Thành công từ chỉ đạo quyết liệt và tinh thần cầu thị
Ấn tượng đầu tiên ông Trịnh Ngọc Thạch chia sẻ là những đổi mới và chỉ đạo kiên quyết thực hiện đổi mới về thi kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực của học sinh. Trong đó có hai việc là triển khai Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học và đổi mới kỳ thi THPT quốc gia.
Ông Thạch cho rằng, Thông tư 30 dù thời gian đầu triển khai còn một số khó khăn, nhưng tình thần của Thông tư này rất hay, rất đúng và Bộ GD&ĐT cũng đã, đang vào cuộc quyết liệt. “Với tinh thần này, chúng ta sẽ làm được” - Ông Trịnh Ngọc Thạch khẳng định.
Đến nay, đã đi được nửa chặng đường, kỳ thi này đã làm được 3 việc. Đó là: Tỷ lệ tốt nghiệp THPT có vẻ gần với chất lượng thực; tạo tạo thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển và cuối cùng là tạo điều kiện cho phân luồng.
“Tôi đọc được thông tin, các trường phía Nam, tỷ lệ rút hồ sơ từ trường ĐH để đăng ký xét tuyển vào CĐ nhiều. Đây là xu hướng tốt” – Phó Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội khẳng định.
Ngoài ra, kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh, cùng với quy định không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 của Bộ GD&ĐT còn có ý nghĩa giảm tải rất lớn.
Ấn tượng thứ hai được ông Trịnh Ngọc Thạch nhắc đến là sự phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là đội ngũ giáo viên mầm non. Theo đó, chúng ta đã làm được một việc rất quan trọng là đưa một nghìn giáo viên mầm non vào biên chế.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để có khả năng tiếp cận với Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới. Làm được và rất quyết liệt, đó cũng là một dấu ấn của ngành Giáo dục mà ông Trịnh Ngọc Thạch ghi nhận trong thời gian qua.
Ấn tượng thứ ba là việc triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thực hiện quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án chương trình và sách giáo khoa mới. Lộ trình này, Bộ GD&ĐT đang đi rất đúng với các bước đi đầy thận trọng.
Cuối cùng, ông Trịnh Ngọc Thạch cũng ấn tượng với kết quả ngành Giáo dục đạt được trong thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đến nay đã có 33 tỉnh thành hoàn thành phổ cập, đó là một cố gắng rất cao. Đặc biệt, các tỉnh thành được công nhận đều xứng đáng.
Ông Thạch bày tỏ quan điểm: Mặc dù theo lộ trình, đến hết năm 2015, các tỉnh thành đều phải hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, nhưng chúng ta không nên cố bằng mọi giá phải đạt được điều này.
Mong tăng nguồn ODA cho giáo dục
Cho biết đang thực hiện giám sát về vốn ODA trong giáo dục, ông Trịnh Ngọc Thạch chia sẻ: Vốn ODA giáo dục quá ít so với các ngành khác, mặc dù giáo dục sử dụng ODA rất hiệu quả. “Tôi mong muốn, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ trình Quốc hội thêm một số vốn ODA trong chương trình mục tiêu quốc gia” – Ông Thạch đề nghị.
Ngoài vấn đề này, ông Thạch cho rằng, dù những đổi mới của ngành Giáo dục rất tốt, nhưng vẫn còn vấn đề về công tác tuyên truyền, công tác tiếp cận công chúng. Bởi vậy, ngay cả giáo viên, nhiều người vấn chưa hiểu hết, do đó dẫn đến phân tâm, khó tập trung.
Mong sau này tiếp tục có đổi mới, Bộ GD&ĐT nên tập trung tuyên truyền, phổ biến, giải thích, đặc biệt tập trung vào khu vực sự phân tâm còn nhiều sự phân tâm để đạt được sự đồng thuận cao.
“Cuối cùng, tôi cho rằng, ngay sau đây, chúng ta nên tập trung để tổng kết, rút kinh nghiệm về kỳ thi THPT quốc gia để tổ chức kỳ thi năm sau được tốt hơn” – Ông Trịnh Ngọc Thạch đề nghị.