Đó là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai năm học mới 2023-2024. Hội nghị do Bộ GD&ĐT tổ chức vào chiều 18/8, tại Hà Nội.
Chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước
Thủ tướng yêu cầu, trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc trong giáo dục và đào tạo.
Nhấn mạnh đến quan điểm phát triển giáo dục, đào tạo trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; là vấn đề đặc biệt quan trọng, có phạm vi tác động lớn nên cần đổi mới những vấn đề cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện.
Phát triển giáo dục, đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc; tiến bộ khoa học công nghệ; phù hợp quy luật khách quan; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, sáng tạo của nhân dân và toàn xã hội. Các cơ chế, chính sách về giáo dục, đào tạo phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội nghị. |
Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp. Công tác xây dựng và triển khai kế hoạch đổi mới giáo dục đào tạo phải được thực hiện khoa học, bài bản, kĩ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn.
Giáo dục, đào tạo phải bám sát tư tưởng: lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực; vận hành hiệu quả mối quan hệ “Nhà trường - Học sinh - Giáo viên”; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. |
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới giáo dục
Thủ tướng yêu cầu, Bộ GD&ĐT cần tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo; Chiến lược phát triển giáo dục, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.
Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới giáo dục đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và sớm công bố Phương án thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, khẩn trương ban hành các chiến lược, quy hoạch thời kỳ 2021-2030 về phát triển giáo dục, đào tạo và các quy hoạch khác có liên quan.
Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới của đất nước. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc biên soạn sách giáo khoa điện tử, sách giáo tiếng dân tộc thiểu số, thử nghiệm và sử dụng sách chữ nổi cho người khiếm thị.
Cùng với đó, cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp yêu cầu tình hình thực tiễn ở các địa phương.
Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm và các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông về nội dung, đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục theo Chương trình GDPT 2018.
Cần đẩy mạnh tự chủ giáo dục trên tinh thần “không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội” với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp với lộ trình cụ thể, rõ ràng để các cơ sở giáo dục tự chủ về chuyên môn, kinh phí nhưng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Tiếp tục rà soát, kiểm tra việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học đáp ứng nhu cầu của người học trong giai đoạn tiếp theo gắn với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, địa phương, xu hướng đô thị hóa, tốc độ gia tăng và sự dịch chuyển dân số giữa các vùng, miền, khu vực, đặc biệt là khu đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đặc biệt, cần tăng cường thông tin truyền thông về những chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới giáo dục, tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân; phát hiện và tuyên truyền về những tấm gương giáo viên, học sinh tiêu biểu để tạo sức lan tỏa trong xã hội; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai lệch, xuyên tạc về giáo dục. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng số, điện, đường truyền internet, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, xóa các “điểm lõm” về sóng và internet...
Thủ tướng yêu cầu, Bộ GD&ĐT sớm công bố Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. |
Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ngành cần có giải pháp hiệu quả phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất lao động; chú trọng phát triển kỹ năng mềm, ngoại ngữ, kỹ năng số, thích ứng với xu thế phát triển của công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Riêng với Bộ GD&ĐT, Thủ tướng yêu cầu, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy xã hội hóa, thu hút nguồn lực cho phát triển giáo dục, đào tạo; có chính sách ưu tiên, ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp tham gia từ khâu đào tạo, thực hành đến sử dụng. Triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 bảo đảm nghiêm túc, khách quan, sát thực tiễn, làm cơ sở để tham mưu với Bộ Chính trị ban hành văn bản chỉ đạo nhằm tạo đột phá trong đổi mới giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.
Bộ GD&ĐT cần sớm công bố Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để các thầy giáo, cô giáo và học sinh có định hướng cho hoạt động dạy, học và ôn thi, tạo sự yên tâm cho phụ huynh học sinh. Đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, đảm bảo nghiêm túc, gọn nhẹ, giảm áp lực nhưng vẫn phải nâng cao chất lượng.
Bộ GD&ĐT cũng cần nghiêm túc thực hiện Kết luận của Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó chú trọng bảo đảm điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; công tác cung ứng và giá thành sách giáo khoa.
Gợi mở một số vấn đề cần triển khai thực hiện trong năm học mới, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết không để ma túy xâm nhập học đường, khắc phục tình trạng bạo học đường. Chương trình, sách giáo khoa cần tiếp tục đổi mới nhưng cũng cần chuẩn mực và ổn định phát triển. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục thường xuyên. Rà soát việc dạy học môn Giáo dục công dân trong trường phổ thông. Có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên (nhất là giáo viên mầm non), thiếu trường học ở các vùng sâu, xa, biên giới hải đảo…