàng Lan - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Tiến, TP Biên Hòa (Đồng Nai), để có con số ấn tượng về tỷ lệ chọn học nghề trong học sinh, bên cạnh các chính sách ưu đãi của Chính phủ, địa phương, sự thay đổi nhận thức nơi phụ huynh và học sinh, còn có vai trò quan trọng của giáo viên chủ nhiệm trong công tác tư vấn, hướng nghiệp. Năm 2019, trường có 26,4% (94/356 học sinh) theo học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Điều đó cho thấy nếu giáo viên làm công tác hướng nghiệp bài bản, thường xuyên sẽ loại bỏ được nhiều trường hợp chọn sai con đường.

Trường CĐ, TC nỗ lực vào cuộc

Song song với trường phổ thông, các trường CĐ, TCCN, trường nghề cũng tăng tốc tiếp thị, tư vấn cho học sinh chọn học nghề. Nếu như trước đây, trong ngày hội tư vấn tuyển sinh chỉ có trường ĐH, thì nay, sự xuất hiện của các trường CĐ, TC nghề không thiếu. Nhiều trường CĐ trên địa bàn TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương bên cạnh việc kết nối với trường THCS thực hiện tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh (qua Zalo, Facebook, App tuyển sinh, tư vấn trực tuyến)... còn đi trực tiếp đến cơ sở. Ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế cho biết: Trước 10 học sinh tư vấn thì 9 em xin ý kiến để chọn trường ĐH, còn hiện nay có 4/10 em hỏi về học nghề.

Cùng với công tác tăng cường tư vấn, tiếp thị, các trường CĐ, TCCN còn nỗ lực thu hút học sinh học nghề bằng việc nâng cao chất lượng đào tạo song hành cam kết việc làm cho người học. TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn cho hay: “Việc cam kết đầu ra mang lại nhiều cái lợi. Cái được lớn nhất là giải quyết bài toán nhân lực cho chính đơn vị đó, thứ hai là cho địa phương, cuối cùng là cho bản thân người học và nhà trường. Hiện nhiều ngành nghề, sinh viên ra trường mức lương đạt được từ 7 - 12 triệu đồng/tháng. Hiện Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn không chỉ thực hiện cam kết đầu ra việc làm với sinh viên khi tốt nghiệp, nhà trường còn đẩy mạnh việc dạy và học ngay tại công xưởng, nhà máy nhằm giúp các em rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm làm việc, tác phong và văn hóa của doanh nghiệp”.

Xây dựng thêm chương trình 9+2, 9+3, 9+4 để tăng cơ hội học nghề cho học sinh THCS cũng là cách được không ít trường CĐ, TC thực hiện để thu hút học sinh vào trường nghề. ThS Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM chia sẻ: Chương trình 9+ cơ bản tốt, ngoài nhiệm vụ phân luồng học sinh sau THCS đi học nghề, còn có vai trò ổn định và mở ra cơ hội học nghề sớm cho người học.

“Học sinh khi tham gia chương trình học nghề 9+2, 9+3 sau khi được cấp bằng TC nghề sẽ được học liên thông lên CĐ nghề mà không mất thời gian đợi có bằng THPT. Riêng đối với các trường đã xây dựng được chương trình đào tạo phù hợp có thể đào tạo hệ 9+4. Tức là học sinh tốt nghiệp THCS có thể tham gia học chương trình CĐ nghề luôn nên tiết kiệm được thời gian và chi phí rất nhiều. Các em cũng có thể học tiếp bằng các chương trình liên thông mà không nhất thiết phải bằng mọi cách bước vào tương lai bằng con đường ĐH” - ThS Lý nói.

Muốn phân luồng tốt, đối tượng cần tác động nhiều nhất chính là phụ huynh, bởi đa số cha mẹ đang thay con quyết định việc học, nhất là với đối tượng học sinh nhỏ tuổi. Đồng Nai là địa bàn có nhiều KCN, nhu cầu lao động có tay nghề cao rất lớn. Chỉ cần làm tốt công tác định hướng nghề, tư vấn tốt, giúp các em hiểu hơn về giá trị của nghề sẽ tự biết chọn con đường lập thân phù hợp với năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình. - Cô Nguyễn Thị Hoàng Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ