Tối ngày 1/10, Iran đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo hai đợt để đáp trả vụ Israel giết chết Tổng thư ký Hezbollah Hassan Nasrallah tại Beirut vào ngày 26/9 và sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas là Ismail Haniyeh tại Tehran vào ngày 31/7.
Theo báo cáo của quân đội Israel, loạt 180 quả đạn không gây ra thương vong vì hầu hết các tên lửa đều bị đánh chặn. Iran tuyên bố họ đang nhắm vào ba căn cứ quân sự ở khu vực Tel Aviv.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay lập tức cam kết sẽ trả đũa, và nói rằng Iran "đã phạm một sai lầm lớn và chắc chắn sẽ phải trả giá".
Theo nhiều chuyên gia quân sự, việc trả đũa có thể bao gồm các cuộc tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu mỏ và hạt nhân, ám sát có chủ đích vào Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và các cuộc đột kích chính xác vào các tài sản quân sự.
Người phát ngôn quân đội Israel (IDF), Daniel Hagari, tuyên bố, Israel sẽ đáp trả "bất cứ nơi nào, bất cứ khi nào và bất cứ cách nào chúng tôi chọn".
Cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã kêu gọi một cuộc tấn công quyết định vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
"Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để phá hủy chương trình hạt nhân của Iran, các cơ sở năng lượng trung tâm của nước này và làm tê liệt chế độ khủng bố này. Chúng ta có lý do chính đáng. Chúng ta có các công cụ. Bây giờ Hezbollah và Hamas đã bị tê liệt, Iran sẽ bị phơi bày", ông Bennett viết trên nền tảng X sau loạt tên lửa của Iran.
Khu phức hợp làm giàu uranium Natanz và Trung tâm Công nghệ Hạt nhân Isfahan là hai trong số các địa điểm cốt lõi của chương trình hạt nhân Iran.
Thành phố trung tâm Isfahan, địa điểm Israel đáp trả vào tháng 4/2024, cũng là nơi có một số cơ sở quan trọng, bao gồm các công ty quân sự.
Tuy nhiên, việc nhắm mục tiêu vào các địa điểm hạt nhân của Iran để phản ứng với một cuộc tấn công gây ra thiệt hại tối thiểu có thể bị coi là không cân xứng.
Bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy cũng có khả năng phản tác dụng, và thúc đẩy Tehran đẩy nhanh chương trình hạt nhân của mình để ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai vào lãnh thổ của mình.
Vào ngày 2/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông sẽ không ủng hộ một cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Ông Andreas Krieg, giáo sư Khoa Nghiên cứu quốc phòng của King's College London cũng chỉ ra rằng, hầu hết các cơ sở hạt nhân của Iran đều nằm sâu dưới lòng đất, bên dưới những ngọn núi.
"Đó không phải là thứ mà Israel có thể dễ dàng tiếp cận từ trên không", ông Krieg nói với Al Jazeera.
Các mỏ dầu - vốn mở và ít được bảo vệ hơn các địa điểm hạt nhân được bảo vệ nghiêm ngặt - có thể là các mục tiêu quân sự thay thế.
Việc tấn công vào ngành dầu mỏ béo bở của Iran vào thời điểm chính quyền Iran đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng của người dân về tình hình kinh tế tồi tệ của đất nước cũng có thể mang lại lợi thế chính trị cho Israel.
Tuy nhiên, theo giáo sư Krieg, ông không chắc các cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở dầu mỏ của Iran có được coi là chính đáng trong mắt cộng đồng toàn cầu hay không khi xét đến bản chất hoạt động quân sự của Tehran vào tối ngày 1/10.
Các cơ sở căn cứ hải quân Iran và tài sản hải quân của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) là những mục tiêu tiềm năng khác của Israel.
Bên cạnh thủ đô Tehran của Iran, thành phố cảng Bandar-e Bushehr, nơi có cơ sở hạ tầng năng lượng lớn và các cơ sở hải quân của Iran, là một trung tâm quan trọng, cũng được đưa vào tầm ngắm của Israel.