Tiết học… Sinh nhật thầy

Tiết học… Sinh nhật thầy

(GD&TĐ) - Tôi có đứa em gái con dì ruột năm nay đang học lớp 12 trường THPT X. Em gọi điện hay email thường nhờ tư vấn từ xa một số việc. Nhưng bỗng dưng lần này con bé chuyển hướng, nằng nặc đòi gặp tôi cho bằng được, dù dặm trường cũng khá cách trở.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Khác với những lần trước vô tư cười nói huyên thuyên, lần này, con bé cứ ấp a ấp úng kể: “Hôm rồi em có mượn của bạn 300.000 đồng đóng vào quỹ lớp để tổ chức… Sinh nhật thầy. Thầy giáo lớp em trẻ lắm, lần đầu được phân công chủ nhiệm, dạy môn Giáo dục công dân. Vì môn học này chưa bao giờ nằm trong các môn thi tốt nghiệp, lại là tiết cuối buổi chiều (tiết 5) của ngày thứ Bảy. Hơn nữa hôm ấy đúng ngày sinh nhật thầy nên lớp đề nghị… cho nghỉ xả hơi, thay vào đó là tổ chức sinh nhật cho thầy”.

Nghe em tường thuật đầu đuôi ngọn ngành, tôi chạnh buồn nhưng chưa vội rút “hầu bao” lì xì vì thắc mắc góp vào số tiền quá lớn so với độ tuổi đang còn ăn học của các em và mặt bằng mức sống người dân quê tôi để “Happy birthday” thầy. Với mong muốn nhận được sự “tiếp tế” để “hoàn vốn” lại cho bạn theo đúng lịch hẹn, nên con bé nói tiếp: “Đóng vào ngần ấy tiền vừa chúc mừng sinh nhật thầy, vừa liên hoan chia tay lớp sớm, một công đôi việc chị à. Nếu không thì…”. Nghe em giải thích cặn kẽ tới đây thì tôi đã tường minh được mọi việc.

Hiện nay, có thực trạng đáng buồn là một số trường THPT trong thời điểm “nước rút” và khá nhạy cảm này, mặc dù chưa tới thời điểm thi hết học kỳ II nhưng tùy tiện bỏ trống, khoán trắng hay cắt xén chương trình, cắt xén các môn học được coi là phụ để nhường chỗ, lấy sức chạy đua, dành quyền ưu tiên và tập trung “cao độ” vào 6 môn thi tốt nghiệp THPT.

 Như chúng ta đã biết, các môn học đều có vị trí, vai trò và tầm quan trọng như nhau, góp phần vào việc hình thành nhân cách đạo đức và phát triển học sinh một cách toàn diện. Nhiều trường cần tránh tình trạng “nhất bên trọng nhất bên khinh” giữa các môn học trong chương trình mà Bộ GD & ĐT đã ban hành.

Có lẽ, vì tâm lý xem nhẹ bộ môn của mình đang giảng dạy, lại “nuông chiều” học trò quá mức. Hơn nữa, do sự buông lỏng về mặt quản lý của Ban giám hiệu nhà trường, khiến thầy giáo lẫn các học trò coi thường nội quy, phép tắc, kỷ cương trường lớp, và hiển nhiên là vi phạm quy chế chuyên môn (đối với thầy giáo).

Dân tộc Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo. Vào những dịp lễ lạt hay những ngày đặc biệt khác. Các trò thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân đối với những người có công lao dạy dỗ là việc nên làm, đáng trân trọng. Nhưng có nên không vào ngày sinh nhật của thầy lại tổ chức hoành tráng, rườm rà, câu nệ như tập thể lớp 12 trên, để rồi em phải thắc thỏm âu lo?

“Tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Đừng bao giờ than vãn rằng, học sinh bây giờ thực dụng lắm, vô cảm lắm, coi trọng môn chính, phân ban; xem nhẹ môn phụ. Khi mà bản thân người “kỹ sư tâm hồn” tự “tẩy chay” chính mình và chưa nêu được tấm gương về lòng đam mê học tập, tự học và sáng tạo.

 Thiên Thu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ