Cùng với các tỉnh thành miền Nam tiếp quản cơ sở giáo dục của địch, Mỏ Cày là một trong các huyện của tỉnh Bến Tre đã có kế hoạch chu đáo tiếp quản nhanh chóng, kịp thời, trọn vẹn, nhịp nhàng cùng các huyện của tỉnh góp phần tích cực vào ổn định tình hình chính trị, xã hội địa phương mà còn tạo tiền đề để thực hiện chương trình chuyển tiếp của năm học còn dở dang và làm cơ sở vững chắc cho giáo dục không ngừng phát triển về sau.
Nắm bắt thời cơ
Năm tháng trôi qua nhưng ký ức về những ngày 30/4/1975 lịch sử mãi lắng đọng không phai. Vào một ngày đầu tháng 4/1975, sau khi học tình hình nhiệm vụ mới và chỉ thị của Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre về tấn công, tiếp quản vùng địch chiếm đóng, tôi được Tiểu ban Giáo dục tỉnh phân công tiếp quản giáo dục ở huyện Mỏ Cày.
Với niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng miền Nam được củng cố thêm vững chắc, lòng tràn đầy phấn khởi, tôi ráo riết xây dựng kế hoạch tiếp quản vùng địch ở Mỏ Cày. Mỏ Cày là huyện lớn của tỉnh Bến Tre, nằm giữa cù lao Minh, đông dân, nhiều dừa, mía đường và lúa.
Về giáo dục của địch trong quận Mỏ Cày phát triển tương đối khá, có quy mô và hệ thống từ tiểu học đến trung học đệ nhị cấp. Các xã trong vùng địch tạm chiếm đều có trường lớp tiểu học.
Ở thị trấn Mỏ Cày còn có trường tư thục của Thiên chúa giáo và Phật giáo. Đội ngũ giáo viên trong hai quận này khá đông, nhiều giáo viên là người ngoài quận, ngoài tỉnh, hầu hết được đào tạo từ những trường Sư phạm Sài Gòn, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Từ Giồng Trôm tôi sang Mỏ Cày, trong chuyến giao liên vào một chiều ánh nắng mặt trời chưa tắt hẳn. Gió chướng mát rượi từ biển Đông thổi vào ngược dòng sông nước Hàm Luông, làm những lượn sóng thêm to vỗ vào mạn thuyền bật ra tiếng phùm phùm. Tôi liên tưởng nó giống như những tiếng pháo của quân ta trút bão lửa vào sào huyệt của kẻ thù.
Phải chờ đợi để thông qua kế hoạch tiếp quản giáo dục địch với Thường vụ Huyện ủy (TVHU) Mỏ Cày, tôi rất sốt ruột nhưng phải nhanh chóng gặp đồng chí Tư Lực - Bí thư Huyện ủy.
Kế hoạch tiếp quản giáo dục được thống nhất cao với đồng chí Bí thư Huyện ủy. Khó khăn vấp phải là thiếu cán bộ thực hiện kế hoạch. Hai đồng chí cán bộ Ban Giáo dục huyện là đồng chí Thanh Hùng và đồng chí Hiểu đã được TVHU, Ban Tuyên huấn Huyện ủy trưng dụng làm công tác khác.
Tôi tranh thủ với đồng chí Bí thư Huyện ủy và Ban Tuyên giáo Huyện ủy gọi hai đồng chí này về. Nhưng trên đường về, đồng chí Thanh Hùng vướng phải mìn của địch lúc qua lộ phải đưa điều trị, chưa công tác được, đồng chí Hiểu thì Ban Tuyên giáo Huyện ủy chưa liên lạc được. Thiếu cán bộ có thể hỏng việc.
Không lùi bước trước khó khăn, tôi quyết tâm trưng dụng đồng chí Minh Thảo và một số giáo viên kháng chiến ở xã Định Thủy (Mỏ Cày).
Lúc bấy giờ đồng chí Minh Thảo được Tiểu ban Giáo dục tỉnh cho nghỉ phép dài hạn để sắp xếp việc nhà vì có cha mẹ già yếu, không người chăm sóc.
Tôi vui mừng khi gặp được đồng chí Minh Thảo. Tôi tranh thủ sinh hoạt cho đồng chí về tình hình nhiệm vụ mới và kế hoạch tiếp quản giáo dục địch vừa được thông qua, sau cùng tôi nói với đồng chí là:
“Thời cơ ngàn năm có một của cách mạng miền Nam đã đến, anh phải xông lên làm nhiệm vụ trong thời điểm lịch sử này. Nếu có rủi ro, anh bị hy sinh, cũng là chết đúng lúc, chết vẻ vang. Nếu anh còn sống, sau ngày giải phóng đất nước, anh nghỉ bao lâu chẳng được”.
Được đồng chí Minh Thảo tích cực công tác với tôi trong thực hiện kế hoạch tiếp quản giáo dục địch, tôi rất phấn khởi vì đồng chí là người thông thạo nội ô thị trấn Mỏ Cày và còn có nhiều người thân và quen biết ở đó, rất thuận lợi cho việc điều nghiên, nắm tình hình địch và tiếp tục phát triển lực lượng tại chỗ và khi vào tiếp quản sẽ ít gặp khó khăn.
Đồng chí Minh Thảo ra sức phát huy thuận lợi sẵn có, tận dụng thời gian, khẩn trương móc nối cơ sở, cảm tình cách mạng trong giáo chức ở thị trấn, phân công giao việc nắm chắc tình hình địch, phân hóa thái độ chính trị của từng giáo viên, kịp thời phát hiện một số tay sai mật báo của địch trong giáo chức.
Đồng chí Thập Nhứt, cô giáo Hoa… là cơ sở cách mạng báo cáo thường xuyên tình hình về chúng tôi và còn tích cực tuyên truyền, giáo dục phát triển thêm lực lượng trong giáo chức làm công việc được giao và sẵn sàng chờ cách mạng vào tiếp quản.
Tôi và đồng chí Minh Thảo cùng với số giáo viên kháng chiến của xã Định Thủy gắn với đoàn của đồng chí Năm Phú - ủy viên TVHU - Trưởng ban An ninh tỉnh phụ trách công tác tiếp quản Mỏ Cày.
Tấn công tiếp quản
Tin chiến thắng khắp nơi dồn dập đưa về làm nức lòng mọi người. Vào một buổi trưa trời nóng bức, đoàn dừng chân vùng ven thị trấn Mỏ Cày. “Anh nên chuẩn bị bài phát biểu với giáo chức và trí thức vùng mới giải phóng, kẻo không còn thời gian” - Đồng chí Minh Thảo thận trọng nhắc nhở.
Thực sự từ nhiều ngày qua, tôi đã chuẩn bị nội dung, ý tứ bài nói chuyện và ôn đi ôn lại thuộc lòng trong trí nhớ, chỉ có 10 điểm chính sách thì cần phải có văn bản cho chính xác.
8 giờ 30 sáng 1/5, đoàn chúng tôi hăng hái tiến vào thị trấn Mỏ Cày theo hướng Đông Bắc. Ngược chiều đường chúng tôi tiến bước là bọn lính không còn súng ống, quân phục nhem nhuốc, từng tốp 5 - 7 tên cúi đầu rảo bước như muốn trốn chạy tìm chốn nương thân.
Trên đất xứ này chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến đội quân hung hăng, nợ máu với nhân dân thất bại thảm hại, tan rã nhanh chóng như vậy.
Trong khi lực lượng vũ trang và quần chúng xuống đường tiến vào thị trấn Mỏ Cày còn ở vùng ven cách xa thị trấn, thì cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam phất phới hiên ngang tung bay trên vùng trời thị trấn Mỏ Cày.
Lá cờ thật to do cơ sở ta may từ trước, được đồng chí Ba Diệu, giáo viên Trường Trung học Mỏ Cày kéo lên giữa lúc quân ngụy còn vũ trang có mặt ở sân trường.
Sau những lần nếm những đòn trời giáng của bộ đội ta trong mấy ngày trước, chúng tháo chạy về co cụm trong hang ổ cuối cùng với ý đồ chờ thời cơ phản kích. Thấy khí thế của quân dân ta, chúng vứt bỏ vũ khí, quân trang, quân dụng bỏ chạy.
Chúng tôi vào Trường Trung học Mỏ Cày với khí thế cách mạng tiến công. Chúng tôi được cơ sở cách mạng trong giáo chức địch, đông đảo giáo viên cảm tình, quần chúng vui mừng nồng nhiệt chào đón trong niềm hân hoan vô hạn.
Tôi ra lệnh cho Hiệu trưởng Điểm, Trường Trung học Mỏ Cày, kiêm Trưởng ban Giáo dục quận, giao nộp súng đạn, hồ sơ sổ sách, nhân sự của trường và các trường trong quận.
Vào Trường Tiểu học thị trấn Mỏ Cày, Hiệu trưởng Tằng - Giáo viên từ thời Pháp thuộc lễ độ chào đón chúng tôi và nói: “Tôi đã sẵn sàng giao trường học cho các ông”.
Tôi chỉnh ngay: “Ông phải giao nộp cho chúng tôi tất cả, nhứt là súng đạn, nhân sự, hồ sơ sổ sách, quỹ của trường, không được thiếu thứ gì”.
Tôi trang bị súng đạn vừa thu được cho tất cả cán bộ, giáo viên kháng chiến vào tiếp quản và phân công bảo vệ cơ sở mới tiếp quản.
Đồng chí Sáu Hưng - Cán bộ giáo dục Khu sang mở lớp cấp tốc đào tạo giáo viên cấp 1 để phục vụ giảng dạy cho tiếp quản vùng mới giải phóng và đồng chí Hồng Thanh - Giáo viên cấp 2 phấn khởi hồ hởi cũng kịp thời có mặt ngay ngày đầu tiếp quản thị trấn Mỏ Cày; nhưng tôi phân công hai đồng chí trở lại nhiệm sở để hoàn thành tốt chương trình khóa học.
14 giờ ngày 1/5/1975, tôi cho tập hợp giáo chức các trường kể cả số nghỉ hưu ở thị trấn đến Trường Tiểu học Mỏ Cày nghe đại diện cơ quan giáo dục tỉnh nói chuyện.
Tôi phân tích 10 chính sách của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, ổn định tư tưởng và động viên họ chờ lệnh trở lại lớp giảng dạy. Qua buổi nói chuyện, phần đông giáo chức, trí thức nhận thức ý nghĩa thắng lợi to lớn của cách mạng, hòa vào niềm vui lớn của dân tộc.
Một ít giáo chức định nghỉ việc, tỏ ra thiếu lòng tin vào sự bám trụ của lực lượng cách mạng ở vùng mới giải phóng nhưng sau đó họ đã hiểu và tiếp tục làm việc.
Công tác tiếp quản giáo dục địch ở Mỏ Cày nhanh chóng, kịp thời, trọn vẹn, nhịp nhàng cùng các huyện trong tỉnh. Điều đó không những góp phần tích cực vào ổn định tình hình chính trị, xã hội địa phương mà còn tạo tiền đề để thực hiện chương trình chuyển tiếp của năm học còn dở dang và làm cơ sở vững chắc cho giáo dục không ngừng phát triển về sau.
Sau ổn định, công tác giảng dạy được tiếp tục, hầu hết giáo chức chế độ cũ đều bám trường, bám lớp nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục cách mạng, nhiều thầy cô có sáng kiến hay, hiệu quả trong giảng dạy, xây dựng trường lớp. Mọi việc sẽ phát triển không ngừng nếu như ở Bến Tre không bị mất mùa vào những năm 1978 - 1979.
Đời sống giáo viên lúc bấy giờ rất khó khăn: Lương thiếu nhiều tháng chưa cấp; không lương thực nuôi sống bản thân và gia đình, nhiều giáo viên bỏ việc về quê. Giáo viên nghỉ việc hầu hết không phải không yêu thích chế độ, không yêu nghề mà là “hết cách” bám trường, bám lớp!
Trước tình hình như vậy, lúc này tôi là Trưởng phòng Giáo dục huyện Mỏ Cày, đến bàn với các hiệu trưởng là cho giáo viên chuyển về công tác gần nhà với các giáo viên ở xa đến như: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, các huyện khác ở Bến Tre... Đưa giáo viên về dạy gần nhà để họ dựa gia đình giải quyết cơm áo và tiếp tục đứng chân trên bục giảng.
Về phía Phòng Giáo dục tôi chủ trương tăng gia sản xuất và vào An Giang mượn 50 công ruộng cho giáo viên canh tác. Nhờ vậy hạn chế được phần lớn giáo viên bỏ việc.
Những năm đầu giải phóng, tiếp quản, xây dựng giáo dục ở Mỏ Cày, trong tôi rất nhiều kỷ niệm khó phai.