Bà Merkel nói sự thật về thỏa thuận khí đốt với Nga

GD&TĐ -Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây cho biết, việc mua khí đốt tự nhiên từ Nga là một thỏa thuận tốt, đôi bên cùng hưởng lợi.

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Bà Angela Merkel, người từng giữ chức thủ tướng Đức từ năm 2005 đến năm 2021, đã có mặt tại Paris tuần này để quảng bá cho cuốn hồi ký của mình.

Bà đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh truyền hình nhà nước France 2, trong đó bà được hỏi về mối quan hệ năng lượng của Đức với Nga.

“Việc mua bán khí đốt với Nga có truyền thống lâu đời. Nó bắt đầu từ thời Chiến tranh Lạnh, và tiếp tục trong suốt thời gian tôi tại nhiệm. Tôi không nghĩ đó là một sai lầm, vì chúng tôi đã mua được khí đốt của Nga với giá ưu đãi”, bà Merkel nói trong cuộc phỏng vấn được phát sóng vào tối ngày 9/12.

"Đây là tình huống đôi bên cùng có lợi", cựu Thủ tướng Đức nhấn mạnh.

Sau khi xung đột Nga-Ukraine leo thang, Đức đã phải tìm nguồn mua khí đốt ở nơi khác với giá đắt đỏ, bà Merkel cho biết, đồng thời lưu ý rằng, điều này sẽ không xảy ra nếu bà còn nắm quyền.

“Tôi tin rằng, việc mua khí đốt với giá cả phải chăng nhất là hợp lý”, bà nói với France 2.

Trước đó, cựu Thủ tướng Đức cũng bảo vệ quyết định xây dựng Nord Stream 2, lưu ý rằng, bà "không có sự ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp, nên giao dịch khí đốt với Nga" đã phải dừng vào thời điểm đó.

Dự án được khởi động vào năm 2015, và đường ống đầu tiên được lắp đặt vào năm 2018.

Trong khi chính phủ của người kế nhiệm Merkel, Olaf Scholz, cáo buộc Moscow "cắt" khí đốt cho Đức, đối tác liên minh của ông là Robert Habeck đã có động thái chấm dứt hoạt động buôn bán năng lượng từ lâu trước khi xung đột Ukraine, và lệnh trừng phạt của EU đối với Nga tạo ra cái cớ.

Lãnh đạo Đảng Xanh đã trình bày việc từ bỏ khí đốt để chuyển sang "năng lượng tái tạo" là một lựa chọn chính sách có trách nhiệm với môi trường.

Do đó, Berlin đã từ chối chứng nhận đường ống Nord Stream 2 mới hoàn thành vào tháng 1/2022.

Nord Stream 1 đã bị phá hủy bởi một loạt vụ nổ dưới nước vào tháng 9/2022. Các cuộc điều tra của Đức, Thụy Điển và Đan Mạch vẫn chưa chỉ ra thủ phạm, mặc dù các phương tiện truyền thông Đức đưa tin đã đổ lỗi cho một nhóm người Ukraine "bất hảo".

Một trong những tuyến đường ống Nord Stream 2 vẫn an toàn sau vụ đánh bom, và vẫn có thể cung cấp khí đốt cho Đức nếu Berlin thay đổi chính sách và chứng nhận đường ống.

Việc mất nguồn khí đốt từ Nga và phải phụ thuộc vào nguồn khí đốt thay thế đắt đỏ hơn nhiều từ Mỹ đã đẩy giá năng lượng ở Đức vượt quá khả năng chi trả của nhiều doanh nghiệp công nghiệp, gây ra làn sóng đóng cửa và phá sản.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12/2022, bà Merkel tiết lộ rằng, Đức và Pháp coi Thỏa thuận Minsk - một khuôn khổ để giải quyết hòa bình tranh chấp giữa Kiev và hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass - như một trò chơi kéo dài thời gian cho đến khi phương Tây có thể trang bị vũ khí cho Ukraine để đối đầu với Nga.

Cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande đã xác nhận tuyên bố của bà Merkel.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ