Tiêm phòng Covid-19 ở Đồng bằng sông Cửu Long: Tập trung vào học sinh dưới 12 tuổi

GD&TĐ - Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đang tiêm vắc-xin Covid-19 cho học sinh dưới 12 tuổi. Bên cạnh bảo đảm an toàn tuyệt đối khi tiêm ngừa thì công tác tuyên truyền đến phụ huynh được đặc biệt quan tâm.

Tiêm ngừa cho học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp).
Tiêm ngừa cho học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp).

Tập trung tiêm trong tháng 4 và 5

Tại tỉnh Đồng Tháp, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Cao Lãnh) là đơn vị đầu tiên triển khai tiêm cho trẻ, với khoảng 150 học sinh 11 tuổi. Đợt này, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ cho tỉnh Đồng Tháp 14.300 liều vắc-xin Moderna (liều 0,25 ml).

Theo lãnh đạo nhà trường, bước đầu có 160 học sinh lớp 5 (từ 10 - 11 tuổi) được phụ huynh đăng ký tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Thực hiện công tác tiêm chủng là cán bộ y tế của Trạm Y tế Phường 1, TP Cao Lãnh. Trong các ngày tới đây nhà trường tiếp tục tổ chức tiêm cho các trẻ còn lại, học sinh ở khối lớp 5, lớp 4 tiêm trước rồi đến lớp 3, 2 và lớp 1.

Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi có ý nghĩa quan trọng. Tiêm chủng là bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong tình hình dịch bệnh, góp phần giảm mắc bệnh cho trẻ em, giảm lây truyền giữa các thế hệ trong gia đình và giáo viên, học sinh tại trường học, giúp trẻ không bị gián đoạn việc học; Đồng thời giúp thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Ông Đoàn Tấn Bửu lưu ý các bậc cha, mẹ chủ động đăng ký tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho con em, không nên quá lo lắng về các phản ứng sau tiêm. Vì các loại vắc-xin sử dụng tiêm cho trẻ em đã được Bộ Y tế cấp phép và phê duyệt.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi sẽ được triển khai thực hiện từ tháng 4/2022 và hoàn thành trong quý II/2022. Đối tượng là tất cả trẻ từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đang sinh sống hoặc học tập trên địa bàn tỉnh. Dự kiến 95% trẻ từ đủ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm. Số lượng vắc-xin tiêm đủ 2 mũi là 338.316 liều.

Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) là đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai tiêm vắc-xin cho học sinh dưới 12 tuổi. Theo lãnh đạo nhà trường, công tác tiêm ngừa được chuẩn bị kỹ lưỡng. Học sinh được chia thời gian để đến tiêm theo thứ tự từng lớp. Các bàn tiếp nhận, bàn tiêm được bố trí theo quy tắc 1 chiều và giữ khoảng cách nhằm bảo đảm phòng, chống dịch.

Nhà trường chú trọng công tác theo dõi sức khỏe sau tiêm, yêu cầu học sinh ở lại để nhân viên y tế theo dõi sức khỏe trong 30 phút. Theo thầy Nguyễn Tường Huy, Hiệu trưởng nhà trường, ban đầu cũng có phụ huynh tâm lý lo lắng khi con em tiêm vắc-xin. Để tạo sự đồng thuận, nhà trường, giáo viên tổ chức tuyên truyền, nhất là thông tin về lợi ích của việc tiêm vắc-xin và những lưu ý phối hợp trong chăm sóc, theo dõi sức khỏe học sinh sau tiêm.

Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh có khoảng 106.800 trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 sẽ được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Để chuẩn bị cho công tác tiêm ngừa, ngành Y tế đã phối hợp với ngành Giáo dục chủ động tuyên truyền tạo sự đồng thuận và yên tâm cho phụ huynh, chuẩn bị tâm lý cho học sinh. Bố trí hơn 100 điểm tiêm ở các xã, phường, thị trấn và các cơ sở giáo dục; bố trí nhân lực, cơ sở vật chất bảo đảm công tác tiêm theo quy định.

Bên cạnh bảo đảm an toàn tuyệt đối khi tiêm ngừa thì công tác tư vấn, tuyên truyền được đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh bảo đảm an toàn tuyệt đối khi tiêm ngừa thì công tác tư vấn, tuyên truyền được đặc biệt quan tâm. 

Bảo đảm an toàn tuyệt đối

Ngày 21/4, Thành phố Cần Thơ bắt đầu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho gần 130.600 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Thành phố giao 4 bệnh viện chuẩn bị thuốc cấp cứu sẵn sàng ứng trực. Lực lượng y tế phường, xã và các trường học cũng chuẩn bị sẵn nhân lực, bàn tiêm.

Theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ, qua kiểm tra, ngành Y tế và ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện và ngành chức năng tổ chức các điểm tiêm rất chu đáo. Nhất là khâu sàng lọc đến khâu tiêm và theo dõi sau khi tiêm. UBND thành phố giao Sở Y tế phối hợp UBND quận, huyện chỉ đạo các trường phối hợp với phụ huynh theo dõi các em sau khi tiêm ngừa.

Ông Hiện cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền để phụ huynh, học sinh cùng với nhà trường thực hiện tốt công tác tiêm chủng. Về chất lượng tiêm vắc-xin, đặc biệt vắc-xin tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi giao cho ngành Y tế kiểm tra.

Trao đổi về công tác tiêm vắc-xin, ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ lưu ý: Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đang trong giai đoạn phát triển, vấn đề nhận thức về sức khoẻ vẫn còn hạn chế. Do đó rất cần sự phối hợp của phụ huynh, nhà trường, nhất là cán bộ y tế trong quá trình tổ chức khám sàn lọc và theo dõi sức khoẻ sau khi tiêm. Làm tốt những việc như thế sẽ bảo đảm chiến dịch tiêm an toàn, đúng theo chỉ đạo của thành phố và chủ trương của Bộ Y tế.

Theo ông Giang, thành phố được cấp khoảng 10.400 liều, Sở Y tế tham mưu lãnh đạo UBND thành phố thực hiện theo kế hoạch của Bộ Y tế là tổ chức tiêm từ lứa tuổi các lớp lớn dần xuống lớp nhỏ.

Tại tỉnh Cà Mau, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có 147.318 cháu. Trong đó, số lượng trẻ tập trung nhiều nhất là TP Cà Mau và huyện Trần Văn Thời; ít nhất tập trung ở huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Kế hoạch tiêm ngừa, trẻ học tại cơ sở giáo dục được tổ chức tại cơ sở giáo dục hoặc điểm tiêm chủng được cơ sở giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương và ngành Y tế lựa chọn.

Nhằm bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ, UBND tỉnh lưu ý phải kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm phân luồng từ bước tiếp đón đến cấp giấy xác nhận, kể cả đối với người hoãn tiêm hoặc chống chỉ định; Tư vấn cho phụ huynh về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc-xin và giải thích những phản ứng có thế gặp sau tiêm; Tư vấn các thông tin về theo dõi sau tiêm chủng.

Cùng con đến điểm tiêm ngừa Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), phụ huynh Lê Bảo Ngân cho biết: “Sau khi được nhà trường, giáo viên tư vấn nên gia đình yên tâm cho con đi tiêm ngừa Covid-19. Từ khi bước vào trường, phụ huynh và học sinh thấy rất yên tâm vì công tác phối hợp nhịp nhàng.

Khâu tiếp nhận thông tin, khám sàng lọc, tiêm ngừa, theo dõi sau tiêm được thực hiện nghiêm túc. Con tôi được tiêm ngừa nên rất yên tâm vì tất cả mọi người trong gia đình đều đã tiêm ngừa. Việc tiêm ngừa sẽ giúp mỗi thành viên và cả gia đình được bảo vệ trước đại dịch Covid-19”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.