Đây là cơ sở để công nhận trình độ lẫn nhau giữa các quốc gia, giúp thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng. Nó mở ra nhiều cơ hội dịch chuyển lao động có kỹ năng đến những thị trường việc làm chất lượng cao.
Cấp chứng chỉ thông qua đánh giá kỹ năng
Khung trình độ quốc gia có tác động quan trọng đến việc nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Với Khung tiêu chuẩn trình độ quốc gia, không chỉ người lao động được đào tạo cơ bản mà kể cả những người lao động không qua đào tạo chính quy khi đã có thời gian, kinh nghiệm làm việc cũng được công nhận và cấp văn bằng chứng chỉ thông qua việc đánh giá trình độ kỹ năng nghề tại trung tâm.
Ông Vũ Hoài Phương – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế cho rằng, việc xây dựng Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN cần được thúc đẩy nhanh chóng hơn. Đặc biệt, trong ngành du lịch sự hội nhập rất nhanh, những tiêu chuẩn của các tập đoàn khách sạn quốc tế và khu vực đã thể hiện rất rõ. Khi tuyển dụng lao động họ căn cứ vào các vị trí việc làm và đòi hỏi năng lực của người lao động trong các vị trí việc làm đó.
Hiện nay, chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được xây dựng trên cơ sở tham vấn doanh nghiệp, nhưng chương trình đào tạo cũng kéo dài tới 1,5 năm cho trình độ trung cấp và 2,5 năm cho trình độ cao đẳng… nên sự chuyển đổi còn chậm so với yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch phải thường xuyên cập nhập những kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu của nhiều nhóm đối tượng khách hàng khác nhau.
Khung trình độ được đưa vào thực hiện sẽ là cơ sở để tham chiếu, giúp nhà trường tăng cường khả năng linh hoạt trong đào tạo, nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu mới của doanh nghiệp.
Khi được công nhận trình độ lẫn nhau, công việc được mô tả theo vị trí việc làm, người lao động sẽ được thẩm định và cấp chứng chỉ nằm trong hệ thống tham chiếu giữa các quốc gia với nhau, thì người lao động còn có thể tìm kiếm việc làm tại các quốc gia trong khu vực, hoặc làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Thúc đẩy xây dựng Khung tham chiếu trình độ ASEAN
Theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg, ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Khung trình độ quốc gia Việt Nam bao gồm 8 bậc nhằm xác định các tiêu chuẩn đầu ra, từ đó các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình và chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp cũng như nhu cầu học lên trình độ cao hơn của học sinh, sinh viên và người lao động.
Việc này nhằm hệ thống hóa trình độ lao động cũng như hệ thống văn bằng chứng chỉ Việt Nam, tạo cơ sở cho việc công nhận lẫn nhau về văn bằng, chứng chỉ giữa các quốc gia trong khối ASEAN và một số quốc gia khác trên thế giới.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Khi các khung trình độ được ban hành sẽ tác động rất lớn đối với giáo dục nghề nghiệp, trước hết phải xác định rõ các tiêu chuẩn kỹ năng nghề đối với từng bậc, từng ngành nghề đào tạo.
Xác định được tới từng khung trình độ có thể đáp ứng được ở từng công việc, vị trí việc làm cụ thể trong thị trường lao động, tạo điều kiện cho người lao động và doanh nghiệp trong tìm kiếm việc làm, tuyển dụng.
Các vị trí việc làm được mô tả tại khung trình độ quốc gia sẽ giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng xác định được trình độ kỹ năng của người lao động tại vị trí việc làm. Như vậy, khả năng chuyển dịch việc làm của người lao động sẽ nhanh hơn, phù hợp hơn với nhiều thị trường lao động.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trong khu vực ASEAN, đến nay mới chỉ có 4 nước đã được thông qua Báo cáo tham chiếu bao gồm Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia. Báo cáo tham chiếu đầy đủ gồm 11 tiêu chí, về nguyên tắc, sẽ do Ủy ban AQRF quốc gia đệ trình lên Ủy ban AQRF và được xem xét, thông qua tại các cuộc họp định kỳ của ủy ban này.
Trong tiến trình đó, các nước như Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianma và Brunei đang xây dựng Báo cáo tham chiếu thành phần.