Tiến trình đàm phán hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã bắt đầu

Tiến trình đàm phán hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã bắt đầu

(GD&TĐ) - Cuối tuần qua xuất hiện hàng loạt những tín hiệu mới khởi đầu cho cuộc đàm phán nhằm “hạ nhiệt” trên bán đảo Triều Tiên. Bằng chứng là cả Bắc và Nam Triều Tiên đều đưa ra những điều kiện cho quá trình đàm phán.  Giữa các thành viên khác của câu chuyện hạt nhân mang tên Triều Tiên như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đạt được sự hiểu biết nhất định. Theo các nhà phân tích, tiến trình đàm phán hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã bắt đầu.

Giữa lúc tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có chuyến công du 3 nước: Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Ông Kerry có nhiều chuyện phải bàn với Seoul, Bắc Kinh và Tokyo. Tuy nhiên, câu chuyện Triều Tiên vẫn là cốt lõi. Tại cả ba điểm đến, John Kerry phát đi tín hiệu rằng Washington sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng.

Chưa hết, người trực tiếp đến Bình Nhưỡng như một nhà ngoại giao con thoi (Mỹ vẫn có truyền thống như vậy) là cầu thủ bóng rổ nổi tiếng Dennis Rodman - thần tượng của Kim Jong Un.

Bình Nhưỡng đáp lại bằng một loạt các điều kiện để có thể... ngồi vào bàn đàm phán. Theo đó, Liên Hợp Quốc phải hủy bỏ cấm vận đối với Triều Tiên, liên minh Mỹ - Hàn phải chấm dứt các động thái đe dọa quân sự và phải thu hồi tất cả các loại vũ khí hạt nhân khỏi bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Bình Nhưỡng không quên yêu cầu Mỹ, Hàn phải cất lên lời... xin lỗi.

Tiến trình đàm phán hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã bắt đầu ảnh 1
Tên lửa Unha-3- “quả đấm thép” của CHDCND Triều Tiên

Còn trước đó, ở một góc độ khác, Bắc Triều Tiên đặt câu hỏi: Nói gì đến đàm phán, khi những động thái quân sự nhằm chống lại Triều Tiên đang được ráo riết tiến hành ở Hàn Quốc?

Có thể thấy, những phản ứng dữ dội mà Bình Nhưỡng thể hiện trong thời gian qua cũng chỉ nhằm mục đích đưa Mỹ và Hàn Quốc ngồi vào bàn đàm phán. Hàn Quốc quá hiểu điều này. Những động thái căng thẳng leo thang khiến không ít các nhà đầu tư băn khoăn với thị trường Hàn Quốc. Nếu không nhanh chóng giải quyết, để căng thẳng kéo dài, sự tháo chạy của các nhà đầu tư khỏi Hàn Quốc cũng là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, Seoul đã “xuống thang” và cách đây 2 tuần, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã đích thân kêu gọi đàm phán hòa bình. Bình Nhưỡng không vội vã nhận lời. Trong một tuyên bố cách đây 1 tuần họ còn gọi đề nghị đàm phán của Tổng thống Hàn Quốc là “mưu đồ xảo quyệt”. Tuy nhiên, lời đề nghị của Tổng thống Hàn Quốc rơi vào quên lãng trong 2 tuần là vừa đủ để CHDCND đưa ra điều kiện.

Phần lớn các mục trong bản điều kiện đàm phán của CHDCND Triều Tiên, từ hủy bỏ cấm vận của Liên Hợp Quốc đối với họ đến rút các loại vũ khí hạt nhân khỏi bán đảo Triều Tiên đều dễ hiểu. Chỉ có điều, tại sao lại phải có lời xin lỗi?

Thứ nhất, cả lãnh tụ vĩ đại Kim Nhật Thành lẫn lãnh tụ kính yêu Kim Jong Il đều bị miền Nam xúc phạm bằng cách đốt hình nộm. Đừng nói đến chuyện rằng đây chỉ là “hành động bột phát” của một nhóm người.

Thứ hai, phải xin lỗi vì tội vu khống miền Bắc là thủ phạm trong vụ nổ tàu hộ tống “Cheonan” ngày 26/3/2010, làm chết và mất tích 46 thủy thủ Hàn Quốc. Có cả các chuyên gia Nga tham gia điều tra vụ này nhưng chẳng ai dám kết luận rằng CHDCND Triều Tiên là thủ phạm. Vậy mà các quan chức Hàn Quốc không ngớt lời cáo buộc Bình Nhưỡng như một tội đồ trong vụ “Cheonan”. Giờ là lúc hoặc Hàn Quốc phải chứng minh ai làm nổ tàu, hoặc phải nói lời xin lỗi. Trước khi ngồi vào bàn đàm phán, mọi chuyện phải rõ ràng và như vậy mới có thể tin vào công lý. Quá logic!

Các động thái quân sự thù địch của Mỹ và Hàn Quốc với CHDCND Triều Tiên mà đỉnh điểm là cuộc tập trận “Đại bàng non” với sự tham gia của máy bay ném bom tàng hình B-2 (có vũ khí hạt nhân) vừa qua đã dấy lên phản ứng gay gắt của Bình Nhưỡng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để có thái độ xuống thang của Mỹ và Hàn Quốc (đề nghị đàm phán), Bình Nhưỡng phải đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đến căng thẳng tột độ. Đã có lúc cảm giác như thùng thuốc súng trên bán đảo Triều Tiên chỉ còn chờ ấn ngòi nổ. Giờ là lúc liên minh Mỹ - Hàn phải tháo gỡ căng thẳng thông qua đề nghị đàm phán, là lúc quyền chủ động thuộc về CHDCND Triều Tiên. Giờ đây, vị thế của CHDCND Triều Tiên đã khác xa so với cuối năm ngoái, kể cả khi vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh vào không gian thành công ngoạn mục.

CHDCND Triều Tiên như một nghệ sĩ, biết nắm bắt cơ hội, biết tạo scandal để khẳng định mình.

Tiến trình đàm phán hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã bắt đầu. Có thể Mỹ sẽ làm tất cả để Bình Nhưỡng không thể trở thành ông chủ của bàn cờ chiến cuộc. Tuy nhiên, CHDCND Triều Tiên đã đạt được mục đích quan trọng của họ - đàm phán hòa bình.

Duy Long

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ