Trồng cây và làm đồ trang trí từ giấy tái chế
Save paper - save trees là một trong 46 dự án vinh dự lọt vào vòng chung kết cấp quốc gia của cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Microsoft Education tổ chức trong năm học 2017-2018.
Được triển khai từ đầu tháng 10/2017, dự án thu hút 60 học sinh (HS) của 8 lớp khối lớp 1 và 2 tham gia. Các em được chia làm 5 nhóm: Nhà sinh vật học, Phóng viên, Tuyên truyền viên, Nhà nghiên cứu khoa học và Nghệ nhân. Mỗi nhóm có nhiệm vụ tìm hiểu những kiến thức và tạo ra những sản phẩm khác nhau. Sau hơn một tháng mày mò học hỏi và thực hiện, những sản phẩm do chính các em tạo ra đã khiến nhiều thầy cô không khỏi bất ngờ và tự hào.
Như nhóm Nhà sinh vật học, sau quá trình tìm hiểu thông tin về thực trạng chặt phá rừng, giao lưu với các nhà sinh vật học…, các em đã tự trồng và biết chăm sóc những luống rau nhỏ nhắn ở vườn trường hay tạo ra những chậu cây để bàn, trang trí phòng học… một cách bắt mắt.
Suốt quá trình thực hiện, các em đều sử dụng công nghệ thông tin để trao đổi hoặc thực hiện, như viết thư bằng email, lưu giữ tài liệu bằng onenote, sử dụng google drive để làm các bài khảo sát, trắc nghiệm…, qua đó giảm thiểu được lượng giấy viết tay hoặc in ấn. Hoặc khi làm tranh tuyên truyền, cổ động về bảo vệ cây xanh, học kĩ nãng phỏng vấn, quay phim, viết bài cảm nhận, làm đồ handmade…, các em đều sử dụng giấy tái chế.
Một góc trưng bày các sản phẩm tái chế do các HS nhóm Nghệ nhân thực hiện |
Trưởng thành!
Cô Ngô Thị Tuyết Nhung, giáo viên triển khai dự án cho hay, ý tưởng này ra đời từ thực tế nhiều năm qua rừng bị tàn phá nhiều gây ra xói mòn, bão lũ; xem báo chí, truyền hình thấy hình ảnh nhiều nhà dân bị lũ cuốn mà xót xa. Hơn nữa, ở môn Tự nhiên xã hội, các em đã được học về cây cối, sách vở…, đó cũng là những thực thể gần gũi với các em. Từ đó, cô đã lên kế hoạch làm dự án này và chọn nội dung vừa sức với HS lớp 1, 2.
Cô Nhung nói thêm: “Qua dự án, tôi mong muốn đưa HS ra khỏi bốn bức tường của lớp học, biến những bài học trong sách vở thành những hoạt động sinh động cụ thể ngoài đời. Đưa người học từ vị trí “được dạy” thành “tự học, tự khám phá”. Dự án không chỉ có mục đích giúp các em nắm được kiến thức về cây cối và thực trạng cây rừng bị phá hủy để làm giấy, mà từ đó giúp các em có ý thức biết tham gia trồng mới cây xanh cũng như tiết kiệm giấy để góp phần bảo vệ môi trường”.
“Sau dự án, các em HS lớp 1 đã rất tự tin diễn hoạt cảnh tuyên truyền trước toàn trường. Các em là con nhà khá giả, lâu nay ít phải động tay động chân, thậm chí sợ dơ bẩn nhưng nay biết tự tay cuốc đất trồng rau. Rõ ràng kết quả các em đạt được vượt trên mong đợi của chúng tôi” – cô Nhung phấn khởi nói.
đồ trang trí từ giấy tái chế |