Cô giáo Địa lý và những tiết học sinh động

GD&TĐ - Với tâm niệm, người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn phải là người truyền lửa cho các em có niềm đam mê khám phá tri thức, phát triển bản thân, hình thành những kỹ năng sống cần thiết, thạc sĩ Lê Thị Hồng Quế, giáo viên Địa lý, Trường THPT Thủ Đức, TPHCM đã luôn tìm tòi, đổi mới sáng tạo phương pháp giảng dạy để mang đến cho HS những bài học bổ ích. 

Cô giáo Hồng Quế
Cô giáo Hồng Quế

Dành tình yêu đặc biệt cho nghề giáo

Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ, cô, dì và bác ruột đều làm nghề giáo, nên ngay từ nhỏ, cô Hồng Quế đã cảm nhận được niềm vui, hiểu được công việc “gõ đầu trẻ”.

Cô kể, bố mẹ là giáo viên, dù gia đình không giàu có về vật chất nhưng luôn tràn ngập tiếng cười. Mẹ cô từng giảng dạy môn Địa lý ở Trường THCS Cửa Nam (TP.Vinh, Nghệ An). Là một giáo viên giản dị, tâm huyết với nghề, mẹ cô đi đâu cũng được yêu quý, kính trọng.

Bao nhiêu năm trôi qua, từ những lớp học trò đầu tiên, cho đến thời điểm mẹ nghỉ hưu, học trò vẫn tới thăm mẹ nhân dịp lễ 20/11, dịp Tết khiến Hồng Quế thực sự xúc động.

“Với tôi, nghề giáo luôn là một nghề cao quý trong tất cả các nghề. Nó rất đặc biệt, khó để diễn tả hết niềm vui, hạnh phúc khi giảng bài nhìn thấy những ánh mắt say sưa chăm chú lắng nghe. Vui vì các em háo hức chờ tới bài học của cô để đợi những điều bất ngờ… hay khi nhận được những tin nhắn của học trò, của phụ huynh dành lời cảm ơn, lời động viên…”.

Vốn là một học trò giỏi Văn nhưng sau này cô chọn theo môn Địa lý. Lý giải về điều này, cô Hồng Quế chia sẻ: “Mẹ tôi là giáo viên Địa lý, từ nhỏ tôi đã được làm quen với bản đồ, quả địa cầu… trong phòng làm việc của mẹ nên thấy môn Địa lý thật thú vị. Sau này, khi vào cấp 3 - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tôi bắt đầu suy nghĩ kĩ, cùng với tư vấn của gia đình, tôi đã chọn chuyên Địa để học.

Học và dạy môn Địa lý giúp tôi mở rộng được nhiều kiến thức về tự nhiên, kinh tế - xã hội - văn hóa của Việt Nam và các quốc gia, các khu vực trên thế giới để thỏa trí tò mò. Đồng thời, trong quá trình tìm hiểu, tôi vận dụng được rất nhiều kiến thức địa lí vào cuộc sống và chia sẻ với mọi người xung quanh, đặc biệt là nhận thức và thái độ đối với việc bảo vệ môi trường và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông”.

Theo học ngành Địa lý, cô tỏ ra say mê và nhận thấy đó là sự lựa chọn phù hợp. Bởi học Địa lý, cô được đi nhiều nơi, khám phá nhiều vùng miền, trải nghiệm cuộc sống cùng với người dân ở các địa phương khác nhau rất thú vị.

Đam mê với ngành học đã thôi thúc cô sinh viên trẻ Hồng Quế đến với nghiên cứu khoa học và hai năm liên tiếp cô giành giải Nhì cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka do Thành đoàn TPHCM phát động, với đề tài Mô hình nhà ở cho công nhân nhập cư ở Bình DươngTác động của đô thị hóa đến lối sống người dân quận Thủ Đức.

Với những dự định dài hạn, sau khi tốt nghiệp ĐH, cô nỗ lực vừa làm vừa học, trau dồi thêm kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đã hoàn thành chương trình thạc sĩ Địa lí tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, trước khi chính thức bước vào Trường THPT Thủ Đức.

Cô giáo Hồng Quế (thứ ba từ trái qua) nhận bằng khen của Thành đoàn TPHCM

Cô giáo Hồng Quế (thứ ba từ trái qua) nhận bằng khen của Thành đoàn TPHCM

Những đổi mới sáng tạo trong giảng dạy

Cô Hồng Quế chia sẻ, khi mới chập chững vào nghề giáo, trong một vài lần lên lớp, ban đầu cô nghĩ, sẽ đem hết kiến thức mà mình có chia sẻ hết cho học sinh, nói hết “ruột gan” của mình trong tiết học để các em hiểu.

Nhưng rồi cô chợt nhận ra: Điều quan trọng không phải là truyền tải thật nhiều kiến thức mình có được cho HS, mà là hướng dẫn phương pháp học, tạo cảm hứng giúp các em khám phá, tìm hiểu điều các em cần và giúp các em tự học tích cực, truyền cho các em ngọn lửa say mê với tri thức mới là quan trọng nhất. Vì thế, mỗi tiết lên lớp, cô đều cân nhắc phương pháp và lượng kiến thức sao cho phù hợp với năng lực, thái độ từng đối tượng học sinh trong mỗi lớp.

Và rồi cô giáo trẻ tâm huyết đã không ngừng tự đổi mới mình, học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, thiết kế những bài giảng sinh động cho học trò, lấy học trò làm trung tâm của bài giảng.

Những hình ảnh, clip, những câu chuyện, những dự án dạy học được cô đưa vào tiết học giúp trò thích thú. Ví dụ như với HS lớp 10, môn Địa có bài về 3 ngành: Kinh tế Nông Lâm, công nghiệp và dịch vụ.

Ngoài kiến thức SGK, cho HS có những hiểu biết sâu hơn, rộng hơn, đồng thời lồng ghép hướng nghiệp vào tiết học, cô đã xin phép Ban giám hiệu, tự liên hệ với các địa điểm như Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Khu công nghệ cao và hướng dẫn các em đến các siêu thị, chợ… để tìm hiểu về các ngành kinh tế hiện nay.

Không chỉ hiểu kĩ, sâu hơn về các ngành nghề, mà qua hoạt động này, các em còn tự bản thân hướng nghiệp cho mình, rèn luyện kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm, biết sắp xếp thời gian…

Cô Hồng Quế cũng hướng dẫn HS tham gia cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn giải quyết tình huống thực tiễn. Cô và trò rất vui mừng khi đề tài “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng mảng xanh trường học” đạt giải Nhất Quốc gia; đề tài “Chung tay bảo vệ môi trường trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn tại Trường THPT Thủ Đức” đạt giải Khuyến khích Quốc gia. Những kết quả đạt được càng tiếp thêm động lực cho cô và học trò phấn đấu, nỗ lực hơn nữa tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu.

Với cô, nghiên cứu khoa học không phải chỉ để đi thi, để đạt thành tích mà điều quan trọng là cô mong muốn hướng dẫn cho HS của mình rèn luyện được các kĩ năng xây dựng một ý tưởng gắn liền việc vận dụng kiến thức tổng hợp nhiều môn học, giúp bản thân và những người xung quanh giải quyết được những vấn đề đang tồn tại hoặc cải thiện tốt hơn cuộc sống.

Thêm vào đó, thông qua việc thực hiện đề tài các em biết lắng nghe hơi thở của cuộc sống, rèn luyện kĩ năng viết bài và hệ thống kiến thức khoa học, sử dụng thành thạo một số công cụ nghiên cứu, thực hành kĩ năng đặt câu hỏi, phỏng vấn sâu để làm rõ vấn đề cần tìm hiểu đến cùng.

Không chỉ có những bài giảng cuốn hút, nhắc đến cô Hồng Quế, học sinh của trường Thủ Đức luôn dành cho cô sự ưu ái đặc biệt với những lời khen có cánh. Rất nhiều lời khen, nhiều tin nhắn gửi riêng cho cô giáo về sự thân thiện, sự ấm áp, cởi mở, sự yêu thương dành cho trò.

“Cô ơi! Con đã từng nghe mọi người nói là giáo viên cấp 3 sẽ ít chăm lo cho học sinh của mình, bởi vì họ muốn học sinh của họ lớn, học sinh của họ có thể tự chăm lo cho mình. Nhưng từ khi gặp cô thì mọi định kiến trong con đã khác. Con thấy cô là một người sống vô cùng tình cảm, cô ân cần với bọn con như là một đứa trẻ. Con ấn tượng với cô ở điểm ấy! Con không phải là người hay gặp may mắn nhưng gặp cô là một điều may mắn của mình!” - một trong số những tin nhắn mà cô Hồng Quế nhận được.

Đón nhận những tình cảm của học trò, cô giáo trẻ càng có thêm nhiều động lực để nỗ lực, phấn đấu vì sự nghiệp trồng người.

Cô tâm sự, theo nghề nào cũng vậy, đam mê và tình yêu dành cho nó sẽ vượt qua mọi thứ thách, khó khăn. Là một nhà giáo, cô luôn nỗ lực hết mình, tự thắp lửa cho mình để theo đuổi đến cùng sự nghiệp trồng người.

Từ khi về Trường THPT Thủ Đức đến nay, ngoài giờ lên lớp, cô còn kiêm nhiệm công tác Trợ lý Thanh niên. Hoạt động Đoàn cùng với các em học sinh cũng tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức, nhất là những ngày cuối tuần nhưng cô lại rất vui và tâm huyết với nhiệm vụ được phân công.

Cô Quế chia sẻ: “Làm Đoàn giúp tôi hiện thực hóa những ý tưởng ấp ủ trong đầu, sáng tạo nhiều hơn và cảm giác như mình được trẻ lại. Tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ các em học sinh.

Học sinh bây giờ nói chung và học sinh THPT Thủ Đức nói riêng thực sự rất giỏi và có nhiều điều kiện tốt, nhiều hoạt động bổ ích để tham gia và rèn luyện bản thân. Tôi rất yêu quý tụi nhỏ và cũng hết lòng với các em trong khả năng của mình”. Cô cũng vinh dự được Thành đoàn TPHCM 3 lần tặng bằng khen ghi nhận những đóng góp trong hoạt động Đoàn và phong trào Thanh niên khu vực trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ