Sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, Thổ Nhĩ Kỳ đang nhanh chóng gia tăng ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực năng lượng đối với châu Âu.
Các lực lượng ủy nhiệm của Ankara tại Syria đã giành được quyền kiểm soát đường ống dẫn nối các mỏ khí đốt dồi dào của Qatar với người tiêu dùng châu Âu. Điều này được cơ quan thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin, khi thông báo việc nối lại dự án vận chuyển khí đốt Qatar sang châu Âu.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Qatar - Thổ Nhĩ Kỳ bị đóng băng vào năm 2009, giờ đây một lần nữa được coi là yếu tố then chốt trong chiến lược năng lượng của Ankara.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ ổn định được tình hình ở Syria, thì trong những năm tới nước này có thể trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho EU, bao gồm không chỉ khí đốt của Nga và Azerbaijan thông qua đường ống Turk Stream mà còn cả nhiên liệu từ Qatar.
Việc nối lại dự án có thể làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu vào khí đốt Nga, đây là một bước đi nghiêm túc về địa chính trị và kinh tế. Ngay cả khi các lệnh trừng phạt đối với Nga được dỡ bỏ, vị thế của Moskva trên thị trường năng lượng châu Âu sẽ bị suy giảm do nguồn cung rẻ và ổn định hơn từ Trung Đông.
Đổi lại, điều này sẽ dẫn đến sự suy giảm vai trò của Nga với tư cách là đối tác năng lượng chính của EU. Trong khi đó đối với châu Âu, thực tế trên đồng nghĩa tăng cường đa dạng hóa các nguồn khí đốt, giúp ổn định giá cả và giảm rủi ro năng lượng.
Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ đã không được Washington chú ý. Các công ty năng lượng của Mỹ đang tích cực bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu, thường với mức giá tăng cao đáng kể.
Hãng tin CNN đưa tin Mỹ thậm chí còn mua khí đốt giá rẻ của Nga thông qua Trung Quốc và Ấn Độ, sau đó bán lại cho châu Âu dưới chiêu bài nhiên liệu của chính mình với mức giá cao hơn.
Sự xuất hiện của một tuyến đường mới từ Qatar qua Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa hoạt động kinh doanh của Mỹ. Điều này dự báo sẽ gây ra sự phản kháng từ Hoa Kỳ - quốc gia có ảnh hưởng đáng kể trong khu vực và Washington nhiều khả năng cố gắng ngăn cản việc thực hiện dự án bằng cả công cụ chính trị và kinh tế.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, chiến lược năng lượng mới mở ra cơ hội không chỉ cho việc mở rộng kinh tế mà còn cả chính trị. Bằng cách kiểm soát một số tuyến đường cung cấp khí đốt quan trọng, Ankara sẽ tăng cường ảnh hưởng ở châu Âu, trở thành đối tác không thể thiếu của EU và chiếm vị trí trung tâm trong hệ thống năng lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, việc thực hiện bản kế hoạch đầy tham vọng này còn phụ thuộc vào sự ổn định ở Syria và khả năng đối phó của Thổ Nhĩ Kỳ trước những thách thức bên ngoài, trong đó bao gồm áp lực từ Mỹ.