Miễn thi ngoại ngữ nhưng không tính điểm tốt nghiệp THPT:

Đưa chứng chỉ ngoại ngữ về giá trị thực

GD&TĐ - Dự thảo quy định, thí sinh có đủ điều kiện được miễn thi ngoại ngữ nhưng không được quy đổi để tính tổng điểm tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: TG
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: TG

Quy định này thu hút sự quan tâm của dư luận.

Cơ hội khẳng định bản thân

Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thí sinh có đủ điều kiện vẫn được miễn thi bài thi ngoại ngữ như hiện tại, nhưng sẽ không được quy đổi điểm để tính vào tổng điểm xét tốt nghiệp.

Là Tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh tại Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang), cô Phạm Thị Liên nhận định, dự thảo này sẽ tác động hai chiều đến học sinh. Nhiều em trước đây đã nỗ lực để đạt được các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL hay chứng chỉ tương đương khác, việc không được quy đổi điểm sẽ cảm thấy tiếc nuối.

Tuy nhiên, tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ sẽ giúp đánh giá đúng năng lực của thí sinh. Điều này khuyến khích các em không chỉ học ngoại ngữ để lấy chứng chỉ mà thực sự rèn luyện kỹ năng cho mình. Nói cách khác, thi cử sẽ giúp các em chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ thi lớn hơn sau này. Học sinh sẽ có cơ hội chứng minh khả năng của mình thông qua một kỳ thi chuẩn hóa, thay vì chỉ dựa vào chứng chỉ bên ngoài.

Đối với học sinh đủ điều kiện miễn thi ngoại ngữ nhưng vẫn quyết định tham gia thi để tính điểm vào kỳ thi tốt nghiệp sẽ không gặp quá nhiều áp lực bởi đã có nền tảng kiến thức vững chắc. Thay đổi nào cũng cần thời gian để thích nghi; giáo viên, nhà trường và gia đình cần đồng hành cùng các em trong quá trình đó.

“Tôi tin rằng điều quan trọng là chúng ta - những người làm giáo dục cần hỗ trợ, định hướng ngay từ bây giờ để các em có đủ thời gian chuẩn bị và tự tin hơn khi bước vào kỳ thi. Từ đó giúp học sinh thấy rằng kỳ thi này không chỉ là thử thách mà còn như cơ hội để khẳng định bản thân”, cô Phạm Thị Liên trao đổi.

dua-chung-chi-ngoai-ngu-ve-gia-tri-thuc-2.jpg
Cô Phạm Thị Liên - Tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh tại Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang). Ảnh: TG

Tạo sự công bằng

Cô Lý Hải Nhẫn - giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Nam Định (Nam Định) cho biết, dự thảo quy chế này góp phần tạo sự công bằng cho các thí sinh, giảm khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, vùng sâu xa. Thực tế, đa số em có đủ điều kiện học và thi lấy các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tập trung ở thành phố lớn, hay nơi có điều kiện học tiếng Anh tốt.

“Học IETLS phải chi trả những khoản phí không hề nhỏ. Nếu áp dụng quy định đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ như hiện tại vô hình trung tạo nên một “cơn sốt”, mọi người đua nhau đi học lấy chứng chỉ. Nhiều gia đình dù không có điều kiện nhưng vẫn tìm mọi cách để con được ôn luyện và thi IETLS. Thậm chí, có tình trạng học sinh chỉ lo học chứng chỉ mà “quên” các môn còn lại”, cô Nhẫn dẫn chứng.

Không chỉ vậy, nhiều em có tâm lý chủ quan khi có chứng chỉ ngoại ngữ sớm từ năm lớp 10 hoặc 11 và không học đầy đủ môn Tiếng Anh trên lớp. Ngoại ngữ là môn học đòi hỏi phải có sự rèn luyện hằng ngày, trau dồi đều đặn. Khi dự thảo quy chế của Bộ GD&ĐT được thông qua sẽ đưa các chứng chỉ quốc tế về đúng giá trị thực là phục vụ cho du học hoặc nghề nghiệp, hoàn toàn không phải “con đường tắt” để miễn thi ngoại ngữ.

Cô Lý Hải Nhẫn khẳng định, việc không quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ để tính vào tổng điểm xét tốt nghiệp tạo nên sự chuẩn hóa, phản ánh đúng mục tiêu của Chương trình GDPT mới, đánh giá học sinh toàn diện và thực chất.

Theo quy định hiện hành, điều kiện được miễn bài thi ngoại ngữ khi thí sinh là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ; hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ tương đương bậc 3 trở lên trong khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và có giá trị sử dụng đến ngày làm thủ tục dự thi. Với IELTS, mức điểm tương đương được miễn thi ngoại ngữ là từ 4.0.

Từ quy định hiện hành, cô Nguyễn Lan Hương - giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) nhìn nhận, dự thảo lần này có nhiều điểm tích cực khi đảm bảo tính công bằng hơn cho thí sinh có thế mạnh ở các môn khác. Bên cạnh đó, quy định mới có thể khuyến khích học sinh chú trọng vào việc học tập toàn diện các môn học khác, chứ không chỉ tập trung quá nhiều vào ngoại ngữ. Điều này góp phần phát triển năng lực tổng hợp của học sinh theo định hướng chung của Chương trình GDPT 2018 mà các trường đang triển khai.

Cũng theo cô Lan Hương, xét ở một góc độ khác, một số học sinh có thể mất đi động lực học tiếng Anh khi thấy rằng môn học này không còn đóng vai trò quá quan trọng trong việc xét tốt nghiệp THPT. Nhiều học sinh có thể chuyển hướng sang các phương pháp học tập khác, tập trung vào các môn học mà các em cảm thấy quan trọng hơn.

“Dù vậy, việc không quy đổi điểm thi ngoại ngữ có thể giúp đánh giá năng lực thực tế của học sinh khách quan hơn. Điểm thi chỉ là một phần của quá trình đánh giá, còn nhiều yếu tố khác như khả năng giao tiếp, ứng dụng ngôn ngữ vào thực tế cũng rất quan trọng”, cô Nguyễn Lan Hương phân tích thêm.

“Theo quan điểm cá nhân, Bộ GD&ĐT dự kiến quy định miễn thi ngoại ngữ có thể không được quy đổi điểm để xét tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 sẽ không ảnh hưởng nhiều tới việc học tiếng Anh cũng như đăng ký tổ hợp vào đại học có môn này vì quy định xét tốt nghiệp THPT hiện nay không xếp loại giỏi, khá, trung bình như trước.

Vì vậy, có chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp, được miễn thi tốt nghiệp với học sinh là “mong ước”, không cần quy đổi cụ thể bao nhiêu điểm. Với học sinh dùng môn Ngoại ngữ để xét tuyển vào đại học thì quy chế này vẫn như trước đây: Học sinh phải tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT để dùng tổ hợp điểm của 3 môn xét vào đại học nên không ảnh hưởng đến việc lựa chọn môn của học sinh”, thầy Vũ Xuân Tiến - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên, Trường ĐHSP Hà Nội nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.