Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergey Ryabkov, ngày 3/10 cho biết, các nước nộp đơn xin gia nhập BRICS không thể tham gia vào lệnh trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia thành viên nào của khối kinh tế này, đồng thời nêu rõ một trong những điều kiện để gia nhập nhóm này.
Nhóm này khởi đầu là một hiệp hội không chính thức gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, hiện đã mở rộng thành chín quốc gia thành viên, và dự kiến sẽ thảo luận về việc mở rộng hơn nữa tại hội nghị thượng đỉnh ở Kazan, Nga vào cuối tháng này.
“Cần theo đuổi chính sách có chủ quyền, có vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế và khu vực, xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và hữu nghị với các nước BRICS, và không tham gia vào các lệnh trừng phạt bất hợp pháp đối với các thành viên của hiệp hội”, ông Ryabkov phát biểu tại một cuộc họp báo ở Moscow hôm 3/10, khi được hỏi về các điều kiện đối với những quốc gia có nguyện vọng trở thành thành viên.
Moscow coi các lệnh trừng phạt do Mỹ và các đồng minh áp đặt liên quan đến cuộc xung đột Ukraine là bất hợp pháp và không chính đáng.
Nga sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên của hiệp hội tại Kazan vào cuối tháng này, với tư cách là nước hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm.
Trong số các quốc gia hiện đang tìm kiếm tư cách thành viên có Algeria, Bangladesh, Bahrain, Belarus, Bolivia, Cuba, Honduras, Indonesia, Kazakhstan, Kuwait, Morocco, Nigeria, Palestine, Senegal, Thái Lan, Venezuela...
"Cánh cửa đến BRICS vẫn mở. Mục tiêu của Nga trong năm nay là đảm bảo sự hội nhập hữu cơ và đầy đủ của các thành viên mới được chấp nhận vào kiến trúc đa diện của quan hệ đối tác BRICS, đồng thời duy trì tính năng động và hiệu quả của các cơ chế và định dạng của hiệp hội quốc tế", nhà ngoại giao Nga nói với các phóng viên.
Ông Ryabkov nói thêm rằng, việc mở rộng phải luôn hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực và thẩm quyền quốc tế của BRICS, đồng thời lưu ý rằng, mọi quyết định trong hiệp hội đều được đưa ra dựa trên sự đồng thuận.
Được thành lập vào năm 2006, tổ chức này đã kết nạp Nam Phi vào năm 2011. Vào đầu năm 2024, BRICS cũng chào đón Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE, mặc dù quyết định giữ nguyên tên viết tắt năm chữ cái ban đầu của những nước sáng lập.
Các quốc gia thành viên BRICS hiện tại chiếm khoảng 46% dân số thế giới và hơn 36% GDP toàn cầu, theo ước tính của các tổ chức tài chính toàn cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết vào tháng trước rằng, ít nhất 34 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập tổ chức này.