Bộ Quốc phòng Ukraine đã gửi yêu cầu tới NATO về khả năng ghép nối các hệ thống điện tử hàng không của máy bay chiến đấu F-16AM/BM, được các quốc gia thuộc Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương cung cấp, với mạng trao đổi dữ liệu chiến thuật quân sự Link-16 được sử dụng bởi hàng không của khối.
Trong trường hợp được phê duyệt, máy bay trinh sát NATO bao gồm RC-135W, E-3A, P-8A, Saab-340 và một số loại khác sẽ cung cấp cho tiêm kích F-16 của Không quân Ukraine quyền truy cập trực tiếp vào thông tin tình báo theo thời gian thực, từ đó nâng cao nhận thức tình huống của Lực lượng vũ trang Ukraine.
Mối quan tâm đặc biệt của Kyiv là cơ hội tăng cường tính bí mật của những cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga ở độ cao cực thấp bằng cách sử dụng Link-16, cho phép nhận dữ liệu từ máy bay trinh sát trong thời điểm hệ thống radar hàng không của tiêm kích bị tắt.
Về vấn đề này, hiện có lo ngại viễn cảnh các mảnh vỡ hay toàn bộ máy bay chiến đấu F-16 (trong trường hợp bị cướp) hoặc một số tiêm kích khác do phương Tây sản xuất và cung cấp cho Ukraine có lắp đặt hệ thống Link-16 rơi vào tay người Nga.
Điều này sẽ gây tác động rất tiêu cực đến hiệu quả chiến đấu của hàng không NATO. Hơn nữa, Moskva còn có thể chia sẽ thông tin với Trung Quốc, Iran và Triều Tiên, thực tế này thậm chí còn tồi tệ hơn.
Việc kết nối F-16 của Ukraine với hệ thống trao đổi dữ liệu Link-16 sẽ yêu cầu lắp đặt thêm những thiết bị vốn đã bị tháo dỡ trước khi số máy bay chiến đấu này được gửi sang Kyiv.
Nếu để lộ bí mật, Nga sẽ nhận được quyền truy cập vào hệ thống mật mã của NATO cài đặt sẵn trong thiết bị. Ngoài ra nguy cơ tình báo lấy cắp dữ liệu mà không cần cướp máy bay cũng được đánh giá là rất cao, chính vì vậy chưa chắc Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương chấp thuận yêu cầu từ Kyiv.