Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Kỳ vọng lợi ích lớn về kinh tế

GD&TĐ - Chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam nhận được sự quan tâm cả ở trong và ngoài nước.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Dự án được đánh giá mang lại lợi ích lớn về kinh tế - xã hội.

Cân đối nguồn vốn

Chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đang nhận được sự quan tâm của các đại biểu và nhân dân cả nước.

Dự kiến nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 16,2% kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn chiếm 5,5 - 5,7% GDP như hiện nay; khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1% GDP năm 2027 (thời điểm khởi công dự án).

Tại nghị trường, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho biết, đây là dự án lớn nhất trong lịch sử với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 67 tỷ USD (khoảng 1,7 triệu tỷ đồng). Vì vậy, cần phải tính toán kỹ lưỡng bởi các khoản chi ngân sách Nhà nước còn nhiều như: Khoản chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi hàng năm theo kế hoạch trung hạn, đề án...

Để từ đó đánh giá khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước, sức chịu đựng của nền kinh tế, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn nợ công quốc gia, nợ nước ngoài… Báo cáo của Chính phủ, chỉ riêng 4 tuyến đường khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, Lào thì tổng mức đầu tư đã lên tới 27,1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, một số dự án theo kế hoạch như hoàn thiện 5.000 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam đến năm 2030, 10.000 km vào năm 2045; các giai đoạn tiếp theo của sân bay quốc tế Long Thành… Những dự án này đang cần nguồn vốn hàng tỷ USD.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đồng tình với chủ trương đầu tư dự án bởi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là xu thế tất yếu, là tiền đề chiến lược để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển.

Phân tích về khả năng cân đối nguồn vốn, đại biểu Hạ nhận định: Dự án đang đặt trong tổng thể mục tiêu từ nay đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao nên cần phải cân đối nguồn vốn để vừa phát triển kinh tế, vừa ưu tiên thực hiện dự án trọng điểm…

Bà Đinh Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội (ĐBQH đoàn Quảng Ngãi) tán thành với chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.

Đại biểu Lan đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ chủ động, sẵn sàng ứng phó với rủi ro về lãi suất, tỷ giá tín dụng, lạm phát… để phòng ngừa rủi ro trong đầu tư.

Chính phủ nghiên cứu và ban hành chính sách tín dụng, lãi suất đặc thù hỗ trợ đầu tư cho các công trình giao thông quan trọng, trọng điểm của quốc gia, trong đó có Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ngắn, trung và dài hạn.

Đồng thời cần quan tâm thu hút đầu tư tư nhân trong nước để giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển, vừa có thể huy động được nguồn lực toàn xã hội để giảm bớt sức ép ngân sách Nhà nước; giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài...

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đề xuất, ưu tiên thành phần kinh tế tư nhân trong thực hiện dự án đường sắt cao tốc, như vậy khả năng sẽ tiết kiệm được khoảng 30% chi phí, trong khi trình độ của doanh nghiệp Việt Nam hiện đã khác.

Báo cáo giải trình cuối buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự kiến Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chỉ vay vốn tối đa 30%, hiện chưa quyết định vay trong nước hay vay ODA.

“Nếu vay vốn ODA mà lãi suất thấp và không ràng buộc thì vay rất tốt, còn nếu có ràng buộc thì sẽ ưu tiên vay trong nước”, Bộ trưởng Thắng nói.

du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-ky-vong-ve-loi-ich-kinh-te-2.jpg
Chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhận được kỳ vọng của nhân dân và đại biểu Quốc hội.

Mang lợi ích lớn về kinh tế

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu và hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào cuối Kỳ họp thứ 8 này.

Theo Bộ trưởng Thắng, hình thức đầu tư dự án theo đầu tư công là phù hợp. Dẫn chứng, kinh nghiệm quốc tế của 27 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không khả thi, nhiều nước phải quốc hữu hóa hay nâng mức hỗ trợ của nhà nước lên rất cao.

Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, Dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam mang lại lợi ích rất lớn về kinh tế - xã hội. Theo tính toán, 4 năm đầu khai thác thì doanh thu vẫn phải bù đắp chi phí vận hành, bảo trì phương tiện.

Nhà nước cần hỗ trợ một phần từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để bố trí cho hệ thống đường sắt như hiện nay để bảo trì kết cấu hạ tầng, số năm hoàn vốn tối đa là hơn 33 năm.

Dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 67,34 tỷ USD. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, tổng mức đầu tư này được tính theo quy định của pháp luật về xây dựng và các điều kiện kinh tế vĩ mô tại thời điểm hiện nay.

Bộ GTVT sẽ tiến hành đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tiếp tục rà soát, tính toán tổng mức đầu tư dự án bảo đảm tính đúng, tính đủ, phù hợp với công nghệ, quy mô đầu tư dự án.

“Với Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, suất đầu tư khoảng 43,7 triệu USD/km. So với các nước trên thế giới, đây là mức trung bình khi quy đổi về thời điểm năm 2024. Việc so sánh suất đầu tư giữa các dự án cũng chỉ mang tính tương đối do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Công nghệ, điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, khả năng nội địa hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) cho rằng, sự cần thiết đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dựa trên những cơ sở chính trị, pháp lý tại tờ trình của Chính phủ.

Để Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân, cần phải có quy hoạch nhằm đảm bảo kết nối đồng bộ, phát huy hiệu quả kết nối giữa các phương thức giao thông, giảm chi phí đi lại. Có thể kết nối liên vận với mạng lưới đường sắt các nước trong khu vực để giải quyết nút thắt về logistics và liên thông quốc tế.

“Dự án của chúng ta đã được nghiên cứu rất dài, tính đủ thời gian là 18 năm. Hồ sơ đã được Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện. Từ kết quả dự báo nhu cầu vận tải, tiềm lực vị thế quốc gia cho thấy năm 2027 là thời điểm thích hợp để triển khai đầu tư”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.