Tiềm năng trong đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn tại Đại học Huế

GD&TĐ - Đào tạo nhân lực ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn đang phát triển mạnh mẽ. Đại học Huế đang chuẩn bị đưa ngành mới này đến giảng dạy cho sinh viên.

Hội nghị “Tiềm năng và thách thức trong đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn” tại Đại học Huế. (Ảnh: N.H)
Hội nghị “Tiềm năng và thách thức trong đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn” tại Đại học Huế. (Ảnh: N.H)

Sức hút từ ngành vi mạch bán dẫn

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn đang là thực tế ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tốc độ phát triển nhanh chóng cũng đồng nghĩa với việc vấn đề đào tạo nhân lực trở thành một trong những bài toán mang tính quyết định được đặt ra cho ngành vi mạch bán dẫn, thu hút sự quan tâm của xã hội.

Chính vì sự quan trọng đó nên ngày 5/4, tại Đại học Huế đã diễn ra Hội nghị “Tiềm năng và thách thức trong đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn” với sự tham gia của 2 chuyên gia đến từ các công ty vi mạch bán dẫn hàng đầu là ông Nguyễn Thế Hiển, Tổng Giám đốc Công ty DreamBig Semiconductor Việt Nam và ông Bùi Quang Ngọc, Giám đốc điều hành cấp cao Công ty Marvell Việt Nam cùng với hơn 500 sinh viên đến từ các trường đại học thành viên và khoa thuộc Đại học Huế.

PGS.TS Nguyễn Quang Lịch - Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế (trái) cùng ông Nguyễn Thế Hiển, Tổng giám đốc Công ty DreamBig Semiconductor Việt Nam (phải) và ông Bùi Quang Ngọc, Giám đốc điều hành cấp cao Công ty Marvell Việt Nam (giữa).

PGS.TS Nguyễn Quang Lịch - Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế (trái) cùng ông Nguyễn Thế Hiển, Tổng giám đốc Công ty DreamBig Semiconductor Việt Nam (phải) và ông Bùi Quang Ngọc, Giám đốc điều hành cấp cao Công ty Marvell Việt Nam (giữa).

Tại buổi tọa đàm PGS.TS Nguyễn Quang Lịch - Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế đã chia sẻ các thông tin về đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến lĩnh vực vi mạch và bán dẫn tại Đại học Huế. Hiện nay, hàng năm Đại học Huế đào tạo gần 300 sinh viên có liên quan đến lĩnh vực Công nghệ vi mạch và bán dẫn như các ngành Kỹ thuật điện – điện tử, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Điện tử viễn thông và Cơ điện tử… Tuy nhiên, theo các chuyên gia hiện nay ở Việt Nam chưa có các chương trình đào tạo chuyên sâu cho Công nghệ vi mạch và bán dẫn do đó nguồn nhân lực để phục vụ cho ngành công nghiệp này vẫn còn là thách thức cho các đơn vị đào tạo.

Chính vì vậy, ngay trong năm 2024, Giám đốc Đại học Huế đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các doanh nghiệp mở các chuyên ngành chuyên sâu đào tạo nhân lực cho lĩnh vực vi mạch và bán dẫn trên cơ sở sử dụng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất dùng chung của Đại học Huế. Năm 2024 có 2 cơ sở mở ngành và chuyên ngành đào tạo liên quan đến bán dẫn là Công nghệ thiết kế vi mạch tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ và Công nghệ bán dẫn tại Trường ĐH Khoa học.

Các sinh viên hứng thú với ngành Công nghệ bán dẫn.

Các sinh viên hứng thú với ngành Công nghệ bán dẫn.

Sự chăm chú đến từ các thanh niên thế hệ trẻ.

Sự chăm chú đến từ các thanh niên thế hệ trẻ.

Nhiều tiềm năng cho sinh viên học ngành vi mạch và bán dẫn

Tại hội nghị, ông Bùi Quang Ngọc, Giám đốc cấp cao Công ty Marvell Việt Nam đã nêu ra những ưu điểm và những thách thức đối với sinh viên Việt Nam khi định hướng sẽ tham gia vào ngành công nghiệp này. Theo ông Ngọc, đa số các công ty vi mạch trên thế giới hiện nay là fabless (không có nhà máy sản xuất) nhưng vẫn tạo ra được giá trị rất lớn vì sở hữu các sản phẩm trí tuệ có biên độ lợi nhuận cao. Quá trình thiết kế và sản xuất sản phẩm vi mạch trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong đó các kỹ sư ở Việt nam đang tham gia vào hầu hết các giai đoạn này.

Kỹ sư Việt nam được đánh giá cao về sự sáng tạo, cần cù, trung thực và cởi mở trong quá trình làm việc. Các kỹ sư vi mạch ở Việt nam cũng đang dần tham gia vào các phần quan trọng nhất của thiết kế vi mạch bao gồm thiết kế hệ thống, thiết kế các vi mạch phức tạp cho DSP (Digital Signal Processing) và FEC (Forward Error Corection).

Nhiều câu chuyện về tiềm năng và thách thức trong đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn được chuyển tải hấp dẫn, bổ ích tại Hội nghị.

Nhiều câu chuyện về tiềm năng và thách thức trong đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn được chuyển tải hấp dẫn, bổ ích tại Hội nghị.

Theo ông Nguyễn Thế Hiển, Tổng Giám đốc Công ty DreamBig Semiconductor cho rằng, Việt Nam hiện có khoảng hơn 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip với tổng số lao động hơn 5.000 kỹ sư và đang có xu hướng tăng lên theo thời gian. Việc phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử và lập trình nhúng, sẽ giúp nhân lực Việt Nam trở nên có tầm vóc hơn và dần tham gia sâu hơn trong các công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn.

Theo ông Hiển, ngay sau hội nghị này Công ty DreamBig Semiconductor sẽ mở chương trình đào tạo về kiến trúc, thiết kế, và kiểm tra IP, chương trình sẽ tuyển 30-40 sinh viên đang theo học các ngành liên quan đến lĩnh vực vi mạch và bán dẫn tại Đại học Huế để đào tạo, nhằm sớm nhất cung ứng nhân lực cho công ty cũng như các đơn vị có nhu cầu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và trong cả nước.

Cũng trong chiều cùng ngày tại Đại học Huế đã có buổi làm việc giữa lãnh đạo Đại học Huế và các doanh nghiệp về mô hình hợp tác trong đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch và bán dẫn. Tại buổi làm việc, các công ty cũng đã đưa ra bức tranh đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này trên cơ sở các báo cáo về thực trạng của Đại học Huế.

Các công ty đã nhận định Đại học Huế là đơn vị có tiềm năng lớn nhất là tại Đại học Huế đã có kinh nghiệm đào tạo các ngành, chuyên ngành liên quan đến công nghiệp vi mạch và bán dẫn. Do đó, Đại học Huế phát huy tốt mô hình sử dụng chung về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cũng như hợp tác tốt với các doanh nghiệp theo mô hình University – Industry sẽ là cơ hội tốt để đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này.

Các đại biểu cùng sinh viên chụp hình lưu niệm. (Ảnh: Q.L)

Các đại biểu cùng sinh viên chụp hình lưu niệm. (Ảnh: Q.L)

Tuy nhiên các chuyên gia đến từ doanh nghiệp cũng nhấn mạnh Đại học Huế lựa chọn các chuyên ngành của các ngành đào tạo để phát triển đào tạo theo module là phù hợp với xu thế phát triển của ngành công nghiệp này, đồng thời sẽ linh hoạt thay đổi và cập nhật chương trình đào tạo để phù hợp với tốc độ phát triển của ngành chip và bán dẫn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.