Dự án Luật Nhà giáo: Bước đột phá về đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng, với phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều luật chuyên ngành và số đông nhà giáo.

Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Thăng Long. Ảnh: NTCC
Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Thăng Long. Ảnh: NTCC

Dự thảo thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội với mong muốn thể chế hóa, tạo bước đột phá mạnh mẽ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Đổi mới công tác quản lý

Nhất trí với việc xây dựng Luật Nhà giáo, bà Nguyễn Thị Việt Nga - đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, ngoài thể chế quan điểm, đường lối của Đảng về giáo dục, Luật được xây dựng sẽ giải quyết những vấn đề nổi cộm, đang đặt ra với ngành Giáo dục.

Đó là nâng cao chất lượng GD&ĐT, giải quyết được tình trạng thiếu và bỏ nghề của giáo viên, giáo viên bị ứng xử không đúng chuẩn mực từ phía học sinh, phụ huynh và cả xã hội. Mặt khác, giải quyết hiện tượng cá biệt giáo viên có ứng xử không chuẩn mực với học sinh, phụ huynh và trong cuộc sống.

Dự thảo luật bám sát mục tiêu trên, đưa ra những chính sách đặc thù, hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành Giáo dục cũng như đề ra những yêu cầu cụ thể về phẩm chất, năng lực chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo. “Tôi đánh giá có nhiều chính sách mang tính đột phá được đề cập trong dự thảo Luật Nhà giáo”, bà Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.

Dự thảo Luật Nhà giáo là một trong những dự án luật được đông đảo cử tri quan tâm và đội ngũ nhà giáo mong đợi từ lâu. Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An kỳ vọng, khi luật được ban hành và có hiệu lực sẽ góp phần đổi mới công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo; giúp nâng cao tính chủ động của cơ quan quản lý giáo dục các cấp; cơ bản khắc phục điểm nghẽn, hạn chế, bất cập trong quản lý và phát triển nhà giáo hiện nay.

Mặt khác, luật sẽ là hành lang pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo động lực lớn đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà lên tầm cao mới. Cùng đó, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo - nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người sáng tạo, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tạo môi trường thuận lợi cho nhà giáo

Qua nghiên cứu và phân tích, ông Thái Văn Thành nhận thấy, dự thảo Luật Nhà giáo có 6 chính sách mới: Thứ nhất, xác lập địa vị pháp lý của nhà giáo ngoài công lập, bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với nhà giáo là người nước ngoài. Đây cũng là hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi cho nhà giáo yên tâm công tác, yêu và tâm huyết với nghề; đồng thời đáp ứng mong ước, khát vọng sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” của nhà giáo ngoài công lập.

Thứ hai, xác định chức danh chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Căn cứ chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sàng lọc. Chuẩn nhà giáo như “gương soi” để thầy, cô tự đánh giá, rèn luyện và bồi dưỡng, nhằm không ngừng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức bản thân. Qua đó, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Đây cũng là công cụ quan trọng để giám sát, kiểm soát chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Thứ ba, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Chính sách này đã phản ánh đầy đủ đặc trưng lao động sư phạm của nhà giáo. Bởi, nhà giáo và nghề dạy học có những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức các ngành, lĩnh vực khác. Mục đích lao động sư phạm là phát triển phẩm chất năng lực người học. Đối tượng lao động sư phạm là người học có nhân cách được hình thành và phát triển. Sản phẩm lao động sư phạm là người học phát triển toàn diện.

“Lao động sư phạm là sáng tạo bậc nhất trong những nghề sáng tạo và công cụ lao động sư phạm không chỉ là tri thức, kỹ năng sư phạm, mà bằng cả nhân cách, đối nhân xử thế, gương mẫu của nhà giáo”, ông Thái Văn Thành bày tỏ và nhấn mạnh, những quy định tuyển dụng cần phù hợp với tính chất đặc thù lao động sư phạm.

Theo đó, việc tuyển dụng cần chú trọng đến năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng; đặc biệt là thực hành sư phạm. Điều đó bảo đảm cho việc tuyển dụng nhà giáo có chất lượng, phù hợp vị trí việc làm, cơ cấu chuyên môn, môn học. Theo dự thảo Luật Nhà giáo, cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục được chủ trì trong quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

Điều này giúp cơ quan quản lý giáo dục chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Đồng thời, giải quyết được những tồn tại, bất cập về chất lượng, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương như hiện nay.

Thứ tư, chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo. Chính sách này tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng và ban hành chính sách nhằm thu hút người giỏi được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm làm nhà giáo. Đồng thời, chính sách thu hút này góp phần tạo nên đội ngũ nhà giáo có chất lượng cao, lực lượng quyết định chất lượng giáo dục của các cấp, bậc học và cả hệ thống giáo dục quốc dân.

Đáng chú ý, chính sách bảo vệ nhà giáo sẽ tạo môi trường làm việc thuận lợi, dân chủ để nhà giáo yên tâm công tác, tận tâm với nghề, sáng tạo trong không gian văn hóa được tôn vinh, ghi nhận và phối hợp hỗ trợ của toàn xã hội.

Thứ năm, chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo. Chính sách này có ảnh hưởng lớn đến nhà giáo; do đó khi luật được ban hành và có hiệu lực sẽ nhanh chóng giải quyết những khó khăn về đời sống của nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non, chuyên biệt hay thầy, cô công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Thứ sáu, quản lý nhà giáo. Về nội dung này, dự thảo luật xây dựng dựa trên cách tiếp cận mới, quản trị nguồn nhân lực, quản trị chất lượng. Tức là chuyển từ quản lý nhà giáo sang quản lý nguồn nhân lực, với công cụ kiểm soát chức danh nhà giáo và chuẩn nhà giáo. Trong quản lý Nhà nước về nhà giáo, dự thảo luật thể hiện tư tưởng chủ thể quản lý Nhà nước về nhà giáo là của ngành Giáo dục nhưng không tách rời vai trò các bộ, ngành và chính quyền các cấp đã được pháp luật quy định.

buoc-dot-pha-ve-doi-moi-giao-duc-2.jpg
Một lớp học của Trường THCS Phan Chu Trinh (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT

Hành lang phát triển đội ngũ

Vừa là giáo viên và đại biểu Quốc hội nên cô Nguyễn Thị Hà (đoàn ĐBQH Bắc Ninh) phấn khởi khi dự thảo Luật Nhà giáo được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cô nhận thấy, nếu luật được ban hành sẽ là niềm vui chung cho các nhà giáo. Bởi khi đó có những quy định cụ thể, đầy đủ hơn, nhằm tạo điều kiện để nhà giáo hoạt động nghề nghiệp, bảo vệ chính mình. Song, cũng yêu cầu đội ngũ nhà giáo nỗ lực, cố gắng không ngừng để đáp ứng những yêu cầu của đổi mới giáo dục.

Góp ý thêm về dự thảo Luật Nhà giáo, cô Nguyễn Thị Hà trao đổi, trong bối cảnh hiện nay, khi quyền của phụ huynh và học sinh được đề cao thì dường như quyền của nhà giáo bị xem nhẹ; đặc biệt quyền bảo vệ nhân phẩm và danh dự, nhất là trên không gian mạng. Vì vậy, dự thảo quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo phù hợp với khách quan. Qua đó, tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện nhằm bảo vệ nhà giáo.

“Cụ thể, tại điểm b mục 3 trong Điều 11 của dự thảo luật quy định: Tổ chức, cá nhân không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo”, cô Nguyễn Thị Hà viện dẫn.

Đồng tình với nội dung trên, nữ đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Ninh cho rằng, quy định này không vướng các quy định về phát ngôn hay có bất cứ yếu tố nào để bênh vực nhà giáo, mà thực chất sẽ bảo vệ hình ảnh nhà giáo, tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Ngoài ra, quy định này cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Nếu có sai phạm, nhà giáo đã có các chế tài xử lý theo quy định. Đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nhất là khi nhà giáo trực tiếp đứng lớp, có ảnh hưởng lớn đối với tâm lý người học.

Liên quan đến chuẩn mực đạo đức nhà giáo, cô Nguyễn Thị Hà nhận thấy, giáo viên có trọng trách vinh quang, lớn lao nhưng nhọc nhằn. Đó là trọng trách trồng người. Người thầy luôn được coi là tấm gương sáng để các thế hệ học sinh noi theo.

Tuy nhiên, thời gian gần đây một số vụ việc giáo viên có hành vi, lời nói thiếu chuẩn mực, hành vi phản cảm trong môi trường sư phạm tôn nghiêm, vi phạm đạo đức nhà giáo và ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thể chất của học sinh cũng như giảm sút uy tín, hình ảnh người thầy và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì vậy, tôi đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung quy định nội dung về đào tạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức và hành vi cho nhà giáo.

“Về trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong quản lý nhà giáo đã được dự thảo luật quy định toàn diện và hệ thống. Nếu cơ sở giáo dục nào cũng thực hiện đầy đủ các trách nhiệm này thì việc quản lý nhà giáo sẽ chặt chẽ và hiệu quả”, ông Thái Văn Thành ghi nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cảnh quan Paris nhìn từ tháp Eiffel. Ảnh: ITN

Truyện ngắn: Lời thì thầm từ tâm hồn

GD&TĐ - Thomas Mercier có một cuộc sống bình thường tại Quận 15 của thủ đô Paris hoa lệ. Một buổi sáng, khi đang trên đường đến chỗ làm, anh bỗng nhiên nhận ra một điều gì đó rất khác lạ.

Ảnh: Phương Thảo

Thương nhau củ ấu cũng tròn

GD&TĐ - Phiên chợ Giành hôm nay tự nhiên thấy mọi người túm năm tụm ba một chỗ, vừa mua vừa bán vui quá. Thì ra cô hàng ấu đã trở lại!