Người phát ngôn chính phủ Moldova Daniel Voda mới đây đã bình luận về việc ban bố tình trạng khẩn cấp năng lượng quốc gia vào đầu tuần này là "cái giá xứng đáng để thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga".
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình địa phương Exclusiv TV, ông Voda lập luận rằng, Moldova không nên sợ bị tước mất nguồn năng lượng của Nga. Đây là khả năng mà Moldova phải đối mặt sau khi Ukraine tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Nga bắt đầu từ năm sau.
Moldova nhận khí đốt từ đường ống của Nga thông qua mạng lưới trung chuyển của Ukraine theo hợp đồng 5 năm với Gazprom, dự kiến hết hạn vào ngày 31 tháng 12.
Ukraine đã nhiều lần tuyên bố rằng thỏa thuận sẽ không được gia hạn và lưu lượng sẽ giảm xuống mức 0 vào ngày 1 tháng 1, bất chấp những lo ngại từ các quốc gia châu Âu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga.
Đầu tháng này, Phó Thủ tướng Moldova Oleg Serebrian đã cảnh báo rằng Ukraine khó có thể đồng ý tiếp tục quá cảnh "chỉ vì... Moldova", và quốc hội nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc trong 60 ngày bắt đầu từ ngày 16 tháng 12, bao gồm cả việc cắt điện theo kế hoạch, với lý do viễn cảnh "thiếu hụt nguồn năng lượng" và "bất ổn" liên quan đến nguồn cung cấp năng lượng phát sinh từ quyết định của Kiev.
Động thái này đã gây ra các cuộc tranh luận và cáo buộc tại nước này, giữa đảng cầm quyền ủng hộ EU và phe đối lập, những người cáo buộc chính phủ quản lý sai tình hình năng lượng. Nhiều người cũng cảnh báo rằng đất nước có thể sớm phải đối mặt với việc tăng giá điện trong bối cảnh nguồn cung khí đốt không đủ.
Tuy nhiên, ông Voda trước đó đã đổ lỗi cho tình hình là do hành động gây bất ổn của Nga chứ không phải do lỗi của Ukraine. Ông cũng khẳng định rằng, mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch.
“Việc có thể tăng giá điện chắc chắn là cái giá của tự do, điều mà chúng ta đã nói đến trong 30 năm qua" - ông Voda tuyên bố, ám chỉ đến sự sụp đổ của Liên Xô dẫn tới việc Moldova được thành lập như một quốc gia độc lập.
Ông lập luận rằng Moldova đã làm rất nhiều để đảm bảo an ninh năng lượng của mình trong giai đoạn đó, báo hiệu rằng họ nên tiếp tục làm như vậy mà không cần dựa vào Nga.
Moldova đã theo đuổi đường lối không thân thiện với Nga kể từ năm 2020, khi Tổng thống thân EU Maia Sandu lên nắm quyền. Chính phủ của bà đã tích cực thúc đẩy tư cách thành viên EU và NATO cho đất nước, và Moldova đã được Brussels cấp tư cách ứng cử viên vào năm 2022.
Trong khi đó, Nga cho biết họ sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt qua Ukraine sau năm 2024. Moscow nhiều lần cảnh báo rằng EU sẽ tự "tự sát năng lượng" bằng cách từ chối nguồn cung cấp.
Hungary và Slovakia, hai quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng của Nga, đã lên tiếng bày tỏ những lo ngại tương tự.