Mùa lụt về vùng trồng rau xanh ở hạ du sông Hương bị ngập sâu |
(GD&TĐ) - Trong 2 ngày 15 - 16/12, tại thành phố Huế, Trường Đại học Khoa học Huế phối hợp với Đại học Tokyo và một số trường đại học, viện nghiên cứu Nhật Bản tổ chức hội thảo quốc tế về nước và sức khỏe đô thị.
Hội thảo nhằm trao đổi thông tin, kết quả nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực môi trường nước và vệ sinh đô thị, ngập úng đô thị, đánh giá rủi ro sức khoẻ khu vực đô thị, biến đổi khí hậu và môi trường đô thị... Hội thảo quy tụ các nhà khoa học từ Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Lào...
Có 33 báo cáo tại hội thảo và 17 báo cáo treo poster dành cho học viên sau đại học và cán bộ nghiên cứu trẻ tập trung chủ đề sức khoẻ sinh thái và đánh giá rủi ro sức khoẻ liên quan đến môi trường nước ở đô thị.
Một số báo cáo giới thiệu các kỹ thuật mới trong đánh giá môi trường, các nghiên cứu về môi trường và sức khoẻ thực hiện tại các đô thị ở một số nước như Thái Lan, Indonesia, Lào; kết quả nghiên cứu được thực hiện ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Hội thảo mở hướng hợp tác mới giữa các trường đại học, viện nghiên cứu ở Nhật Bản và Việt Nam, đặc biệt trên lĩnh vực môi trường và sức khoẻ đô thị Huế.
Trong số đó có những nghiên cứu tập trung vào tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung và TP Huế nói riêng như phân tích tình trạng ngập lụt và phân bố các tác nhân gây bệnh, đánh giá rủi ro sức khỏe khi ngập lụt ở khu vực kinh thành Huế của Đại học Tokyo; tác động của lũ lụt đến sự nhiễm khuẩn các vùng trồng rau xung quanh thành phố Huế của Đại học Yamagata…
Các nghiên cứu này sẽ giúp rất nhiều cho địa phương có các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại gây ra do ngập lụt hàng năm.
Minh Ngọc