Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Khuyết Hiệu trưởng đồng nghĩa với chậm phát triển

GD&TĐ - Hiệu trưởng trường đại học được ví như CEO của một tổng công ty. Thời gian qua việc nhiều trường rơi vào tình trạng ‘khuyết’ Hiệu trưởng, thậm chí có trường Ban giám hiệu chỉ còn một người, gây nhiều băn khoăn...

Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM có gần 2 năm không có Hiệu trưởng.
Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM có gần 2 năm không có Hiệu trưởng.

Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho thực trạng này? PV Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trao đổi với Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT).

Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng
Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng

Tình trạng nhiều trường đại học hiện nay chưa có hiệu trưởng, bà thấy vấn đề này như thế nào?

   TS.LS Nguyễn Thị Kim Phụng: Việc một số trường ĐH hiện chưa có vị trí Hiệu trưởng trước hết là một khó khăn cho nhà trường vì Luật Giáo dục đại học quy định Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của trường.

Nếu khuyết vị trí Hiệu trưởng thì một số hoạt động có thể bị chậm trễ như cấp văn bằng cho người học hoặc trong công tác tài chính… Đồng thời, khi nhà trường trong một thời gian dài không có hiệu trưởng thì cũng đồng nghĩa với việc chậm phát triển vì không có người chịu trách nhiệm “đứng mũi chịu sào”, giáo viên và người lao động không yên tâm công tác, người giỏi có cơ hội sẽ ra đi tìm nơi ổn định hơn…

Tình trạng này còn thể hiện năng lực tự chủ của một số trường, trách nhiệm của cơ quan quản lý trực tiếp và/hoặc của tổ chức Đảng, của những lãnh đạo tiền nhiệm chưa thực hiện tốt hoặc trường chưa được cấp trên tạo điều kiện để thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình về công tác cán bộ của nhà trường.

   Theo bà, nguyên nhân của vấn đề này do đâu?

   - Nguyên nhân có thể có nhiều. Tuy nhiên, trong phạm vi quan sát của tôi, tập trung ở các nguyên nhân cơ bản sau:

TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Khuyết Hiệu trưởng đồng nghĩa với việc chậm phát triển...
TS Nguyễn Thị Kim Phụng: Khuyết Hiệu trưởng đồng nghĩa với việc chậm phát triển...

(1) Về khách quan, trong thời gian đầu thực hiện những điểm mới của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34/2018), các trường đều phải chú trọng kiện toàn Hội đồng trường (HĐT), là điều kiện của một số quyền tự chủ mới theo Luật GDĐH (như quyền tự chủ tuyển sinh, mở ngành, liên kết đào tạo, quyết định mức học phí và các quyết sách lớn của nhà trường…) nên nhiều Hiệu trưởng hoặc những người được quy hoạch vị trí Hiệu trưởng chuyển sang làm Chủ tịch HĐT.

Trước khi Luật số 34/2018, HĐT đã được quy định, nhiều trường đã có tổ chức này nhưng do Luật GDĐH 2012 chưa có quy định thực quyền cho HĐT nên vị trí HĐT và Chủ tịch HĐT chưa được quy hoạch hoặc chưa chú trọng tìm người xứng tầm để quy hoạch. Đến khi  Luật số 34/2018 có hiệu lực, HĐT trở thành tổ chức quản trị ĐH có thực quyền, là thiết chế tiếp nhận/thực hiện quyền tự chủ của nhà trường nên nhiều cán bộ xứng tầm được bầu để đảm nhiệm vị trí này. Đến khi chọn vị trí hiệu trưởng thì nguồn bổ nhiệm bị thiếu hụt.

(2) Một nguyên nhân khách quan nữa là một số quy định hiện hành còn vênh nhau nên cách hiểu và vận dụng pháp luật về GDĐH và các quy định có liên quan không thống nhất. Ví dụ:

- Luật số 34/2018 quy định HĐT quyết định nhân sự hiệu trưởng trong quy trình bổ nhiệm nhân sự chung; nghĩa là, trường ĐH công lập phải thực hiện quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng sao cho vừa đảm bảo quyền quyết định của HĐT, vừa thực hiện quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý theo quy định chung (chủ yếu được quy định trong Nghị định 115/2020/NĐ-CP) và đáp ứng các quy định của Đảng về công tác cán bộ.

Tuy nhiên, về thủ tục, có cơ quan quản lý trực tiếp lại chỉ đạo chỉ được thực hiện quy trình 5 bước theo NĐ115, không được thêm bớt. Như vậy là không có thủ tục để HĐT quyết định nhân sự hiệu trưởng theo Luật GDĐH.

-Luật số 34/2018 quy định HĐT được quyết định nhân sự hiệu trưởng, cơ quan quản lý trực tiếp chỉ công nhận (trên cơ sở kiểm tra tiêu chuẩn và quy trình, không can thiệp vào quyền tự chủ về nhân sự hiệu trưởng của nhà trường). Tuy nhiên, Nghị định 115 lại có quy định chung về việc “Trường hợp nhân sự do cơ quan cấp trên có thẩm quyền dự kiến bổ nhiệm từ nguồn nhân sự ngoài đơn vị”.

Nếu áp dụng quy định này đối với trường ĐH thì trái Luật số 34. Trong trường hợp này phải hiểu là về cùng vấn đề, nếu có quy định khác nhau thì (trường ĐH được) áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn là Luật số 34; còn quy định nêu trên của Nghị định số 115/2020 chỉ áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập khác không phải là trường ĐH.

Thực tế thì vẫn có có cơ quan quản lý trực tiếp phớt lờ văn bản có hiệu lực cao hơn là Luật số 34 để thực hiện quy định tại Nghị định 115, bắt các trường đại học phải thực hiện quy định chung (không phù hợp với Luật số 34) để nhằm đưa nhân sự hiệu trưởng do Bộ chọn vào trường, từng là nguồn cơn cho tình trạng nhà trường không thể bổ nhiệm được hiệu trưởng…

(3) Về chủ quan, một số cơ quan cơ quan quản lý trực tiếp chưa muốn buông quyền quản lý để các trường ĐH được tự chủ theo Luật GDĐH. Ngoài ví dụ đã nêu trên thì vấn đề ra chủ trương bổ nhiệm Hiệu trưởng còn chưa được một số Bộ/Cơ quan quản lý trực tiếp, giao cho HĐT nên những thủ tục duyệt quy hoạch, xin chủ trương… ở một số nơi mất rất nhiều thời gian, nhất là khi dự kiến nhân sự và danh sách quy hoạch chưa đúng ý Bộ/Cơ quan quản lý trực tiếp...

(4) Lãnh đạo tiền nhiệm của một số trường cũng chưa chú trọng công tác cán bộ dẫn đến tình trạng trước khi Hiệu trưởng đương nhiệm hết nhiệm kỳ thì chưa có người đủ tiêu chuẩn thay thế. Trong khi, việc lúc nào Hiệu trưởng đương nhiệm hết nhiệm kỳ thường đã được biết từ 5 năm trước, đáng lẽ trong công tác cán bộ của nhà trường đã có thể rất chủ động.

Tuy nhiên, ở một số trường lại thành bị động, chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan như: chưa chú trọng công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ kế cận; do chọn người theo ekip và/hoặc vì lợi ích nhóm dẫn đến thực hiện quy trình bị trục trặc…

Trường ĐH Y Dược TPHCM hiện chỉ có một Hiệu phó phụ trách điều hành.

Trường ĐH Y Dược TPHCM hiện chỉ có một Hiệu phó phụ trách điều hành.

   Hướng giải quyết tình trạng này trong thời gian tới, theo bà thì nên như thế nào?

   - Việc giải quyết tình trạng trên trước hết là phải giải quyết, khắc phục các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó.

Ở thời điểm này, khi Luật số 34/2018 và Nghị định 99/2019 đã có hiệu lực được hơn 1 năm đến gần 2 năm. Bộ GD&ĐT đã có nhiều hội nghị tập huấn, văn bản chỉ đạo triển khai việc thực hiện Luật số 34/2018 và Nghị định số 99/2019. Có thể nói đã qua thời gian để các trường tìm hiểu, tổ chức, triển khai... Vì vậy, trường ĐH nào còn chưa có HĐT, chưa ban hành quy chế tổ chức hoạt động và các quy chế nội bộ khác, chưa bổ nhiệm hiệu trưởng và bộ máy hành chính theo quy định mới là khá chậm trễ.

Trước hết, các trường chậm trễ này phải rất nỗ lực trong việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý để thực hiện đúng Luật và thể hiện năng lực tự chủ của trường. Về lâu dài, các vấn đề như thẩm quyền, tiêu chuẩn, quy trình, quy định đối với các hoạt động mà trường được tự chủ đều phải quy chế hóa trong các văn bản nội bộ của trường để giảm thiểu sự tùy tiện và những việc làm vì lợi ích nhóm.

Bên cạnh đó, các công việc phải được kế hoạch hóa trong kế hoạch hàng năm, kế hoạch trung hạn… do HĐT ban hành. Nếu việc phát sinh ngoài kế hoạch thì Hiệu trưởng phải báo cáo HĐT trước khi thực hiện. Khi đó, những việc lớn như công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ quản lý nói chung và bổ nhiệm hiệu trưởng nói riêng không thể bị động và “ăn đong” như ở một số trường hiện nay…

Các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước cũng cần thường xuyên rà soát, kiểm tra, chỉ đạo kịp thời, định hướng cho nhà trường trong phạm vi thẩm quyền đã được luật quy định, yêu cầu trường trong thời hạn nhất định phải thực hiện được quy trình lựa chọn và trình công nhận hiệu trưởng.

Nếu không phải là những lý do đột xuất thì việc ra chủ trương bổ nhiệm hiệu trưởng nên đưa vào kế hoạch năm của trường, do HĐT quyết định và báo cáo cơ quan quản lý trong nội dung của kế hoạch năm (sau khi ban hành có gửi cơ quan quản lý để báo cáo), không nên yêu cầu “xin chủ trương” cơ quan quản lý như là những việc đột xuất và chờ cho chủ trương rồi mới được thực hiện.

Đặc biệt, cơ quan chủ quản chỉ kiểm tra tiêu chuẩn, quy trình để công nhận hiệu trưởng, do HĐT lựa chọn, quyết định, theo đúng Luật GDĐH. Việc chỉ đạo nhà trường về công tác cán bộ nên là các nghị quyết của tổ chức Đảng cấp trên, về chủ trương, tiêu chuẩn chuyên môn và chính trị… không nên chỉ đạo về nhân sự cụ thể.

Các cơ quan quản lý nhà nước/xây dựng chính sách công tác cán bộ trong hệ thống GDĐH như Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ… trước mắt cần phối hợp rà soát các quy định có liên quan nhưng nội dung chưa thống nhất trong một số văn bản để sửa đổi, bổ sung hoặc trình sửa đổi, bổ sung hoặc trình hướng dẫn những điểm còn vênh nhau, chưa rõ nghĩa, chưa chặt chẽ… để hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho các trường gặp khó khăn.Về lâu dài, công tác này cần được chú trọng ngay từ khi dự thảo văn bản để hệ thống pháp luật được quy định chặt chẽ, rõ ràng, khả thi.

Xin trân trọng cám ơn bà!

Thời gian qua nhiều trường ĐH phía Nam đã và đang rơi vào tình trạng khuyết Hiệu trưởng: ĐH Y Dược TPHCM,  ĐH Luật TPHCM, ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Giao thông vận tải TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Đồng Nai…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.