(GD&TĐ) - Nhiều loài động vật không xương sống lẽ ra đã phải tiến hóa với tốc độ gấp 10.000 lần so với tốc độ tiến hóa thực có từ trước tới nay để có thể thích ứng với sự thay đổi khí hậu đột ngột, được dự báo sẽ diễn ra trong vài thế kỷ tới. Nhiều loài động vật do đó có thể bị tuyệt chủng.
Nhà sinh học tiến hóa John J. Wiens ở trường Đại học Arizona cùng nhà nghiên cứu Ignacio Quintero ở trường Đại học Yale đã tiến hành khảo sát xem các loài động vật khác nhau tiến hóa với tốc độ như thế nào để thích ứng với các loại hình khí hậu khác nhau trong quá khứ. Họ đã sử dụng dữ liệu về 540 loài động vật có xương sống trên cạn – bò sát, chim và thú có vú. So sánh tốc độ tiến hóa với tốc độ thay đổi thời tiết mà các nhà khí tượng học đã dự báo cho đến cuối thế kỷ XXI.
Hóa ra, các loài động vật có xương sống tiến hóa quá chậm để có thể thích ứng với thảm họa nóng lên toàn cầu vào năm 2100. Đồng thời các tác giả công trình nghiên cứu cảnh báo rằng nhiều loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng nếu chúng không thích nghi được với các điều kiện mới hoặc không thay đổi địa bàn sinh sống. “Mỗi loài có ổ khí hậu (Climate niche) riêng của chúng. Điều đó có nghĩa là chúng chỉ có thể tồn tại ở một chỗ với nhiệt độ và lượng mưa nhất định. Một số loài chỉ sống được ở khu vực có khí hậu nhiệt đới, một số khác – khí hậu ôn đới. Có loài sống trên núi cao, nhưng có loài sống trên sa mạc” – Ông Wiens cho biết.
Từ tính toán của Wiens có thể thấy phần lớn các loài có khả năng thích ứng với các điều kiện mới, khi sự thay đổi khí hậu diễn ra với giá trị 1 độ C/ 1 triệu năm. “Nếu nhiệt độ trung bình trên thế giới tăng thêm khoảng 4oC trong vòng 100 năm nữa như dự báo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), thì tiến hóa bình thường của nhiều loài để đạt tới sự thích ứng với các điều kiện mới, nhìn chung sẽ không có vai trò gì” – Ông Wins khẳng định.
Trong công trình nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu đã so sánh tốc độ thay đổi của tiến hóa trong quá khứ với tốc độ được dự đoán từ nay đến năm 2100. Họ kiểm tra xem có sự khác biệt về dữ liệu hay không. Nếu các dữ liệu là tương tự như nhau, có thể khẳng định răng trong tương lai từng loài cụ thể vẫn phải tiến hóa nhanh hơn nữa. Theo các nhà nghiên cứu trong nhiều trường hợp tốc độ tiến hóa trước đây chậm hơn 10.000 lần so với tốc độ phải diễn ra trong tương lai để loài có thể tồn tại.
Các nhà nghiên cứu cũng bổ sung rằng động vật có thể thích nghi với sự thay đổi khí hậu mà không cần phải tiến hóa. Chúng cũng có thể di chuyển đến khu vực mới nơi có khí hậu thích hợp hơn. Tuy nhiên, theo ông Wiens sự di chuyển đó không phải lúc nào cũng xảy ra. “Nhiều loài không kịp phản ứng đủ nhanh trước thay đổi khí hậu”- Ông nói.
Trong các nghiên cứu trước đó, Wiens kiểm tra xem điều gì đã trực tiếp gây ra sự tuyệt chủng của các loài. Theo ông điều quan trọng nhất là thiếu thức ăn, chẳng hạn trong trường hợp loài cừu núi Bắc Mỹ sừng lớn. Khi khí hậu trở nên khô hạn, loài cừu này bị thiếu cỏ nên đã bị chết đói.
Nguyễn Văn Minh
(Theo báo nước ngoài)