Tiếp lửa tri thức cho sinh viên vùng cao

GD&TĐ - Người thầy năng động và tâm huyết trong mọi suy nghĩ, hành động để tiếp lửa tri thức cho sinh viên vùng cao. Đó là cảm nhận của thế hệ học trò khi nhắc đến thầy Trần Thanh Bắc - Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên.

Trần Thanh Bắc (thứ hai bên trái) trong một chuyến thiện nguyện ở bản vùng cao.
Trần Thanh Bắc (thứ hai bên trái) trong một chuyến thiện nguyện ở bản vùng cao.

Hút sinh viên vào giờ học sáng tạo

Gặp ThS Trần Thanh Bắc, dễ thấy ở anh sự nhiệt huyết, sáng tạo, tràn đầy năng lượng ở bất cứ công việc nào được giao phó. 

Thầy Bắc kể: Từ bé tôi đã có ước mơ là thầy giáo, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Mảnh đất xứ Thanh đầy nắng gió và khắc nghiệt đã hun đúc cho Bắc ý chí mạnh mẽ và nghị lực bền bỉ trong học tập, giúp anh bước chân vào giảng đường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, ngành Việt Nam học. 

Không giống như bao bạn bè lựa chọn nơi phố thị náo nhiệt để bắt đầu sự nghiệp, Bắc được thầy cô tư vấn và chọn cho mình một lối đi riêng, gắn bó với Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên.

Mảnh đất Điện Biên lịch sử từng là địa danh thu hút sự tò mò của cậu sinh viên trẻ về văn hóa các dân tộc và thôi thúc anh tìm đến bởi câu nói của nhà văn Nguyễn Khải trong truyện ngắn Mùa lạc: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh, gian khổ”.

“Vậy mà thấm thoát 10 năm đã trôi qua. Một chặng đường dài với nhiều kỷ niệm, khát vọng, ước mơ hoài bão, đủ để tôi gây dựng tình yêu với nghề giáo trên mảnh đất Điện Biên sương gió này”, Bắc trầm ngâm.

Nhớ về những ngày đầu nhận công tác tại trường, Bắc gặp không ít khó khăn bởi tỷ lệ học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số chiếm trên 92%, gồm các dân tộc Thái, Mông, Lào, Khơ Mú, Xạ Phang… Khác nhau về văn hóa sinh hoạt, lối sống, ngôn ngữ, các em thường e ngại trong giao tiếp, ít tham gia các hoạt động tập thể. Một bộ phận sinh viên tách thành nhóm theo dân tộc, theo địa phương với nhiều phong cách và sở thích khác nhau, chưa có định hướng rõ nét.

Người thầy giáo trẻ khi ấy đặt câu hỏi: “Làm thế nào để thu hút, tập hợp sinh viên trong học tập và tổ chức các hoạt động?”. Anh đi tìm câu trả lời bằng cách dành nhiều thời gian lắng nghe nguyện vọng của sinh viên từ sinh hoạt đời sống đến học tập, rèn luyện ở trường. Hướng giải quyết được giảng viên trẻ lựa chọn là đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy học, gắn với tâm lí của sinh viên.

Không chỉ tự học tập và nghiên cứu, Trần Thanh Bắc còn được cử đi học tập, nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Đại học Hồ Nam, Trung Quốc.

“Đó là khoảng thời gian tôi được đi để khám phá giới hạn bản thân, hiểu về các nền văn hóa, đất nước, con người, tôn trọng sự khác biệt và biết trân quý các hệ giá trị. Từ đó định vị con đường phụng sự cộng đồng” - Bắc nhớ lại.

Từ tri thức cập nhật mới mẻ ấy, thầy giáo trẻ đã áp dụng phù hợp trong công tác chuyên môn cũng như nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn đào tạo của nhà trường, đặc điểm của sinh viên là người dân tộc thiểu số theo xu hướng luôn đổi mới, sáng tạo để thích ứng với chuyển đổi số... Nhiều sáng kiến trong giảng dạy, đào tạo được giảng viên trẻ truyền đạt lại cho đồng nghiệp và ứng dụng công nghệ để sinh viên tiếp thu kiến thức tốt nhất. 

Một tiết dạy học của “thủ lĩnh” Đoàn Trường CĐSP Điện Biên Trần Thanh Bắc.
Một tiết dạy học của “thủ lĩnh” Đoàn Trường CĐSP Điện Biên Trần Thanh Bắc.

Tôn trọng, thấu hiểu đoàn viên

Không chỉ ưa sáng tạo, Trần Thanh Bắc còn là Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên nắm giữ nhiều “bí quyết” kéo sinh viên đến với hoạt động phong trào.

Với phương châm “Tôn trọng, sát với đoàn viên và có trách nhiệm với đoàn viên”, thủ lĩnh Đoàn Trần Thanh Bắc đã xây dựng mô hình, giải pháp: Mô hình 3C (chi đoàn, chương trình, cán bộ đoàn) thu hút, tập hợp đoàn viên sinh viên. Tất cả hoạt động đều bám sát vào điều kiện thực tế tại chi đoàn, thực tế của cán bộ, đoàn viên thanh niên. Nhờ đó, các phong trào triển khai đều thu hút đông đảo đoàn tham gia, đạt hiệu quả thiết thực. 

Bằng nhiệt tâm và hoạt động Đoàn sôi nổi, thầy Trần Thanh Bắc được công nhận là cán bộ Đoàn tiêu biểu toàn quốc đạt giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2018. Chia sẻ về cảm xúc khi thành tích được ghi nhận và trao tặng, Bí thư Đoàn cho biết: Tôi tự hào nhưng trên hết là trách nhiệm với sinh viên. Không chỉ tôi và mà các thầy cô giáo khác cũng luôn nỗ lực làm tốt công việc được giao bằng chữ tâm của mình.

Từng là sinh viên K15 của Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, anh Lò Văn Tâm đã “ngấm” dần sự năng nổ, hoạt bát từ người “thủ lĩnh” đoàn trường. Sau khi ra trường, Tâm mang kỹ năng, kiến thức học được từ phong trào ấy để gây dựng cho quê hương mình.

“Từ việc tham gia các phong trào Đoàn trong trường học, tôi nhận thấy khi mình có sức trẻ, còn cống hiến được sẽ không nề hà. Vì vậy, tôi đã triển khai các chương trình, hoạt động có ích ở địa phương như: Hướng dẫn bà con vệ sinh chuồng trại chăn nuôi. Tuyên truyền để bà con nâng cao nhận thức vệ sinh đường làng, xóm bản, tăng gia phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng…” - anh Lò Văn Tâm, Bí thư Đoàn xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo bộc bạch.

Mỗi khi đứng trên bục giảng, tôi lại nhớ về thời sinh viên. Khi đó, người dạy sẽ thấu hiểu, chia sẻ cùng trò không chỉ riêng kiến thức chuyên môn mà còn lý tưởng sống. Những bài học về giá trị cuộc đời cũng như “truyền lửa” tinh thần để các em vượt qua mặc cảm bản thân, có thêm động lực phấn đấu trở thành những hạt giống đỏ của bản làng vùng cao. - Thầy Trần Thanh Bắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ