Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển

GD&TĐ - Tỉnh ủy Hải Dương đã xây dựng, triển khai Chương trình hành động với quan điểm "đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển".

Cô và bé Trường Mầm non Tân Dân (Kinh Môn, Hải Dương). Ảnh: Website của Sở GD&ĐT Hải Dương.
Cô và bé Trường Mầm non Tân Dân (Kinh Môn, Hải Dương). Ảnh: Website của Sở GD&ĐT Hải Dương.

Nhiều kết quả tích cực

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng, giáo dục và đào tạo được Đảng ta xác định là quốc sách hàng đầu, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; trực tiếp tham gia vào việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vững mạnh về mọi mặt; góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Sau khi Nghị quyết 29 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29), Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành, Tỉnh ủy Hải Dương đã xây dựng, triển khai Chương trình hành động với quan điểm xuyên suốt "coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu"; "đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển".

Thí sinh tỉnh Hải Dương dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Thí sinh tỉnh Hải Dương dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Tỉnh Hải Dương đã nghiêm túc chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, tỉnh Hải Dương đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, giai đoạn 2013-2023, ngân sách chi cho giáo dục luôn đạt 42% chi thường xuyên toàn tỉnh, chiếm 26% tổng chi ngân sách của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 12/12 huyện, thị xã, thành phố; 235/235 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở các độ tuổi đều vượt so với các mục tiêu đề ra. Tỷ lệ huy động số trẻ trong độ tuổi đi học tiểu học đạt 100%; tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98,61%.

Cô - trò Trường THCS Vũ Hữu (Bình Giang, Hải Dương). Ảnh: Website của Sở GD&ĐT Hải Dương.

Cô - trò Trường THCS Vũ Hữu (Bình Giang, Hải Dương). Ảnh: Website của Sở GD&ĐT Hải Dương.

Còn những hạn chế, khó khăn

Hàng năm có khoảng 1.200 học sinh khuyết tật được học hoà nhập (đạt tỷ lệ 82,5%). Tiếp tục duy trì và thực hiện tốt công tác giáo dục bơi cho học sinh, toàn tỉnh hiện có 125 bể bơi, đạt tỷ lệ 49,1% số trường có bể bơi.

Giai đoạn 2020 - 2022, thứ hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT có chuyển biến tích cực, Hải Dương trong tốp 15 tỉnh có kết quả tốt nhất. Công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia được duy trì và phát triển, giữ vững vị trí tốp 10 các tỉnh, thành phố về thành tích thi học sinh giỏi quốc gia.

Tỉnh chú trọng thực hiện đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Hiện, 100% đơn vị trường học đã hoàn thành xây dựng đề án vị trí việc làm. Thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, tạo sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quản lý, dạy học.

Cũng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng chỉ rõ, việc triển khai thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Cơ sở vật chất nhiều nhà trường còn thiếu thốn, chưa đáp ứng theo yêu cầu, nhất là so với các quy định mới của Trung ương.

Học sinh Trường Tiểu học Cổ Dũng (Kim Thành, Hải Dương) đọc sách tại thư viện hoa của nhà trường. Ảnh: Website của Sở GD&ĐT Hải Dương.

Học sinh Trường Tiểu học Cổ Dũng (Kim Thành, Hải Dương) đọc sách tại thư viện hoa của nhà trường. Ảnh: Website của Sở GD&ĐT Hải Dương.

Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa thiếu cục bộ tại địa phương. Việc thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vai trò quản lý nhà nước, phối hợp trong công tác quy hoạch, xây dựng trường lớp, dự báo tăng dân số gắn với sự phát triển giáo dục còn hạn chế.

Hiệu quả, tỷ lệ phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh còn thấp. Việc hợp tác liên doanh, liên kết đào tạo quốc tế trong giáo dục phổ thông, nhất là đào tạo, dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp hiệu quả chưa cao.

Chất lượng giáo dục toàn diện ở một số nơi, trong đó có cơ sở giáo dục tư thục còn thấp. Đặc biệt là việc ban hành cơ chế, chính sách xã hội hóa, thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa có sức thu hút lớn.

Từ năm 2013-2023, đã có tổng số 815 học sinh đạt giải quốc gia, trong đó có 28 giải Nhất, 200 giải Nhì, 277 giải Ba và 310 giải Khuyến khích; có 5 học sinh đạt giải thi Olympic quốc tế và Khu vực, trong đó có 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc quốc tế; 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng khu vực. Hải Dương có 43 dự án tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, đạt 3 Giải Nhất, 6 giải Nhì, 7 giải Ba và 9 giải Tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ