Tiến sĩ Nguyễn Tấn Khôi: Làm khoa học phải nhìn xa hơn một tí!

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Khôi: Làm khoa học phải nhìn xa hơn một tí!

(GD&TĐ) - Trong hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), các bài báo khoa học đóng một vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ là bản báo cáo về một công trình nghiên cứu, mà còn là một đóng góp cho kho tàng tri thức của thế giới. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ các tác giả, những người làm khoa học trong nước có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học thế giới luôn khiêm tốn. PV Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Nguyễn Tấn Khôi, giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học – ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), người có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học thế giới ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học.

PV: Thực tế, có một bài báo đăng trên tạp chí khoa học thế giới là niềm mơ ước của những người làm khoa học. Là một giảng viên trẻ, có duyên với những bài báo đăng trên tạp chí khoa học thế giới, anh có thể chia sẻ thêm về điều này?

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Khôi
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Khôi
 

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Khôi: Lần đầu tiên có công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín là một niềm vui và là niềm tự hào lớn. Đối với tôi thì lần đầu tiên được chấp nhận đăng là vào năm 2006 trên tạp chí của Hiệp hội hóa học Hoa Kỳ (J.A.C.S.), cũng may mắn là lúc đó công trình nghiên cứu tôi tham gia được Đài truyền hình FoxNews (Hoa kỳ) quan tâm và có đăng một bài về kết quả nghiên cứu. Lúc đó tôi còn trẻ lắm, chưa biết Impact Factor (IF) là gì nên đăng xong là quên luôn. Mãi đến năm 2009, tôi may mắn có 2 công trình được đăng trong cùng một số trên tạp chí hóa lý (JPC B) cũng trực thuộc Hiệp hội hóa học Hoa Kỳ (2009), lúc này tôi mới bắt đầu để ý đến chỉ số quan tâm của bài báo thông qua IF. Sau đó, tôi tra lại bài báo đầu tiên đăng vào năm 2006, thì đã thấy có hơn 60 người sử dụng kết quả của mình trong nghiên cứu của họ. Lúc đó, tôi thực sự là vui và cảm thấy được động viên nhiều lắm, hiểu thêm ý nghĩa của NCKH.

Theo anh thì nguyên nhân vì sao những người làm khoa học, GS, TS ở nước ta có ít bài báo đăng trên tạp chí khoa học thế giới?

Thật lòng mà nói thì Việt Nam ta không thiếu những GS, PGS và tiến sĩ có trình độ; tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ là do cơ chế quản lý nghiên cứu khoa học chưa thoáng và rườm rà. Làm khoa học chân chính ở Việt Nam khổ lắm, nhất là khoa học thực nghiệm. Ví dụ: mình cặm cụi ngồi viết đề cương mất hai tháng, và thường thì nếu được duyệt cấp kinh phí thì ít nhất một năm sau mới có kinh phí về. Lúc đó nhiều khi ý tưởng của mình đã cũ rồi, đã có người làm rồi. Đối với các đề tài lớn, công tác đấu thầu mua nguyên liệu hóa chất cũng làm các nhà khoa học đau đầu và mất hứng. Hơn nữa, một số tạp chí chuyên ngành đòi hỏi phải nộp phí cho quá trình phản biện và công bố, phí này dao động trong khoảng 500-1000 đô la Mỹ -  một khoản tiền khá lớn đối với người làm khoa học ở Việt Nam…

Tiền lúc nào cũng là một trở ngại trong NCKH. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nghĩ theo hướng đầu tư một chút, khi có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí thì chính tác giả là người tôi tạm gọi là có “thương hiệu” trong lĩnh vực đó nói riêng và rộng ra là quốc tế thì những cái “được” sau đó còn lớn hơn nhiều cái khoản chi phí đầu tư để đăng bài báo! Anh thấy thế nào?

Tôi thích suy nghĩ này của anh; nếu tác giả có điều kiện về mặt tài chính thì đây là sự đầu tư tốt. Tuy nhiên, cá nhân tôi cũng sẽ rất do dự nếu phải bỏ tiền túi ra để báo cáo kết quả; vì tôi sẽ dành ưu tiên cho việc mua nguyên vật liệu phục vụ cho nghiên cứu.  

Thực tế, Trường chúng tôi cũng đã hỗ trợ một phần chi phí đi lại cho giảng viên tham dự hội thảo khoa học trong và ngoài nước. Ngoài ra, theo tôi được biết thì quỹ nghiên cứu khoa học quốc gia NAFOSTED cũng có chương trình hỗ trợ các người làm khoa học trong đó có phí công bố và chi phí tham dự hội nghị. Ở ĐH Quốc tế TP.HCM cũng có chính sách khen thưởng cho giảng viên có công trình được công bố, cụ thể là 1500 USD cho một bài báo quốc tế và 750 USD cho một bài báo xuất bản trong nước. 

Giảng viên nghiên cứu khoa học
Giảng viên nghiên cứu khoa học
 

Anh nghĩ như thế nào về tinh thần đoàn kết và hợp tác trong NCKH ở nước ta nói chung?

Đúng là tinh thần đoàn kết trong NCKH ngày càng trở nên quan trọng và là xu hướng chính trong giới khoa học thực nghiệm. 5 năm trước, tôi đã tham gia viết đề cương nghiên cứu cùng với 3 nhóm nghiên cứu lớn khác nhau; và đó là lần đầu tiên chúng tôi “trúng” một đề tài lớn hơn tất cả các đề tài chúng tôi viết riêng lẻ (1.5 triệu USD).  Riêng ở Việt Nam, tôi nghĩ các nhóm nghiên cứu cũng đang cố gắng liên kết với nhau trong các đề tài; việc này sẽ thấy rõ trong các tiêu chí xét duyệt đề tài hỗ trợ bởi NAFOSTED. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ thì mức độ liên kết nhìn chung vẫn chưa mật thiết lắm.

Anh có thể chia sẻ thêm về nội dung bài báo khoa học của anh vừa  được đăng trên hệ thống tạp chí Nature, một tạp chí khoa học uy tín lớn trên thế giới?

Bài báo tôi tham gia công bố lần này không phải là một công trình khoa học riêng rẽ, mà đó là đúc kết của gần một thập kỷ nghiên cứu. Bài báo này sử dụng kết quả của gần 20 công trình lớn nhỏ có liên quan.

Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, hệ thống tạp chí này thường chọn đăng những công trình của các tác giả đã được thời gian thử thách. Một cách ngắn gọn, công bố khoa học này của tôi ứng dụng kỹ thuật laser xung nhanh tiên tiến trong nghiên cứu cơ chế hoạt động của phân tử LL37, một chất do hệ miễn nhiễm cơ thể tạo ra để bảo vệ mình. Công bố của chúng tôi lần này có ý nghĩa quan trọng vì đây là lần đầu tiên chủ thể được nghiên cứu LL37 đạt được độ phức tạp cao hơn đáng kể so với các chủ thể được nghiên cứu khác trong quá khứ.

Tại sao anh chọn đề tài nghiên cứu chuyên sâu về hóa sinh bề mặt, ở mức độ phân tử sử dụng…?

Tôi nghiên cứu hóa sinh bề mặt đơn giản là vì bề mặt chính là nơi mọi hiện tượng tương tác xảy ra. Thuốc tương tác với tế bào, khí độc tương tác với tế bào phổi, kính áp tròng tương tác với mắt, dầu gội đầu tương tác với tóc… Nếu các hiện tượng này được hiểu rõ thì chả phải mình sẽ tạo được thuốc hiệu quả nhất, cách ngăn khí độc tấn công phổi, kính áp tròng không làm khó chịu mắt, dầu gội đầu tốt nhất sao?

Khoa học bề mặt đang dần trở thành nhánh khoa học chủ đạo trong tương lai. Giải Nobel hóa học năm 2007 được trao cho ông tổ của khoa học bề mặt đó.

Có vẻ như anh đang ấp ủ một hoài bão, một khát vọng cho con đường phía trước! Có lẽ, đó cũng là một yếu tố cần cho những con người làm khoa học…?

Tôi cũng không biết mình có khát vọng hay hoài bão lớn hay không nữa. Trước mắt, tôi đến với khoa học là vì đam mê; đam mê trong việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề khoa học còn tồn tại; đam mê trong công tác hướng dẫn các em sinh viên. Nhưng tôi nghĩ, ai làm khoa học cũng phải nhìn xa một tí, ít nhất là trong lĩnh vực mình quan tâm nghiên cứu.

Cám ơn tiến sĩ.

LAM PHƯƠNG (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ