Tiếp sức cho đổi mới Giáo dục

GD&TĐ - Khung năng lực số cho người dạy và học từ mầm non đến đại học được Bộ GD&ĐT xây dựng và dự kiến triển khai năm 2025...

Giờ học tiếng Anh tại Trường PTDTBT THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài
Giờ học tiếng Anh tại Trường PTDTBT THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Khoa học công nghệ phát triển cộng với yêu cầu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học đòi hỏi cán bộ quản lý, giáo viên phải thay đổi cách quản trị, dạy học. Đặc biệt, khung năng lực số cho người dạy và học từ mầm non đến đại học được Bộ GD&ĐT xây dựng và dự kiến triển khai năm 2025 đặt ra bài toán về bồi dưỡng và tự học với từng đơn vị, thầy cô.

Nâng cao năng lực bản thân

Cô Lê Thị Ly - giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học Mường Xén (Kỳ Sơn, Nghệ An) bày tỏ tiếc nuối khi bỏ lỡ đợt bồi dưỡng do Sở GD&ĐT tổ chức hơn 1 năm trước. “Thời điểm đó tôi nghỉ thai sản nên không tham gia tập huấn. Vì vậy, tôi xin tài liệu từ đồng nghiệp để nghiên cứu, tham khảo thêm”, cô cho biết. Trong thời gian chờ đợi được dự bồi dưỡng đợt tiếp theo, cô giáo trẻ vùng cao cố gắng tự học, nâng cao năng lực bản thân để đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học.

Kỳ Sơn là địa bàn khó khăn về đội ngũ nhà giáo, đặc biệt đang thiếu 82 giáo viên tiếng Anh và Tin học trên tổng số 47 trường tiểu học và THCS. Năm học này, cấp tiểu học chỉ có 17 giáo viên tiếng Anh, nhiều người phải dạy học liên trường, liên cấp để đảm bảo Chương trình GDPT 2018.

Cô Lê Thị Ly chia sẻ: “Mỗi trường chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh, nhiều nơi không có nên việc sinh hoạt chuyên môn không thuận lợi như các môn văn hóa khác. Chúng tôi chỉ có thể trao đổi trực tuyến, hoặc chờ các đợt sinh hoạt chuyên môn cấp huyện, cụm”.

Bên cạnh trau dồi kiến thức chuyên môn, cô Ly học thêm cách trình bày thiết kế bài giảng, phương pháp dạy học phù hợp với người học. Học sinh của cô Ly là người dân tộc thiểu số, tiếp cận môn Tiếng Anh như ngoại ngữ thứ 2 và có nhiều rào cản khi chưa thông thạo tiếng Việt. Các em không có điều kiện học thêm, trên địa bàn cũng không có trung tâm dạy ngoại ngữ.

“Đối với môn Tiếng Anh, học sinh khó nhớ nhưng lại nhanh quên. Để tạo hứng thú trong giờ học, không tạo áp lực, gây tâm lý sợ tiếng Anh trong những năm đầu tiên tiếp cận môn học này, giáo viên phải để các em “vừa học, vừa chơi”.

Đó là dạy học kiến thức lồng ghép trò chơi, bài hát, xem hình ảnh, clip vui nhộn. Có thuận lợi là các lớp học của trường đã trang bị tivi nên khai thác được cả SGK điện tử, kết nối với máy tính cá nhân để trình chiếu bài giảng do thầy cô thiết kế”, cô Ly cho hay.

Cô Lê Huỳnh Huyền Trân - giáo viên tiếng Anh Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) từng đoạt giải Đặc biệt tại Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh toàn quốc. Cô Trân chọn bài nghe Unit 10, sách giáo khoa lớp 11 để thiết kế bài giảng điện tử nhằm giúp học sinh rèn luyện kỹ năng nghe tại nhà.

Bài giảng E-learning của cô Trân sử dụng nhiều công cụ và phần mềm như: PowerPoint, iSpring, Canva, Adobe Photoshop, Adobe Premiere... Đồng thời, kết hợp giữa hình ảnh, âm thanh và tương tác để giúp học sinh hứng thú học tập và dễ dàng tiếp thu kiến thức.

Cô Huyền Trân đã kết hợp nhuẫn nhuyễn nhiều phương pháp dạy học sáng tạo và sử dụng công nghệ để học sinh được tăng cường trải nghiệm học tập. Bài giảng vì vậy được chia thành các module, có hướng dẫn cụ thể, giúp học sinh dễ dàng hoàn thành bài trong quá trình tự học.

Mỗi nội dung nhỏ của bài giảng đều tích hợp nhiều hoạt động tương tác và tài liệu học tập được chỉnh sửa phù hợp với một bài giảng điện tử để thúc đẩy sự chủ động, tích cực của học trò. Quá trình tự tìm tòi kho học liệu điện tử để thiết kế bài giảng E-learnning cũng giúp cô Trân có thêm “vốn liếng” áp dụng vào thực tế giảng dạy tại trường, tạo môi trường học tập mới mẻ, hứng thú cho học sinh.

Mới đây, học sinh Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh, Nghệ An) được khám phá lễ hội quan trọng nhất trong năm ở Ấn Độ - lễ hội Diwali cùng các bạn đến từ Trường Công lập Maharaja Agarsain. Đây là tiết học không biên giới được cô Phan Hương Giang - giáo viên tiếng Anh kết nối, triển khai những năm gần đây. Lần này, học sinh được tìm hiểu về Diwali, còn gọi là Deepavali, lễ hội ánh sáng của đạo Hindu, với các biến thể được tổ chức trong các tôn giáo khác của Ấn Độ.

Cô Phan Hương Giang mời thầy Narender - giáo viên yoga người Ấn Độ, người đã làm việc lâu năm tại Việt Nam đến trò chuyện về lễ hội. Qua màn hình máy tính, học sinh từ 2 quốc gia cùng nhìn những ngọn nến và chia sẻ, lắng nghe ý nghĩa của ánh sáng. Cô Giang nhận thấy, chỉ trong 1 tiết học, nhưng học sinh đã khám phá và học hỏi nhiều điều ý nghĩa, mạnh dạn nói chuyện với bạn ở đất nước khác, nền văn hóa khác qua màn hình tivi kết nối mạng Internet.

Theo cô Giang, khai thác công nghệ, mạng Internet hiệu quả đem đến tiết học tiếng Anh hứng thú, sôi nổi cho học sinh; qua đó, khơi dậy sự tự tin, mạnh dạn giao tiếp. Về phía giáo viên qua quá trình liên lạc, kết nối, chuẩn bị chủ đề, thiết kế bài giảng cũng nâng cao năng lực tiếng Anh, đổi mới phương pháp dạy học; không giới hạn kiến thức của mình trong những tiết dạy theo lối mòn.

tiep-suc-cho-doi-moi-4.jpg
Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) tổ chức lớp tập huấn cho đại diện giáo viên ngoại ngữ của 36 trường THPT tại Quảng Ngãi. Ảnh: NTCC

Nâng chuẩn tiếng Anh quốc tế

Để đáp ứng dạy học Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh đồng ý chủ trương tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý. Trong đó, sở thực hiện khảo sát năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho hơn 2.500 giáo viên cấp tiểu học, THCS, THPT, GDTX.

Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu dạy học theo quy định và đổi mới của Chương trình GDPT 2018. Qua đó, sở lựa chọn những giáo viên tiếng Anh có trình độ, năng lực tốt làm cốt cán cho ngành Giáo dục và đào tạo Nghệ An.

Những năm qua, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực, phương pháp sư phạm phục vụ triển khai dạy tích hợp tiếng Anh với các môn học (Toán và Khoa học) đối với giáo viên tiếng Anh tiểu học; bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh quốc tế IELTS, TOEIC, nâng chuẩn tiếng Anh quốc tế Aptis ESOL... cho giáo viên.

Cô Vũ Thị Nga là giáo viên tiếng Anh cốt cán, có kinh nghiệm hơn 10 năm giảng dạy tại Trường THPT Quỳnh Lưu 1 (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Quá trình công tác, cô từng tham gia đợt bồi dưỡng nâng chuẩn tiếng Anh quốc tế của sở tổ chức, đồng thời luôn tự trau dồi năng lực, làm mới bản thân. Cô chia sẻ, giáo viên được tập huấn, tham gia thi các chứng chỉ quốc tế là dịp để đánh giá và cập nhật kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu dạy học.

“Nhiều học sinh có xu hướng đăng ký các tổ hợp xét tuyển đại học có môn Tiếng Anh. Vì vậy, giáo viên phải đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, soạn giáo án điện tử, dạy học theo hướng phát triển năng lực người học. Qua đó giúp học trò có kiến thức, kỹ năng tham gia các Kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực hoặc ứng dụng trong cuộc sống, công việc tương lai”, nữ giáo viên chia sẻ.

Theo ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, các đợt bồi dưỡng diễn ra trong năm học, vì vậy giáo viên vất vả khi phải hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn ở trường, vừa tham gia học tập.

Một số giáo viên cốt cán còn thi giáo viên giỏi, chấm thi giáo viên giỏi, bồi dưỡng học sinh thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong khi Tiếng Anh là môn đặc thù toàn tỉnh còn thiếu, nhiều trường chỉ có 1 giáo viên bộ môn này nên không thể bố trí giáo viên khác dạy thay khi tham gia bồi dưỡng.

Vì vậy, các lớp bồi dưỡng chỉ có ý nghĩa khi được thầy cô tham gia học tập, rèn luyện chăm chỉ, nỗ lực. Theo đánh giá của đơn vị đào tạo, qua các đợt bồi dưỡng, năng lực tiếng Anh của giáo viên ở cả 4 kỹ năng đều có sự tiến bộ, thi đạt chứng chỉ quốc tế đạt và vượt mục tiêu.

Từ các khóa bồi dưỡng giáo viên, cộng đồng giáo viên tiếng Anh ở Đà Nẵng đã thành lập các nhóm online để cập nhật chuyên đề có ứng dụng công nghệ nhằm làm mới những bài giảng của mình như: Plicker, Classpoint, Canva, QR code, video tương tác…

Các trường học được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy cũng tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh trải nghiệm công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục toàn diện. Đây là những thuận lợi để giáo viên có thể thỏa sức sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến trong bài giảng, đa dạng phương pháp dạy học hữu ích để áp dụng vào thực tế tiết học nhằm đạt được mục tiêu dạy - học.

tiep-suc-cho-doi-moi-3.jpg
Tiết học kết nối tại Trường Tiểu học Lê Mao, TP Vinh (Nghệ An). Ảnh: NTCC

Tiếp sức từ cơ sở giáo dục đại học

Trường ĐH Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) đã mở khoá đào tạo, bồi dưỡng miễn phí nghiệp vụ Sư phạm tiếng Anh cho 39 giáo viên của 39 trường THPT tại Quảng Ngãi. Nhà trường còn dành 1 suất học bổng toàn phần đào tạo tiến sĩ ngành Ngôn ngữ Anh và một suất học bổng toàn phần đào tạo tiến sĩ ngành Lý luận giảng dạy tiếng Anh cho giáo viên ngoại ngữ địa phương này.

PGS.TS Nguyễn Văn Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) cho biết, bên cạnh khóa học về phát triển năng lực ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên phổ thông, các khoa chuyên môn đã xây dựng khóa học công nghệ trong giảng dạy ngoại ngữ tập trung vào kỹ năng số cần thiết, bao gồm kỹ năng cơ bản về công nghệ số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ soạn bài đến cá nhân hóa học tập cho người học, xây dựng và quản lý các lớp học trên nền tảng số, đảm bảo hiệu quả dạy học trực tuyến.

Các chương trình được thiết kế linh hoạt, phù hợp với nhiều nhóm giáo viên, giúp họ dễ dàng nâng cao năng lực trong thời gian ngắn. Nhà trường có hệ thống LMS để giáo viên phổ thông có thể tự học và nâng cao năng lực sau các khóa bồi dưỡng trực tiếp. Ngoài ra, nhà trường có khóa học trực tuyến bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ và chương trình bồi dưỡng năng lực tiếng Anh (bậc 1 - 5) trực tuyến cho đội ngũ.

Cùng với tổ chức các khóa bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) đã phát triển cộng đồng học tập trực tuyến và nhóm nghiên cứu giảng viên (TAGs), với mục tiêu tạo không gian trao đổi kiến thức giữa các giáo viên, cung cấp tài liệu chuyên gia và tổ chức nhiều buổi thảo luận, hội thảo online để cập nhật xu hướng mới.

Thông tin từ PGS.TS Nguyễn Văn Long, đón đầu xu hướng đổi mới trong dạy học ngoại ngữ đáp ứng khung năng lực số, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) đã phát triển các khóa bồi dưỡng chuyên sâu về phương pháp giảng dạy tiếng Anh, đặc biệt là phương pháp tích hợp nội dung và ngôn ngữ (CLIL) để hỗ trợ giáo viên có thể dạy các môn học khác bằng tiếng Anh.

Khóa bồi dưỡng này được triển khai cho giảng viên trường đại học và giáo viên phổ thông ở địa phương. Nhà trường cũng định hướng phối hợp với các sở giáo dục địa phương để xây dựng chương trình hỗ trợ giáo viên phổ thông tự bồi dưỡng, hướng dẫn xây dựng kế hoạch học tập cá nhân, tiếp tục thiết kế và cung cấp khóa bồi dưỡng và gói tài liệu về nghiệp vụ và xu hướng cập nhật ứng dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Anh.

PGS.TS Nguyễn Văn Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) cho rằng: Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy vừa nâng cao tính tự chủ và động cơ học tập của người học vừa mở rộng khả năng tương tác của người học theo hướng: Kéo thế giới vào lớp học; mang lớp học ra khỏi bốn bức tường. Từ đây, người học được tăng năng lực tiếp cận, xử lý và điều tiết để tạo thông tin mới.

Một kho học liệu số phù hợp cho giảng viên tự học và nghiên cứu với các tài liệu về phương pháp giảng dạy tiên tiến như CLIL, flipped classroom, chia sẻ khóa học trực tuyến miễn phí từ các tổ chức uy tín và liên kết với nền tảng học liệu mở để giảng viên truy cập dễ dàng được Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ