Nhiều bình luận thu hút chú ý ngay sau cuộc tấn công tên lửa Oreshnik

GD&TĐ -Ngay sau khi Tổng thống Nga công bố việc tấn công lãnh thổ Ukraine bằng tên lửa Oreshnik, đã có rất nhiều bình luận về hoạt động quân sự này của Nga.

Nga phóng tên lửa đạn đạo tầm trung mới Oreshnik vào mục tiêu của Ukraine ở Dnipro, ngày 21/11/2024.
Nga phóng tên lửa đạn đạo tầm trung mới Oreshnik vào mục tiêu của Ukraine ở Dnipro, ngày 21/11/2024.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/11 tuyên bố quân đội nước này đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung mới có tên gọi là Oreshnik vào mục tiêu quân sự của Ukraine để đáp trả việc lực lượng Kiev gần đây sử dụng vũ khí của Mỹ và Anh tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Bình luận về việc Nga sử dụng tên lửa Oreshnik tấn công mục tiêu ở Ukraine, người đứng đầu Cộng hòa Chechnya, Ramzan Kadyrov, nói rằng, sự việc này có thể buộc các nước phương Tây phải xem xét lại lập trường của mình, và bắt đầu ám chỉ đến khả năng đàm phán.

"Bạn thấy đấy, họ đang ngồi đó ở phương Tây, ấm áp và khá bình tĩnh. Vì vậy, hãy để họ tự cảm nhận được một cuộc chiến thực sự là như thế nào. Đã đến lúc giáng một đòn mạnh vào các mục tiêu của những quốc gia sợ công khai thừa nhận sự tham gia của họ vào cuộc chiến", ông Kadyrov viết trên Telegram, và nhấn mạnh rằng, các nước phương Tây cung cấp hỗ trợ cho Ukraine thực sự tham gia vào cuộc xung đột, và việc họ không hành động trong các vấn đề đàm phán với Nga chỉ kéo dài tình hình hiện tại.

Theo người đứng đầu Chechnya, việc trình diễn năng lực quân sự của Nga, như Oreshnik, có thể trở thành một yếu tố quan trọng để thay đổi lời lẽ của các nhà lãnh đạo phương Tây.

Fabian Rene Hoffmann, một chuyên gia về vũ khí tại Đại học Oslo, nhận định về mục đích của cuộc tấn công mới nhất này của Nga:

"Điều mà Moscow muốn nói với chúng ta ngày hôm nay là 'Hãy xem, cuộc tấn công đêm qua không phải là vũ khí hạt nhân, nhưng, bạn biết đấy, nếu bất cứ điều gì bạn tiếp tục làm, cuộc tấn công tiếp theo có thể sẽ là đầu đạn hạt nhân’".

Trong khi đó, Roman Kostenko, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng và tình báo tại Quốc hội Ukraine, cho biết, cuộc tấn công hôm 21/11 của Nga sẽ không thúc đẩy Kiev thay đổi cách thức tiến hành chiến tranh, bao gồm cả việc tấn công trả đũa các mục tiêu ở Nga để tự vệ.

Trên hết, các quan chức Nga và phương Tây đã tranh cãi về việc ai phải chịu trách nhiệm cho làn sóng leo thang gần đây.

Trong khi Điện Kremlin hành động này do Washington đã cấp phép cho Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga bằng vũ khí phương Tây, Nhà Trắng lại cho biết chính hành động của Moscow đã dẫn đến quyết định này, đặc biệt là trích dẫn quyết định của Nga mời hàng nghìn quân Triều Tiên đến giúp giải tán lực lượng Ukraine tại một phần khu vực Kursk của Nga.

Karine Jean-Pierre, Thư ký báo chí Nhà Trắng nhắc lại lập trường của Nhà Trắng rằng, quyết định đưa quân đội Triều Tiên vào cuộc xung đột là hành động leo thang quan trọng, và Mỹ sẽ không thay đổi trong chính sách về vũ khí của mình.

"Đây là hành động tấn công của họ: không phải của Ukraine, không phải của chúng tôi", bà Jean-Pierre nói.

Tại Dnipro - địa điểm diễn ra cuộc tấn công tên lửa của Nga hôm 21/11, các quan chức vẫn đang đánh giá mức độ thiệt hại mặc dù có vẻ như không quá nghiêm trọng.

Chính phủ Ukraine không cung cấp đánh giá thiệt hại sau các cuộc tấn công nhắm vào các tài sản quân sự chiến lược, nhưng cư dân địa phương cho rằng, nhà máy chế tạo máy Pivdenmash đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Công việc chính xác hiện đang diễn ra tại nhà máy này là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ, nhưng lịch sử của nhà máy này với tư cách là nhà sản xuất tên lửa trong Chiến tranh Lạnh thì rất nổi tiếng, khiến nơi đây thường xuyên trở thành mục tiêu tấn công trong suốt cuộc chiến.

Valeriy Chaly, cựu đại sứ Ukraine tại Mỹ, mô tả cuộc tấn công là "giai đoạn mới" trong hành động tấn công của Nga.

"Đây không chỉ là vấn đề của Ukraine. Đây là thách thức đối với hệ thống an ninh châu Âu và Mỹ. Moscow đang ra hiệu rằng, họ sẵn sàng leo thang đáng kể để gây ảnh hưởng đến phương Tây", ông Chaly nói, và lưu ý: “Phản ứng đối với cuộc tấn công phải rõ ràng, thống nhất và quyết đoán - bất kỳ điều gì kém hơn đều có nguy cơ khiến Nga trở nên táo bạo hơn và gây nguy hiểm cho an ninh toàn cầu".

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, hầu như không nhắc đến cuộc tấn công trong cuộc họp báo hôm 21/11.

Một số nhà phân tích nhận định, sự dè dặt được tính toán này làm gia tăng sự bất an trên toàn cầu, khi Moscow vừa đưa ra những cảnh báo công khai vừa đưa ra những lời đe dọa ngấm ngầm, cho rằng, điều này là một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm khiến các quốc gia phương Tây không chắc chắn về những động thái tiếp theo của Nga.

Theo Avia-pro và NYT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ