Hằng năm, bằng nhiều nguồn vốn, chương trình lồng ghép tỉnh đã ưu tiên bố trí vốn xóa phòng học tạm, tuy nhiên do nguồn lực còn nhiều hạn chế, khả năng cân đối mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thực tiễn. Do đó, chưa thực sự bảo đảm các điều kiện dạy và học cho giáo viên và học sinh.
Bộ GD&ĐT cho biết: Về các chương trình, đề án, dự án giai đoạn 2016 - 2020, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ phê duyệt các đề án: Kiên cố hóa trường lớp học; Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới; Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông (GDPT) giai đoạn 2017 - 2025.
Đối với các chương trình Bộ trực tiếp bố trí ngân sách đã có sự quan tâm và ưu tiên cho tỉnh Lai Châu là một trong những địa bàn khó khăn, cụ thể: Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 tổng vốn là: 257,770 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 194,820 tỷ đồng; ngân sách địa phương 64,950 tỷ đồng). Đề án Kiên cố hóa trường lớp học tổng vốn là: 220,141 tỷ (vốn trái phiếu Chính phủ là 205,500 tỷ đồng).
Đối với Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017 - 2025, Bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội cân đối nguồn để hỗ trợ các địa phương thực hiện đề án. Đề nghị UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư hàng năm lập dự toán, cân đối vào dự toán địa phương báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư bố trí ngân sách địa phương để thực hiện.
Về định hướng xây dựng các chương trình, đề án, dự án đầu tư giai đoạn 2021 - 2025: Ngày 27/4/2020, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 1449/BGD&ĐT-CSVC gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Quốc hội và Chính phủ về đề xuất định hướng thực hiện và danh mục các chương trình mục tiêu về giáo dục, đào tạo giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt, Bộ GD&ĐT sẽ có các hướng dẫn cụ thể để các địa phương trong đó có tỉnh Lai Châu triển khai các Chương trình theo mục tiêu, nhiệm vụ được Thủ tướng giao nhằm kiên cố hóa trường lớp học, tăng cường cơ sở vật chất cho Chương trình phổ thông mới.
Bộ GD&ĐT kiến nghị với HĐND, UBND tỉnh Lai Châu: Cân đối bố trí nguồn vốn của địa phương để đối ứng đủ tỷ lệ theo quy định nhằm thực hiện các chương trình, đề án như: Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, Đề án kiên cố hóa trường lớp học… khẩn trương triển khai thực hiện, giải ngân vốn kịp thời để đưa các công trình vào sử dụng. Phân bổ ngân sách giai đoạn 2021 – 2025, tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 và Khoản 1 Điều 96 Luật Giáo dục năm 2019 bảo đảm phân bổ tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Ưu tiên kinh phí huy động từ tất cả các nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT bảo đảm lộ trình theo quy định tại Nghị quyết số 51/2017/NQ-QH của Quốc hội.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025; Thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các nguồn vốn ngân sách đầu tư phát triển giáo dục. Thực hiện công tác xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật, trong đó các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của cá nhân, tổ chức tài trợ, đóng góp, quản lý và sử dụng theo Thông tư số 16/2018/TT-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, tăng mức đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học cho các địa phương trong đó có tỉnh Lai Châu.