Tiếp sức cho nghệ thuật đường dài

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nghệ thuật là con đường vô cực, không cùng đích trong khi thời gian là hữu hạn.

Triển lãm 'Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua' diễn ra đồng thời tại The Muse Artspace (Hà Nội) và Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.
Triển lãm 'Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua' diễn ra đồng thời tại The Muse Artspace (Hà Nội) và Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.

Nghệ thuật là con đường vô cực, không cùng đích trong khi thời gian là hữu hạn. Đó là lý do để 6 họa sĩ nổi tiếng nắm tay nhau cùng tổ chức một triển lãm mang tên “Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua”.

Trăm tranh “gói” 1 tuần

Triển lãm “Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua” được giám tuyển bởi nhà nghiên cứu nghệ thuật Vân Vi với hơn 100 tác phẩm của 6 họa sĩ bao gồm: Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Văn Trinh, Triệu Khắc Tiến, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Quang Trung và Nguyễn Đình Sơn - trong sự lựa chọn đa dạng về chất liệu từ sơn mài, lụa, sơn dầu, acrylic với nhiều phong cách nghệ thuật.

Chắc hẳn trong chúng ta nhiều người tâm đắc với câu nói của tỷ phú người Mỹ Warren Buffett, rằng “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Câu nói ấy có thể đúng với mọi khía cạnh cuộc sống, đặc biệt với nghệ thuật và những thực hành sáng tạo đầy gian nan của giới nghệ sĩ. Để đi xa hơn, sâu hơn trong mỗi ý niệm sáng tạo, nghệ sĩ cũng cần nắm tay nhau để bước đi trên con đường không cùng đích ấy.

“Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua” - tên của triển lãm cũng gợi cho công chúng nhớ đến câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Xuân Diệu “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ”. Để nói về nghệ thuật, có lẽ là vô cùng vô tận, nhưng thời gian thì có hạn.

Đó cũng là lý do mà tên triển lãm như một sự giục giã, mời gọi đầy vội vàng. Và bất ngờ, đúng như chủ đề mà 6 nghệ sĩ đã chọn. Triển lãm “Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua” chỉ kéo dài vỏn vẹn đúng một tuần lễ, từ 23 - 31/3 ở cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.

Giám tuyển triển lãm, nhà nghiên cứu nghệ thuật Vân Vi cho rằng: “Giữa những hối hả, vội vã của cuộc sống hàng ngày cứ thế kéo ta đi, nghệ thuật nói chung bao gồm cả hội họa là chốn dừng chân, là điểm nghỉ - nơi mọi người có những giây phút chậm lại, thưởng thức và trải nghiệm từng chuyển biến trong cảm nhận của bản thân mình”.

“Nghệ thuật thì dài, thời gian thì chóng qua” có sự góp mặt của họa sĩ Phan Cẩm Thượng. Bên cạnh việc sáng tạo, ông còn được biết đến là nhà nghiên cứu văn hóa có ảnh hưởng nhất trong 20 năm vừa qua với 18 cuốn sách nghiên cứu về nghệ thuật và văn hóa.

Vì vậy, trong triển lãm này bộ tranh lụa mang chủ đề văn hóa cổ Việt Nam và mảng tranh trừu tượng chưa từng ra mắt công chúng của Phan Cẩm Thượng được trưng bày nhằm đem đến những góc nhìn mới, cũng như sự vô cùng tận trong sáng tạo nghệ thuật.

Lấy cảm hứng từ vốn sống cổ, những câu chuyện sinh hoạt làng xã, đình chùa, đời sống xã hội và từ cả lòng yêu mến hoài cổ khiến loạt tranh lụa của Phan Cẩm Thượng nhanh chóng lưu lại ở người xem không chỉ ở phong cách, mà còn ở cảm nhận.

Này đình chùa miếu mạo, này những bộ trang phục xửa xưa... tất cả bảng lảng trong một màu sương khói của thời gian. Nhìn tranh Phan Cẩm Thượng, sự hoài cổ về những gì quá vãng, xa xôi, hư thực và đầy thần thánh, đôi khi khiến người xem thấy man mác buồn cùng một chút lơ mơ “nhập đồng”.

Thế rồi chuyển qua dòng tranh trừu tượng, có thể là “trừu tượng hình học” với những hình khối, đường nét, màu sắc ý nhị để mở ra một chiều không gian mang tính đo đếm chính xác. Tuy vậy, xem trừu tượng của Phan Cẩm Thượng vẫn thấy cái chất Á Đông với những bảng lảng thư pháp.

Bên cạnh những chiều không gian của họa sĩ gạo cội ấy, là những tác phẩm trong bộ tranh “Vùng sống” của Nguyễn Văn Trinh. Bộ tranh này từng được đánh giá rất cao về sức sáng tạo trên cả hai khía cạnh trong chủ đề và trong chất liệu.

Văn Trinh đã sáng tác một cõi sống đa chiều lơ lửng với nhiều sinh thể kỳ lạ phía bên trong, trên chất liệu lụa kết hợp với giấy giang để đem lại những hiệu ứng tầng tầng lớp lớp. Đó cũng là những biểu hiện cho sự kỳ vĩ, không có điểm dừng trên con đường nghệ thuật.

Tác phẩm 'Cầu đảo' của họa sĩ Phan Cẩm Thượng.

Tác phẩm 'Cầu đảo' của họa sĩ Phan Cẩm Thượng.

Thầy trò cùng tỏa sáng với sơn mài

Nghệ thuật thì bao la nhưng hiện nay, họa sĩ Triệu Khắc Tiến là Tiến sĩ duy nhất tại Việt Nam về thực hành sơn mài. Trên cương vị là giảng viên, anh cùng với học trò của mình đi sâu nghiên cứu chuẩn hóa các kỹ thuật sơn mài cho Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, giúp mở rộng biên độ của chất liệu và đảm bảo độ bền của tranh sơn mài.

Dưới khía cạnh của một họa sĩ, tranh của Triệu Khắc Tiến công phu, tỉ mỉ và đạt đến những hiệu quả về độ tinh, hiếm họa sĩ nào có được. Không chỉ mang các màu sắc son, vàng và then đặc trưng sơn mài truyền thống, tác phẩm “Đêm cổ tích” đang được trưng bày lại mang màu sắc siêu thực huyền ảo, trong khi vẫn thể hiện được độ sâu thẳm lắng đọng, lộng lẫy, tinh xảo của sơn mài.

Sơn mài của họa sĩ - Tiến sĩ Triệu Khắc Tiến.
Sơn mài của họa sĩ - Tiến sĩ Triệu Khắc Tiến.

Trong khi đó, học trò của Triệu Khắc Tiến là họa sĩ Vũ Văn Tịch lại sáng tác nhằm lưu giữ những xúc cảm và khát khao của tuổi trẻ. Xem tranh của Tịch, công chúng dễ thấy sự mãnh liệt của những loài hoa cỏ vốn thường bị nghĩ là sự yếu ớt.

Những lớp màu mỏng đa sắc trên bề mặt và màu nền kim loại trong suốt khiến tranh Văn Tịch chỉn chu, cho thấy kỹ thuật xử lý sơn ta đầy tinh tế và các thủ pháp biểu đạt nghệ thuật vững vàng, bay bổng.

Tranh trừu tượng biểu hiện của họa sĩ Nguyễn Quang Trung lại mang đến chiều sâu với kỹ thuật “nhốt sáng”. Anh là họa sĩ chuyên sáng tác trên phong cách trừu tượng nhưng cho rằng những gì mình đang làm không phải là phát hiện ra phong cách mới, mà là đi vào chiều sâu của phong cách trừu tượng, song hành với sự phát triển của đương đại.

Kỹ thuật “nhốt sáng” trong tranh Nguyễn Quang Trung cho phép lưu lại những khoảnh khắc vừa hiển hiện lại vừa thoái lui, và qua đó nhìn thấy sự vận động không ngừng của nét và màu.

Không gian cuối cùng là những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Đình Sơn với phong cách biểu hiện, khai thác những chủ đề như cuộc sống ven biển, hay những thay đổi của vùng ven đô khiến người xem phải chú tâm vào sự rung động và những góc nhìn cận cảnh để mở ra một thế giới muôn màu.

Giám tuyển Vân Vi cho rằng, các họa sĩ cũng chỉ có một nỗi niềm duy nhất đó là sáng tạo. Dòng chảy năng lượng của nghệ thuật là dòng chảy của sự vận động. Nếu như những sáng tạo nghệ thuật chạm đến thế giới tinh thần của người xem, giây phút ấy có thể xoa dịu, có thể khai mở, mang lại sự sinh động và thú vị cho tinh thần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.