Tượng đài 'Tiếng sấm đường 5' gần 58 tỷ đồng đang hoàn thiện

GD&TĐ - Tượng đài “Tiếng sấm đường 5” xây dựng tại xã Tuấn Việt (huyện Kim Thành) dự kiến được UBND tỉnh Hải Dương khánh thành vào đầu tháng 12 tới.

Tượng đài "Tiếng sấm đường 5" được Hải Dương đầu tư gần 58 tỷ đồng xây dựng tại xã Tuấn Việt, huyện KIm Thành
Tượng đài "Tiếng sấm đường 5" được Hải Dương đầu tư gần 58 tỷ đồng xây dựng tại xã Tuấn Việt, huyện KIm Thành

Công trình tượng đài được UBND tỉnh Hải Dương khởi công xây dựng vào ngày 9/8/2023 trên diện tích đất rộng 15.000m2 tại xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, sát với quốc lộ 5 và đường sắt Hà Nội – Hải Dương – Hải Phòng.

img20241119120230.jpg
Tượng đài "Tiếng sấm đường 5" bằng đá xanh tự nhiên đã được hoàn thành.

Theo thiết kế, tượng đài được xây dựng bằng chất liệu đá tự nhiên (ghép khối) cao 21,06m. Trên thân tượng đài là tượng 3 người con kiên trung đất Hải Dương tay cầm súng, tay ôm bọc phá hướng mắt về phía trước, nhìn ra đường 5 (còn gọi là quốc lộ 5). Dưới thân tượng được điêu khắc hình ảnh đoàn tàu chở vũ khí, khí tài quân sự của giặc Pháp bị dân quân du kích và bộ đội ta phục kích đánh mìn nổ tung...

img202411191158002.jpg
Hình tượng 1 cô gái và 2 chàng trai tay ôm bọc phá, tay cầm súng trên đỉnh tượng đài biểu tượng cho người con Hải Dương kiên trung, bất khuất, anh dũng

Ban quản lý dự án đầu tư của tỉnh Hải Dương được giao làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành sau 12 tháng (tức vào tháng 8/2024). Tuy nhiên, tiến độ triển khai xây dựng chậm, công trình đã không về đích đúng hẹn và dự kiến sang đầu tháng 12 tới mới hoàn thành và tổ chức lễ khánh thành.

img20241119115755.jpg
Hình ảnh đoàn tàu hở quân và vũ khí, khí tài của giặc Pháp bị dân quân du kích và bộ đội phục kích đánh mìn nổ tung.

Ngày 21/11, theo ghi nhận của PV, phần tượng đài, bờ rào và hệ thống đèn điện chiếu sáng đã hoàn thành; các phần việc khác như: khu vực sân trước tượng đài, đường đi, cây xanh, tiểu cảnh, …đang vào giai đoạn ốp lát, trang trí.

img20241119120301.jpg
Hàng rào bao quang công trình và điện chiếu sáng cũng đã hoàn thiện

"Tiếng sấm đường 5" là phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp trên đường 5 và tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội của quân và dân 3 tỉnh: Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên.

Theo sử sách ghi chép lại, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần 2. Để đảm bảo 2 tuyến đường giao thông huyết mạch được thông suốt, phục vụ việc vận chuyển vũ khí, khí tài quân sự và quân lính từ thành phố Hải Phòng cho khắp chiến trường Bắc Bộ, đặc biệt là cứ điểm Điện Biên Phủ, giặc Pháp đã lập nhiều đồn bốt, tháp canh kiên cố; đồng thời mở nhiều cuộc tuần tra, càn quét quân và dân ta dọc 2 bên tuyến đường 5 và các vùng phụ cận…

img20241119115823.jpg
Gạch, đá tập kết sẵn chân công trình phục vụ ốp lát sân trước tượng đài và vỉa hè đường nội bộ

Trước sự xâm lược và tàn ác của giặc Pháp, quân và dân Hải Dương cùng với quân dân Hải Phòng, Hưng Yên đã kiên cường chiến đấu, bám đất, bám làng. Nhiều trận chiến đấu ác liệt đã nổ ra. Trận đặt hơn 1000 quả mìn tự chế của du kích quân 7 xã của huyện Kim Thành diễn ra vào đêm 4/2/1948 đã phá hỏng gần 20km đường sắt qua địa bàn. Tiếp đến là trận đêm ngày 5/10/1948) do du kích Cẩm Hoàng dùng mìn địa lôi phá huỷ đường sắt Cầu Dê, lật đổ 1 đoàn tàu có 8 toa xe, diệt 250 tên giặc và làm bị thương hơn 100 tên khác.

Đặc biệt trận phục kích đánh mìn lật đổ cả đoàn xe lửa chở quân và vũ khí khí tài địch chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ trên tuyến đường sắt Hải Phòng-Hải Dương-Hà Nội tại khu vực ga Phạm Xá (huyện Kim Thành) vào ngày 31/1/1954 đã gây tổn thất nặng nề cho giặc Pháp.

Kết quả, 1.017 lính Pháp bị tiêu diệt tại chỗ, nhiều vũ khí, khí tài quân sự bị phá hỏng và bị quân ta thu giữ.

Đây là một trận thắng vang dội, làm nên ý nghĩa "Sấm đường 5" gắn với tên tuổi nhiều anh hùng của mảnh đất Hải Dương như: "vua mìn đường 5" Nguyễn Văn Thòa, Anh hùng Lê Văn Nổ, Nữ du kích Đinh Thị Nhìn, Anh hùng Đặng Đức Song, Anh hùng Hà Văn Nọa…

Để tri ân những đóng góp, hy sinh của bộ đội, du kích... đã ngã xuống trong các chiến dịch đánh mìn trên tuyến đường 5 và đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, tỉnh Hải Dương đã đầu tư, khai xây dựng công trình tượng đài “Tiếng sấm đường 5” tại xã Tuấn Việt.

Công trình có kinh phí dự toán trên 57,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh và nguồn xã hội hoá.

Theo UBND tỉnh Hải Dương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ