Hội nghị phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

GD&TĐ - Sáng 13/6/2019, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội nghị phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Hội nghị phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Hội nghị do GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp – Phó Hiệu trưởng chủ trì. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị đào tạo, phòng ban chức năng trong toàn trường.

Hội nghị được tổ chức nhằm cung cấp những thông tin bổ sung của Luật Giáo dục đại học đến toàn thể các cán bộ, giảng viên của nhà trường, giúp hiểu rõ hơn về các điều khoản mới, qua đó phục vụ cho công việc quản lý, đào tạo của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong giai đoạn sắp tới.

Hội nghị phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được tổ chức tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Hội nghị phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được tổ chức tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. 

Được biết, Luật Giáo dục đại học được Quốc hội khóa XII thông qua lần đầu tiên vào năm 2012. Luật được sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014, 2015. Ngày 19/11/2018, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (gọi tắt là Luật GDĐH 2018). Ngày 03/12/2018, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 13/2018/L-CTN công bố và Luật GDĐH 2018 có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. Theo đó, Luật GDĐH 2018 sửa đổi, bổ sung 36 điều, bổ sung mới 01 điều, bãi bỏ, thay thế một số cụm từ, từ ngữ và chỉnh sửa một số điều về mặt kỹ thuật văn bản pháp luật. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Công Nghiệp – Phó Hiệu trưởng cảm ơn sự tham dự của đông đảo của đại diện các đơn vị đào tạo, phòng ban chức năng trong nhà trường. Phó Hiệu trưởng nhấn manh: Là một tổ chức hợp tác của những người lao động trí óc, tự nguyện góp sức, góp vốn để xây dựng và phát triển trường bền vững, vì mục đích đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, không vì mục đích lợi nhuận, Trường đã chứng tỏ năng lực, thương hiệu cũng như vị thế của mình trong hệ thống giáo dục đại học quốc dân.

GS.TS Nguyễn Công Nghiệp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát biểu taị Hội nghị.

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong số những trường đại học ngoài công lập có cơ sở đào tạo riêng, đầu tư nghiêm túc cho cơ sở vật chất, coi đó là một trong những điều kiện cơ bản để tạo dựng một trường đại học đúng nghĩa. Việc áp dụng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vào hoạt động quản lý cũng như đào tạo tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là rất quan trọng. Điều đó không chỉ giúp trường phát triển mạnh mẽ, bền vững mà còn nâng cao uy tín của một trường đại học đa ngành, đa nghề trong xã hội.

Tại Hội nghị, được sự ủy quyền của Ban Giám hiệu nhà trường, PGS.TS. Hoàng Phước Hiệp – Chủ nhiệm Khoa Luật Kinh tế đã trình bày những nội dung cơ bản trong Luật GDĐH 2018 và một số Điều khoản có thể sẽ ảnh hưởng đến nhà trường. Theo Phó Giáo sư Hoàng Phước Hiệp, khi nghiên cứu Luật GDĐH 2018 phải hết sức chú ý đến Văn bản hợp nhất Luật GDĐH số 42/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018 của Văn phòng Quốc hội. Nổi bật nhất là 07 điểm đáng chú ý sau:

Luật GDĐH 2018 quy định các loại hình cơ sở GDĐH bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt văn bằng đại học theo hình thức đào tạo. Xuất phát từ quy định chung này, tại khoản 2 Điều 38 Luật GDĐH 2019 nêu rõ: “Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng”.

PGS.TS. Hoàng Phước Hiệp – Chủ nhiệm Khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trình bày những nội dung cơ bản của Luật GDĐH 2018 tại Hội nghị.
PGS.TS. Hoàng Phước Hiệp – Chủ nhiệm Khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trình bày những nội dung cơ bản của Luật GDĐH 2018 tại Hội nghị. 

Luật GDĐH 2018 quy định gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động thị trường lao động được quy định tại Khoản 6 Điều 12 chỉ ra rằng, những hoạt động cần thiết cho một cơ sở GDĐH phát triển bền vững, đó là: Gắn đào tạo với nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở GDĐH với doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ; có chính sách ưu đãi về thuế cho các sản phẩm khoa học và công nghệ của cơ sở GDĐH; khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận, tạo điều kiện để người học và giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Tại Điều 32, Luật GDĐH 2018 mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học trong toàn hệ thống. Theo đó, Luật sửa đổi xác định phạm vi quyền tự chủ đại học trong học thuật, chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản. Chủ trương tăng cường tư chủ cho các cơ sở GDĐH nhưng vẫn đảm bảo sự kiểm soát hợp lý chất lượng đào tạo, chú trọng quản lý đối với ngành liên quan đến sức khỏe, đào tạo giảng viên, an ninh, quốc phòng. Đây được đánh giá là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực GDĐH trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Bỏ quy định hiệu trưởng trường đại học có nhiệm kỳ 5 năm là nhóm nội dung được thảo luận khá nhiều trong quá trình xây dựng và thông qua Luật GDĐH 2018. Tại Khoản 1 Điều 20 quy định Hiệu trưởng cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận do Hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định bổ nhiệm. Nhiệm kỳ hoặc thời gian bổ nhiệm do Hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của Hội đồng trường, hội đồng đại học.

Giảng viên đại học có trình độ tối thiểu là thạc sĩ. Khoản 3 Điều 54 Luật GDĐH 2018 quy định  “Trình độ tối thiếu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng; trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ”. Luật GDĐH 2018 quy định rõ chức danh giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư. Luật cũng nhấn mạnh cơ sở GDĐH ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo.

Đảm bảo chất lượng GDĐH và Kiểm định chất lượng là nội dung được tranh luận khá nhiều trong quá trình soạn thảo và thông qua Luật GDĐH mới. Hệ thống đảm bảo chất lượng GDĐH bao gồm hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và bên ngoài thông qua cơ chế kiểm định chất lượng GDĐH, đồng thời phải tuân theo các nguyên tắc đã được đề ra. Ngoài ra, Luật GDĐH 2018 cũng quy định cơ sở GDĐH được phép lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong số các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận để kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH và chương trình đào tạo.

Một số nội dung khác của Luật GDĐH 2018 cũng được PGS.TS. Hoàng Phước Hiệp nêu ra, đó là các quy định về xếp hạng cơ sở GDĐH, nhà đầu tư trong lĩnh vực GDĐH; cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài; mở ngành đào tạo; chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh…

Hội nghị đã nhận được những ý kiến, quan điểm về tất cả Điều khoản được quy định tại Luật GDĐH 2018 và nhìn nhận về các vấn đề xung quanh nó. Tuy chỉ ra một vài điểm bất cập, khó khăn nhưng đại đa số đều tán thành các nội dung được đề ra tại Bộ Luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ